Về huyền thoại "Trăm năm cô đơn"

21:11:00 24/04/2014

QĐND - Vẫn biết nhiều năm nay, sức khỏe của nhà văn Cô-lôm-bi-a đoạt Giải Nobel Văn chương 1982 Ga-bri-en Gác-xi-a Mắc-két (Gabriel Garcia Marquez) không tốt, nhưng người đọc khắp thế giới vẫn nuối tiếc khi biết tin ông qua đời ngày 17-4 vừa qua tại thủ đô Mê-hi-cô (Mê-hi-cô). Vẫn chưa rõ ông đã hoàn thành cuốn sách sau chót về một nhân vật sẽ chết khi viết xong dòng cuối cùng hay chưa? Nếu cuốn sách đặc biệt đó được xuất bản về sau, G.Mắc-két sẽ hoàn tất một huyền thoại cho riêng mình, cho văn chương và cho cả nền văn hóa Mỹ La-tinh vô cùng độc đáo.

Một đời dấn thân

G.Mắc-két sinh ngày 6-3-1927, tại thị trấn A-ra-ca-ta-ca bên bờ biển Ca-ri-bê, trong một gia đình có 11 anh em.

Ông được gia đình cho học hành đến nơi đến chốn, năm 20 tuổi, ông ghi danh vào Khoa Luật, Trường Đại học Quốc gia Cô-lôm-bi-a tại thủ đô Bô-gô-ta. Tuy nhiên, ông đã quyết định bỏ học để viết báo và viết văn. G.Mắc-két gắn bó thủy chung với nghề báo sau khi trở nên nổi tiếng nhờ văn chương vì ông luôn xem nghề báo là “nghề tuyệt vời nhất thế giới”. Rất nhiều tác phẩm của G.Mắc-két như: “Nhật ký chìm tàu” (1970), “Cái chết được báo trước” (1981), “Tin tức về một vụ bắt cóc” (1996)..., thực sự là những tác phẩm đỉnh cao giao thoa giữa hai thể loại văn học và báo chí. Các tác phẩm này vẫn được làm tài liệu để giảng dạy trong các trường báo chí hàng đầu thế giới hiện nay.

Cùng với việc viết bài cho tờ báo El Espectador (Người quan sát), G.Mắc-két cùng với những sinh viên thủ đô tham gia biểu tình phản đối vụ sát hại Hóc-hê Ê-lít-xê Gai-tan, một chính khách cánh tả đang chạy đua chức vụ tổng thống Cô-lôm-bi-a vào năm 1948. Sau đó, ông chuyển về sống ở thành phố Ba-ran-quin-la phía Bắc Cô-lôm-bi-a. Ngoài việc tham gia “nhóm Ba-ran-quin-la” gồm các nhà báo tiến bộ, G. Mắc-két bắt đầu tiếp xúc với những tác phẩm của các tác giả hiện đại nổi tiếng như: Giêm Gioi, Phăng Cáp-ca, Uy-li-am Phoóc-nơ, Ơ-nít-xơ Hê-minh-uây... và bắt đầu sáng tác tiểu thuyết đầu tay “Bão lá úa”.

Đến năm 1955, G.Mắc-két là phóng viên thường trú tờ báo “Người quan sát” ở châu Âu. Không lâu sau, tờ báo tạm đình bản, ông đứng giữa hai lựa chọn là về nước hoặc ở lại châu Âu. G.Mắc-két quyết định ở lại, chịu mọi khó khăn về vật chất chỉ để theo đuổi niềm đam mê văn chương. Đồng thời, ông đi thăm một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và viết các bài báo khách quan về những đất nước này. Thời gian này, ông cũng đã hoàn thành hai tiểu thuyết quan trọng là: “Giờ xấu” và “Ngài đại tá chờ thư”.

