Giã từ những vòng tay

14:46:00 24/04/2014

TTCT - Nhan đề cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của E. Hemingway A farewell to arms với lối chơi chữ đầy mỉa mai, có thể được hiểu theo nhiều cách: Giã từ vũ khí hay Giã từ những vòng tay.

Nếu hiểu theo cách thứ hai, nó có thể trở thành lời đề từ đầy ẩn ý và duyên dáng cho công trình kinh điển Intimate Behaviour (*, Hành vi thân mật) của nhà nghiên cứu tập tính học người Anh Desmond Morris.

Từ vòng ôm của mẹ

Bằng khả năng quan sát sắc sảo, Morris đã dựng lại lược sử của những hành vi thân mật, những động chạm thân thể, những cử chỉ ôm ấp, vuốt ve trong tiến trình của đời người.

Thật ngạc nhiên khi biết rằng vòng ôm đầu tiên mà con người cảm nhận chính là từ tử cung của người mẹ, đó là “những cảm giác tiếp xúc thân thể thân mật, khi chúng ta bồng bềnh ấm cúng trong tử cung như bức thành che chở của lòng mẹ”. Rồi khi dần lớn thêm, được tay mẹ ẵm bồng và được chìm đắm trong vòng ôm nhân tạo của chiếc nôi và áo quần.

“Nhưng sự điên cuồng của đời sống thành thị gây ra stress, và stress tạo nên căng thẳng và cảm giác bất an. Thân mật làm dịu những cảm giác này, thế nên thật nghịch lý, càng buộc phải tách biệt nhau, chúng ta càng cần tiếp xúc thân thể”

(tr.192)

Khi đến tuổi trái tim đập những nhịp yêu đương lại mê mải trong vòng tay của người tình. Đến lúc trưởng thành, làm cha làm mẹ, vòng tay biến đổi trong nhịp ru dành cho con cháu. Kết thúc đời người, cỗ áo quan là vòng ôm cuối, khép lại một kiếp nhân sinh.

Và từ phát khởi, cội nguồn của hành vi thân mật ở chương 1, Morris đã khéo léo dẫn dụ người đọc trong hành trình giải mã các lớp ẩn ngữ trong những thân mật tính dục (chương 2, 3) và thân mật xã hội (chương 4, 5) cũng như những biểu hiện khác của hành vi này như thân mật đồ vật (chương 7), tự thân mật (chương 8)…

Tác giả đã nhìn sâu vào tập tính động vật và cả những ảnh hưởng, điều chỉnh của xã hội đối với các hành vi đó để có thể đưa ra những kiến giải hết sức lý thú. Chẳng hạn, đều là những hành động tay, nhưng nếu hành động ôm vai là hình thức phổ biến nhất của ôm cục bộ thì để tay trên vai là sự suy giảm của một cái ôm vai trọn vẹn; hành động khoác tay lại thường chỉ xảy ra ở những người phụ nữ, gắn với những quan niệm về giới; hành động nắm tay lại đòi hỏi sự phối hợp của cả hai bên…

Và cứ thế, từ cái ôm nguyên khởi của tình mẹ, con người luôn sống, hít thở và tồn tại… trong những vòng tay.

Giữa vòng vây đô thị

Nhịp sống hiện đại, những tòa cao ốc, những dãy nhà nối tiếp cũng là một vòng tay bủa vây con người. Khi những thiết chế, những tiện nghi được con người tạo ra không mang lại hạnh phúc mà ngày càng làm tăng thêm nỗi đau, sự lo lắng. Đô thị đã trở thành bức tường ngăn cách, tách rời con người với chính bản thể của hồn mình.

Cho nên thật dễ hiểu khi khép lại chương 9 - chương cuối cùng của cuốn sách - Morris đưa ra lời cảnh báo về những bất an trong đời sống đô thị, với nguy cơ xóa sổ những hành vi thân mật giữa người và người.

Ông viết: “Con người là động vật xã hội, có thể yêu thương và luôn khao khát yêu thương. Từ một kẻ săn bắn sống trong bộ lạc đơn thuần, con người thấy mình giờ đây sống trong một thế giới chung đông đúc… Trong sự rút lui về mặt tình cảm, anh ta bắt đầu ngăn trở ngay cả những người gần gũi thân yêu nhất, cho tới khi thấy mình cô độc trong một thế giới đông nghẹt”.

Cái “thế giới đông nghẹt” như Morris đã nhắc đến hẳn không còn là một dự cảm, mà giờ đây đã thật sự hiện hữu cùng với nỗi lo âu của nhân loại. Những vòng xoay của nó trong bao thị phi có khả năng làm nhòe mờ nhân tính, từ cái phần cơ bản nhất của mình: những hành vi thân mật.

Và qua lời cảnh báo đó, hẳn Morris muốn kêu gọi chúng ta cùng quay về và “chìm đắm trong một sự trở lại - thỉnh thoảng và kỳ diệu - sự thân mật”.

LÊ MINH KHA

Desmond Morris (1928 - ) là nhà động vật học nổi tiếng người Anh. Ngoài việc dành thời gian cho những nghiên cứu tập tính học, ông còn là một họa sĩ theo trường phái siêu thực, một người dẫn chương trình truyền hình duyên dáng, một trong những tác giả best-seller của thế giới sách khoa học thường thức.

Các tác phẩm của Desmond Morris đã được dịch sang tiếng Việt còn có: Vượn trần trụi - Vương Ngân Hà dịch - Nhã Nam và Nxb Hội Nhà Văn - 2010, Vườn thú người - Vương Ngân Hà dịch - Nhã Nam và Nxb Hội Nhà Văn - 2011, Ngôn ngữ cơ thể - Huỳnh Văn Thanh dịch - Văn Lang và Nxb Lao Động - 2013.

(*): Desmond Morris: Hành vi thân mật - Lê Nguyễn Lê dịch - Nxb Từ Điển Bách Khoa - quý 4-2013


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1