Độc giả đến với Ngày sách Việt Nam 1. Dịp này, bên cạnh mảng sách cổ, sách cũ được giới thiệu với bạn đọc, thì mảng sách đương đại của các tác giả trẻ Việt Nam và sách dịch của thế giới cũng "trăm hoa đua nở” trên các quầy sách. Trong đó, các loại sách đoạt giải thưởng lớn của thế giới được các nhà xuất bản, nhà sách đua nhau dịch thu hút độc giả. Bên cạnh đó là mảng sách giải trí được đầu tư khá công phu. Nhìn thị trường sách hiện nay, có thể thấy các tên sách trong một số bảng xếp hạng sách giải trí bán chạy được người mua quan tâm, trong khi những cuốn sách chất lượng lại vắng bóng. Nhiều độc giả cũng cho rằng, hiện nay công nghệ truyền thông, quảng bá đang làm nhiễu loạn thị trường xuất bản vì sẵn sàng đánh tráo giá trị thực của cuốn sách chỉ vì lợi nhuận, khiến người mua rất dễ rơi vào "bẫy”. Đây là mặt trái của mảng sách liên kết. Có một thực tế đau lòng mà nhiều nhà quản lý và những người trực tiếp làm xuất bản đã chỉ ra: Thời gian qua, không ít NXB muốn tồn tại phải đi liên kết với các đối tác khác. Nhưng việc liên kết này dẫn tới một hệ lụy mà ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản thừa nhận: Trong số 90% xuất bản phẩm liên kết thì có tới hơn 99,5% có nội dung sai sót bởi sự liên kết này. Như vậy không quá khó để hiểu rằng, sở dĩ "lụy tiền” nên NXB dễ bị "thao túng” từ chính những đối tác liên kết của mình. Vậy nên mới có thực trạng sai sót về nội dung và nhan nhản các lỗi chính tả khi sách tới tay bạn đọc. Bên cạnh đó là những cuốn sách dễ dãi, hời hợt, nhảm nhí về nội dung mà chỉ mang tính câu khách, nhất thời rồi rơi vào lãng quên ngay sau đó. 2. Có thể, đây là câu chuyện muôn thuở, không thể giải quyết hết được. Nhưng có thể hạn chế nó và phải hạn chế từ cả hai phía. Một mặt, bản thân người đọc không nên đặt cược niềm tin hoàn toàn vào truyền thông, mà phải biết hoài nghi. Mặt khác, người làm truyền thông cũng như người làm sách phải có trách nhiệm, không nên vì mục tiêu thương mại mà làm mù mịt môi trường xuất bản sách. Tuy nhiên, với sự tác động của yếu tố văn hóa mạng như hiện nay để đọc như thế nào là đúng và hiệu quả thì mỗi người phải tự mình trải nghiệm và có bộ lọc riêng. Coi đọc sách không phải là nghĩa vụ mà nó là một món quà để nhà văn duy trì niềm ham mê sách của mình. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng và thị trường hóa sách cũng được độc giả quan tâm. Và độc giả cũng đưa ra những đánh giá để thanh lọc thị trường xuất bản như: Có hay không sự buông lỏng quản lý khi trên thị trường nhiều cuốn sách mang tính thương mại chưa phù hợp văn hóa chung vẫn được xuất bản. Rồi các tác giả cần thiết phải xem xét lại cách viết để giải quyết mâu thuẫn: thu hút độc giả hay lượng kiến thức độc giả cần?... 3. Có một câu hỏi đặt ra: Tại sao các nhà phê bình sách lại lặng lẽ trong khi hơn ai hết độc giả rất cần sự "cầm cân nảy mực” của họ. Theo nhà phê bình văn học, PGS.TS Đỗ Lai Thúy, hiện rất cần một lớp người làm phê bình báo chí phát hiện ra cái hay, cái đẹp từ sách, đọc hộ và chọn hộ bạn đọc. Rồi đưa lên giới thiệu, tạo ra dư luận và một đời sống văn hóa đọc lành mạnh. Hiện số người làm nhiệm vụ này tản mác, không nhiều. Ngay bản thân họ làm việc này cũng không có một hệ tiêu chí, giá trị của riêng mình. Có cảm tưởng họ thích cuốn sách nào thì viết giới thiệu cuốn đó. Hệ chuẩn giá trị sẽ giúp họ hình thành nhận định, lý giải được cho mình và cho bạn đọc tại sao cuốn sách này hay hoặc chưa hay. TS Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc NXB Trẻ cho rằng: Hàng năm, chúng ta có khoảng 30.000 đầu sách mới, nhưng vàng thau lẫn lộn. Cách đơn giản chọn sách là dựa vào uy tín của tác giả, của nhà sách và chọn theo tủ sách của các chuyên gia. Nói cách khác, bạn đọc phải là người tiêu dùng thông minh, bởi bộ lọc cuối cùng cấp "giấy thông hành” cho các cuốn sách ấy chính là độc giả. Độc giả đôi khi phải trả giá bằng thời gian, tiền bạc để có được cuốn sách hay, phù hợp với nhu cầu. Bản lĩnh, hiểu biết, hành vi và lối sống chính là công cụ để mỗi độc giả đãi cát tìm vàng. Ngọc Hà |