Một bạn đọc ở thủ đô Bô-gô-ta cầm trên tay tờ báo “Người quan sát”, số ra về sự kiện nhà văn G.Mắc-két qua đời với lời tôn xưng “Inmortal” (Bất tử) trên trang nhất. Ảnh: AFP

Năm 1958, ông quyết định về châu Mỹ và cưới người bạn gái lâu năm Méc-xê-đéc Ba-cha. Đến năm 1960, ngay sau khi Cách mạng Cu-ba thắng lợi, ông sang Cu-ba làm phóng viên Hãng thông tấn Prense Latina của Cu-ba và bắt đầu tình bạn vĩ đại với lãnh tụ Phi-đen Cát-xtơ-rô. Sau đó, ông có 3 năm hết sức hiểm nguy khi làm phóng viên thường trú của Hãng thông tấn Prense Latina tại Mỹ, luôn bị nhóm người Cu-ba lưu vong và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đe dọa. Đây cũng là lúc G. Mắc-két gặp khủng hoảng trong sáng tác, ông không thể viết dòng nào trong nhiều năm. Thế rồi, năm 1965, ông bắt đầu viết tác phẩm nổi tiếng nhất đời mình-“Trăm năm cô đơn”-suốt 18 tháng liền trong tình cảnh túng quẫn, nợ nần. “Trăm năm cô đơn” xuất bản năm 1967, trong vòng 3 năm sau đó đã bán được nửa triệu cuốn, đem lại danh tiếng rực rỡ và tiền bạc cho G.Mắc-két.

Năm 1982, G.Mắc-két được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao Giải thưởng Nobel Văn chương. Từ đây, G.Mắc-két được xem là nhà trí thức nổi tiếng của Mỹ La-tinh. Ông không ngừng nghỉ đấu tranh cho tự do và nhân quyền, lên tiếng ủng hộ các chính quyền cánh tả tiến bộ ở Mỹ La-tinh. G.Mắc-két không chỉ được người dân Cô-lôm-bi-a yêu mến mà còn được coi là biểu tượng của Mỹ La-tinh tự do, đa văn hóa.

Với một cuộc đời sôi động, đầy sự dấn thân, G.Mắc-két thực sự là mẫu nhà văn hành động. Sống và viết bổ sung cho nhau, tôn vinh nhau, trở thành một huyền thoại văn chương Mỹ La-tinh trong thế kỷ XX đầy biến động.

Bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo

Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (magic realism) là một đóng góp to lớn của văn hóa Mỹ La-tinh vào văn hóa loài người nói chung và văn học nói riêng. Hiểu một cách đơn giản nhất, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo dựa vào một số sự kiện, chi tiết có thật trong lịch sử, địa điểm có thật trên thực địa nhưng nhà văn đã “cài” vào những yếu tố kỳ ảo, siêu nhiên để mở rộng tầng nghĩa cho hiện thực, giúp hiện thực trở nên lung linh như là những sự việc xảy ra trong giấc mơ.

G.Mắc-két không phải là người đầu tiên sáng tạo hay đưa chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ La-tinh lên tầm cao thế giới, vinh dự ấy thuộc về nhà văn khiếm thị vĩ đại người Ác-hen-ti-na Hóc-hê Lu-i Bóc-hét (1899-1986). Không có nhà văn danh tiếng nào Mỹ La-tinh nửa sau thế kỷ XX có thể chối bỏ ảnh hưởng mạnh mẽ của văn chương Hóc-hê Lu-i Bóc-hét lên tác phẩm của họ, cho dù “người khổng lồ” Bóc-hét chỉ viết truyện ngắn chứ không phải là một tiểu thuyết gia.

Tuy nhiên, ảnh hưởng là một chuyện, còn bị lệ thuộc dưới cái bóng văn chương uy quyền hay không là câu chuyện khác. Sở dĩ văn chương Mỹ La-tinh mạnh mẽ và vẫn còn tiềm năng để phát triển là nhờ ý thức đổi mới của các nhà văn hậu bối luôn muốn viết khác các bậc đàn anh. Khác với Hóc-hê Lu-i Bóc-hét say mê làm một “kiến trúc sư” thiết kế cấu trúc tác phẩm văn chương phức tạp (nhất là cấu trúc mê cung), cố tình sử dụng các trích dẫn, điển cố xa xưa đầy tính uyên bác..., G.Mắc-két lại thích đắm mình vào những câu chuyện dân gian, những huyền thoại đời sống thuở mà văn minh công nghiệp mới bắt đầu bén rễ tại Mỹ La-tinh. Chính sắc thái mới đó khiến nhiều nhà phê bình văn học không ngần ngại gọi G.Mắc-két là một bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo!

