Tháng 5.2014 tới đây, Nhà xuất bản Trẻ sẽ ra mắt tiểu thuyết Tuyết hoang của tác giả Trần Quốc Quân. Sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh từ 1988, tác giả đã được chứng kiến thời kỳ chuyển đổi thể chế của các nước Đông Âu, tạo ra rất nhiều điều tác động sâu sắc lên mọi mặt đời sống của người Việt xa xứ ở đây.
Là một tác phẩm hiện thực, dầy khoảng 800 trang gồm 10 chương, Tuyết Hoang đã mang đến cho người đọc hôm nay bức tranh sống động, đa chiều của một "Làng Vũ Đại bên sông Wisla" trong những năm tháng đặc biệt này.
Hiện Trần Quốc Quân đang sinh sống tại Ba Lan, tác giả đã dành cho Một Thế Giới cuộc phỏng vấn ngắn.
*Là một doanh nhân, điều gì khiến anh lấn sân sang lĩnh vực văn học và quyết định viết tác phẩm đầu tay là tiểu thuyết?
Tác giả Trần Quốc Quân: - Đời tôi có nhiều ngã rẽ bất ngờ, không dự định trước. Hay nói một cách khác tôi đã trải qua nhiều nghiệp một cách tình cờ. Đang từ cán bộ quản lí kinh tế nhà nước bỗng dưng tôi rẽ ngang để đi nghiên cứu, đang nghiên cứu dở dang bỗng dưng tôi nhảy sang kinh doanh, đang kinh doanh bỗng dưng tôi nổi hứng thích viết văn. Thực ra trong bao nhiêu năm ấy, mặc dù đã trải qua nhiều “nghiệp”, nhưng tôi không dám nhận mình là “nhà” này, “nhà” nọ mà chỉ coi mình là người hoạt động trong một lĩnh vực nào đó. Nhưng nếu phải khai vào bản lí lịch, tôi sẽ không ngần ngại điền hai chữ “doanh nhân” trong mục nghề nghiệp.
Tôi không coi hoạt động trong lĩnh vực văn học là một nghiệp của đời mình, bởi với tôi viết sách không phải là một nghề kiếm sống. Xác định nghiệp chính đến cuối đời vẫn là kinh doanh nên dù muốn tôi cũng chỉ chia sẻ được một phần cuộc sống của mình cho văn học, một niềm đam mê lớn không phải đến bất chợt mà manh nha có từ thuở cắp sách đến trường.
Hơn mười năm trước, khi biết tôi tham gia làm báo, một người bạn có vai vế trong Hội Việt kiều bảo: “Như một nhân chứng sống từng trải qua các thăng trầm cùng với cộng đồng người Việt tại Ba Lan trong giai đoạn biến chuyển dữ dội của Đông Âu và Liên Xô, anh nên viết một cái gì đó để không “thất truyền” các tư liệu lịch sử quí báu?”. Anh cẩn thận phân tích thêm: “Người trải nghiệm phong phú như anh có nhưng không viết được, người viết được như anh lại không có những trải nghiệm sinh động thế. Anh là người kết nối được cả hai điều cần và đủ ấy”.
Thế là từ đó tôi nung nấu ý định là người có trách nhiệm phải ghi lại biên niên sử một thời của cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Nhưng việc kinh doanh bận rộn đã cuốn tôi trôi đi hết năm này đến năm khác, cho đến khi tôi tham gia cộng đồng mạng. Facebook đã tạo ra môi trường khuyến khích tôi hăm hở lao vào viết bộ hồi kí “Em ơi Ba Lan”. Với tôi, bộ hồi kí này lúc đó chỉ nhằm cân bằng lại mình sau những căng thẳng của công việc và đem lại niềm vui cho bạn bè. Nhiều bạn sau khi đọc đã động viên tôi tập hợp và biên tập lại thành sách. Có nhà xuất bản đã tiếp xúc với tôi để đặt vấn đề. Nhưng một số bạn văn, báo lại khuyên “tư liệu ăm ắp thế, để thô ráp đem in phí đi, bộ hồi kí này mà chuyển tải thành tác phẩm văn học sẽ nâng tầm giá trị lên nhiều”.
Sau bao nhiêu trăn trở, tôi bắt tay viết thử. Những tháng đầu, viết mãi vẫn không sao thoát được văn báo chí, tôi nản định bỏ cuộc. Nhưng nhờ sự động viên kịp thời của một người bạn và một nhà văn có tiếng, tôi kiên trì vừa học, vừa luyện, vừa viết. Thế rồi những chương đầu tiên của bộ tiểu thuyết đã được Nhà xuất bản Trẻ để mắt đến. Khi hoàn thành lần đầu, đọc lại thấy chưa hài lòng, tôi đã bỏ công sức viết lại từ đầu.