Lời khuyên thường gặp nhất để giúp người đọc hiểu thế giới văn chương hiện thực kỳ ảo của G.Mắc-két vẫn là phải tìm đọc cuốn tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”. Đó là câu chuyện dài về 7 thế hệ trong dòng họ Bu-en-đi-a sống ở ngôi làng Ma-côn-đô với khởi thủy là Hô-sê A-các-đi-ô Bu-en-đi-a bất chấp lời khuyên can về tội loạn luân đã lấy người em họ xa của mình Úc-xu-la I-goa-ran. Các thế hệ tiếp sau sinh ra và lớn lên trong nhiều bối cảnh chiến tranh, xung đột giữa công nhân với giới chủ... đúng như các sự kiện lịch sử vùng đất quê hương A-ra-ca-ta-ca của G.Mắc-két. Nhưng xuyên suốt tác phẩm, G.Mắc-két đã sáng tạo ra những tình tiết đầy ảo diệu như nhân vật “Rê-mê-đi-ô - Người đẹp” suốt đời không vướng vào ái tình đã bay lên trời với chiếc chăn thô trải giường. Hiển nhiên, ai cũng biết những tình tiết trên là phi lý (chỉ có trong mơ mới có!) nhưng vì nó được đặt trong một bối cảnh y như thật, được quy ước là sự thật khiến người đọc chỉ thấy chúng thú vị chứ không “dị ứng” khi thật giả lẫn lộn.

Sức hấp dẫn của “Trăm năm cô đơn” còn thể hiện ở giọng điệu kể chuyện đặc biệt như lời G.Mắc-két nói với vợ: “Anh đã tìm được giọng điệu rồi! Anh sẽ kể câu chuyện này với gương mặt khô cứng như gỗ của bà ngoại kể cho anh nghe những câu chuyện kỳ lạ, bắt đầu từ cái buổi chiều nọ khi đứa bé được bố đưa đi xem nước đá”. Cuối cùng, cũng không thể quên cấu trúc đặc biệt của “Trăm năm cô đơn” là tiểu thuyết lồng trong tiểu thuyết một cách nhuần nhuyễn, được các nhà văn khắp nơi trên toàn thế giới áp dụng.

Không chỉ có nội dung hấp dẫn, phương thức biểu đạt hoàn hảo, “Trăm năm cô đơn” còn để lại những ẩn dụ chứa đựng thông điệp hết sức sâu sắc về thực tại và tương lai Mỹ La-tinh. Mỹ La-tinh nếu không giữ vững bản sắc mạnh mẽ vốn có, con đường phát triển độc lập, tự chủ thì Mỹ La-tinh sẽ bị hòa tan trở nên cô đơn và bị lãng quên trong thế giới phát triển y như dòng họ Bu-en-đi-a tự tàn lụi, khi người đàn ông cuối cùng của dòng họ bị mọc đuôi lợn do hệ quả của tội loạn luân. Và để có thể chuyển tải và mở rộng ý nghĩa thông điệp, không có con đường nào khác chính là thông qua hiệu quả nghệ thuật của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo!

G.Mắc-két được biết đến nhiều ở Việt Nam từ năm 1986 nhờ công lao của các dịch giả từng du học ở Cu-ba mà nổi bật nhất là cố dịch giả Nguyễn Trung Đức (1942-2001). Nhờ ông mà gần như mọi sáng tác quan trọng nhất của G.Mắc-két đã đến tay bạn đọc Việt Nam và được đọc say mê suốt mấy chục năm qua. Ảnh hưởng của G. Mắc-két trong văn học Việt Nam không hề nhỏ khi nhiều nhà văn công khai tuyên bố chịu ảnh hưởng của nhà văn Cô-lôm-bi-a vĩ đại này. Đến nay, G.Mắc-két vẫn là người dẫn đường giúp nhiều nhà văn trẻ bước vào một thế giới văn chương mới mẻ, giúp họ có niềm tin trong công việc sáng tạo.

TRẦN HOÀNG HOÀNG


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1