Sau hơn hai năm làm việc miệt mài và nghiêm túc, bộ tiểu thuyết Tuyết hoang gồm 10 chương với khoảng 800 trang in đã được hoàn thành và sẽ được Nhà xuất bản Trẻ phát hành đến tay bạn đọc trong vòng một tháng nữa.
*Như vậy, "Tuyết hoang" là bộ tiểu thuyết hiện thực, nhưng tại sao lại là “Tuyết hoang”?
Trần Quốc Quân: - Tuyết mang nhiều ý nghĩa đặc trưng cả về tự nhiên và xã hội của vùng Đông Âu và Liên Xô. Hoang là hoang dại, hoang dã. Tuyết hoang là bộ tiểu thuyết hiện thực phản ánh đời sống của cộng đồng người Việt tại Ba Lan trong bối cảnh chuyển đổi thể chế toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô những năm cuối thập kỉ 80 đầu thập kỉ 90 của thế kỉ trước, khi mà nền dân chủ và nhà nước pháp quyền còn mò mẫm trong giai đoạn khởi thủy, sơ khai. Cộng đồng người Việt manh nha hình thành và phát triển hoang dại như một bản sao của “làng Vũ Đại bên sông Wisla” trong xứ tuyết bản địa cũng hỗn loạn và hoang dại về luật pháp, về tổ chức điều hành xã hội là nội dung bao trùm, xuyên suốt của cuốn tiểu thuyết.
*Vậy cái “làng Vũ Đại bên sông Wisla” ngày ấy, bây giờ trong mắt của anh, nó đã tồn tại ra sao?
Trần Quốc Quân: -Hai mươi lăm năm qua trong khi xã hội Ba Lan có những bước tiến dài, phát triển cao về mọi mặt như giàu có hơn, văn minh hơn, dân chủ hơn và hệ thống luật pháp chặt chẽ quy củ hơn thì cái “làng Vũ Đại bên sông Wisla” có vẻ như không theo kịp, và nếu xét về mặt tương đối so với xã hội Ba Lan thì cộng đồng người Việt có sự thụt lùi.
Tuy phát triển lên, giàu có hơn với nhiều nhà riêng rộng rãi, xe hơi đắt tiền; tuy tỉ lệ có giấy tờ cư trú hợp pháp nhiều hơn nhưng các cư dân của “làng Vũ Đại trên sông Wisla” nhất là những người thuộc thế hệ thứ nhất, không biết tiếng Ba Lan, vẫn cố bám giữ bản sắc đất lề quê thói, vẫn như một cộng đồng khép kín, như một ốc đảo lạc lõng giữa xứ sở văn minh châu Âu, với khả năng tái hòa nhập thấp. Bên cạnh đó, thế hệ thứ hai là những người được sinh ra tại Ba Lan có tiếng là học giỏi, hòa nhập tốt hơn, nhanh hơn, sâu hơn vào xã hội bản địa.
|
Phong cảnh trên sông Wisla - Ảnh: Tư liệu |
*Với "Tuyết hoang", anh có tham vọng sẽ làm một cuộc thay đổi gì, ít ra cho thế hệ thứ nhất, trong cái "làng Vũ Đại" ấy không, hay đơn giản là anh chỉ tạo ra "Tuyết hoang" để “làm duyên” với đời?
Trần Quốc Quân:-Nhiều năm tích cực tham gia hoạt động cộng đồng, tham gia sáng lập báo, viết báo, tôi có tham vọng được đóng góp công sức, dù nhỏ nhoi, cho sự phát triển của cộng đồng theo hướng nhân văn tốt đẹp. Chính với động cơ đó, tôi đã mang nỗi trăn trở về cái “làng Vũ Đại bên sông Wisla” trong đó có những cư dân người Việt khép kín, ít có khả năng tái hòa nhập với xã hội Ba Lan, nhất là đối với thế hệ thứ nhất không xuất thân từ du học sinh vào từng trang viết trong cuốn tiểu thuyết của mình.
Tuy nhiên, sách của tôi có khả năng tác động được những gì để thay đổi bộ mặt của “làng Vũ Đại” ấy, hay nó chỉ “làm duyên với đời” như bạn nói hoàn toàn phụ thuộc vào cách thức tiếp nhận và độ tiếp nhận của các độc giả. Khi Tuyết hoang chính thức đến được với công chúng, xét theo một khía cạnh nào đó, thì nó không còn là của tôi nữa, nó đã trở thành tài sản chung của tất cả mọi người. Sử dụng tài sản này như thế nào là chuyện của “toàn dân” rồi.
*Với số lượng dự kiến hơn 800 trang. Quả là không đơn giản cho một quyển tiểu thuyết đầu tay. Từ lúc viết đến nay anh có bị những nỗi ám ảnh nào đeo bám không?
Trần Quốc Quân: -Tiểu thuyết đầu tay dài quá, liệu có nên không? Khi mới bắt tay vào viết, tôi trăn trở mãi với câu hỏi này. Tôi chưa từng có tác phẩm nào đến với công chúng, vậy mà viết dài thì quả là mạo hiểm. Nhưng tư liệu trong quãng thời gian muốn đưa lên sách ngồn ngộn, nếu viết ngắn, không chuyển tải hết đến bạn đọc thật phí. Thôi, cứ viết, được đến đâu thì đến. Dù lạc quan nhất, ban đầu tôi nghĩ Tuyết Hoang cố lắm chắc chỉ đến trang thứ 500 là hết vốn. Vậy mà theo đề cương, trải qua từng chương, cuốn sách cứ dài mãi ra. Cho đến khi gác bút ở đoạn kết, tôi không tin nổi số trang đã lên đến 800.
Nỗi ám ảnh lớn nhất đeo bám tôi từ lúc viết đến nay và cả sau này khi tác phẩm nằm trên tay bạn đọc là họ sẽ đón nhận tác phẩm của mình như thế nào? Liệu xem xong Lời nói đầu, họ có mua sách không? Liệu đọc hết mười trang đầu họ có hứng thú đọc tiếp không, hay sẽ cất vào tủ sách và không bao giờ giở ra nữa? Nhưng sau khi gửi một vài chương cho bạn bè là các nhà văn, nhà báo, nhà biên tập, gần như tuyệt đối những người có chuyên môn đó đều đánh giá tốt về cuốn tiểu thuyết, lúc đó nỗi ám ảnh lớn nhất trong tôi mới dần phôi phai. Càng ngày tôi càng trở nên tự tin hơn với tác phẩm đầu tay của mình. Tất nhiên đánh giá chính xác nhất vẫn là đông đảo bạn đọc.
Nỗi ám ảnh mà tôi hàng ngày phải đối mặt trong khi viết là sự bất lực không thể hiện được ý đồ bằng câu chữ. Mặc dù trong đầu đã có sẵn ý tưởng, có sẵn nội dung, có sẵn dàn bài nhưng loay hoay mãi, tôi vẫn không viết ra được hoặc viết rồi lại xóa vì không đúng ý hay chưa hài lòng. Có những đêm tôi viết không nổi mười dòng chữ khổ giấy A4, trong khi nhiều đêm tôi viết được mười lần hơn thế.
Đôi khi đang viết tuôn trào, các ý tràn trề trên những trang viết, một nỗi ám ảnh bất chợt đến khiến tôi phải ghìm bút lại. Bao nhiêu câu hỏi bất chợt hiện lên, liệu có ai đó nghĩ nhân vật này tác giả nhào nặn nên là có dụng ý ám chỉ hay xiên xẹo gì không? Tác phẩm thể hiện trung thực nhận thức của tác giả, nêu đúng bản chất của sự việc liệu có được xã hội và bạn đọc chấp nhận không? Có nỗi ám ảnh đến rồi lại đi, có nỗi ám ảnh không lúc nào dứt. Trong suốt quá trình viết sách, những nỗi ám ảnh thường trực đó đôi khi lấy mất của tôi cảm hứng sáng tạo. Nhưng điều quan trọng và có ý nghĩa nhất là tác phẩm đã hoàn thành. Nhìn lại những nỗi ám ảnh mà mình đã từng vượt qua được ấy, lúc này tôi lại cảm thấy tự hào.
*Quá nhiều nỗi ám ảnh với tác phẩm đầu tay như vậy, liệu anh sẽ viết tiếp chứ? Sau"Tuyết hoang" sẽ là gì?
Trần Quốc Quân: -Viết tiếp chứ. Tuy không coi văn là nghiệp nhưng là nỗi đam mê được viết ngấm vào từng tế bào của tôi lâu nay rồi. Có lẽ tôi sẽ viết đến khi nào không cầm được bút (không gõ được bàn phím) mới thôi. Sự nghiệp kinh doanh của tôi đã ổn định, không phải bươn chải như trước nữa nên ngoài công việc, cứ có thời gian rảnh là tôi sẽ viết. Tôi viết vừa là thú vui để cân bằng lại mình, vừa muốn đóng góp được chút gì đó cho đời.
Sau Tuyết hoang tôi sẽ viết tập truyện ngắn, vẫn là những mảnh đời người Việt trong cái “làng Vũ Đại bên sông Wisla” ấy. Còn sau tập truyện ngắn là gì nhỉ? Có thể sẽ là sự “trở về” tập tiếp theo của tiêủi thuyết.
*Xin cám ơn anh! Chúc anh thành công hơn nữa với những dự định văn chương của mình!
Anh Bảo thực hiện