Hội chứng đám đông và văn hóa đọc của giới trẻ

21:14:00 26/04/2014

Chỉ sau một tuần tổ chức, Hội sách TP Hồ Chí Minh lần thứ tám diễn ra vừa qua đã thu về gần 38 tỷ đồng, thu hút khoảng một triệu lượt người tham gia, tăng 30% về doanh thu và 20% về số người tham dự so với Hội sách lần thứ bảy năm 2012. Nhìn vào những con số này, nhất là khi người mua sách phần lớn là giới trẻ ngỡ rằng đã có thể lạc quan hơn với nền văn hóa đọc nước nhà vốn đang mai một. Song, có "soi" vào danh sách những cuốn bán chạy nhất hội chợ mới thấy, bạn đọc trẻ ngày nay chủ yếu chỉ quan tâm tới những cuốn sách giải trí đơn thuần, những cuốn do ca sĩ này, diễn viên kia viết, hoặc chứa đựng những yếu tố "hot" trước đó gây tranh cãi. Trong khi, những cuốn sách đọc để học, để được trang bị kiến thức và kỹ năng sống thì rơi vào tình trạng "ế" chỏng chơ dù đã hạ giá hết cỡ. Thế mới thấy, sách bán được nhiều chưa chắc đã là dấu hiệu đáng kỳ vọng, khi mà người đọc cứ mua theo phong trào, theo lời giới thiệu đồn đoán từ nhiều kênh khác nhau hơn là đi tìm những giá trị đích thực từ nội dung cuốn sách.

Chỉ sau một tuần tổ chức, Hội sách TP Hồ Chí Minh lần thứ tám diễn ra vừa qua đã thu về gần 38 tỷ đồng, thu hút khoảng một triệu lượt người tham gia, tăng 30% về doanh thu và 20% về số người tham dự so với Hội sách lần thứ bảy năm 2012. Nhìn vào những con số này, nhất là khi người mua sách phần lớn là giới trẻ ngỡ rằng đã có thể lạc quan hơn với nền văn hóa đọc nước nhà vốn đang mai một. Song, có "soi" vào danh sách những cuốn bán chạy nhất hội chợ mới thấy, bạn đọc trẻ ngày nay chủ yếu chỉ quan tâm tới những cuốn sách giải trí đơn thuần, những cuốn do ca sĩ này, diễn viên kia viết, hoặc chứa đựng những yếu tố "hot" trước đó gây tranh cãi. Trong khi, những cuốn sách đọc để học, để được trang bị kiến thức và kỹ năng sống thì rơi vào tình trạng "ế" chỏng chơ dù đã hạ giá hết cỡ. Thế mới thấy, sách bán được nhiều chưa chắc đã là dấu hiệu đáng kỳ vọng, khi mà người đọc cứ mua theo phong trào, theo lời giới thiệu đồn đoán từ nhiều kênh khác nhau hơn là đi tìm những giá trị đích thực từ nội dung cuốn sách.

Ngày nay, khi hỏi các bạn trẻ tại sao lựa chọn cuốn sách này, tác phẩm kia để đọc, phần lớn sẽ nhận được những câu trả lời đại loại như: vì đó là cuốn sách đang được nhiều người quan tâm, hoặc: vì đó là một trong những cuốn sách thu hút nhiều độc giả nhất. Điều đó có nghĩa là, đã và đang hình thành xu hướng đọc kiểu a dua, "hóng" theo đám đông,... không cần biết đọc để thu nhận điều gì, thấy người khác đọc, ta cũng đọc. Đương nhiên, khi đó, đọc không phải để trải nghiệm mà là để không bị lạc nhịp, đọc là để cố chứng minh cho mọi người thấy bản thân cũng nhạy bén với những gì đang được cho là thời thượng. Nhờ hiệu ứng tâm lý này, có nhiều cuốn sách chẳng được đánh giá cao về chất lượng nội dung vẫn "cháy hàng" chỉ bởi gây được chú ý cho dư luận. Nhất là giờ đây, khi in-tơ-nét phát triển, mạng xã hội bùng nổ với nhiều tính năng ưu việt về sức liên kết, độ lan tỏa và chia sẻ thông tin, càng có nhiều cách thức để tạo độ "nóng" cho sách trong một thời gian ngắn. Điều này lý giải tại sao, tiểu thuyết "Sợi xích" của Lê Kiều Như ngay sau khi bị cấm phát hành đã được độc giả săn lùng bản in và chia sẻ bản mềm trên mạng với tốc độ chóng mặt. Tương tự, những bản scan lậu của "Sát thủ đầu mưng mủ" cũng được dịp tung hoành khi cuốn thành ngữ đời mới này bị thu hồi vì nhiều chê trách về nội dung. Ngay trước khi tập hai cuốn sách "Xách ba lô lên và đi" có tên "Đừng chết ở Châu Phi" của Huyền Chíp được phát hành, thông tin cô gái trẻ sử dụng những yếu tố hư cấu về hành trình du lịch bụi vòng quanh thế giới của mình đã lan truyền khắp cộng đồng mạng, và điều này đã trở thành lý do khiến tập hai cuốn sách ngay khi vừa ra sạp đã được xếp vào hàng bán chạy nhất.

Vô hình trung, hội chứng đám đông, trào lưu a dua trong thói quen đọc của những độc giả trẻ đã tạo nên những giá trị "ảo" cho thị trường sách nói chung. Đặt sách trong mối quan hệ giữa "giá cả" và "giá trị", dễ nhận ra nhiều trường hợp, "giá cả" có độ vênh rất lớn so với "giá trị", và nhiều khi, "giá cả" thậm chí còn tỷ lệ nghịch với "giá trị". Sách bán được nhiều, doanh thu lớn chưa chắc đã phải sách có chất lượng. Ngược lại, sách chưa được bạn đọc quan tâm cũng không hẳn chẳng ra gì. Thế mới thấy, văn hóa đọc không phải là thứ có thể đánh giá được từ những dấu hiệu biểu hiện bên ngoài.

Những ngày gần đây, khi Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định lấy ngày 21-4 là Ngày sách Việt Nam, vấn đề xây dựng văn hóa đọc lại được nêu lên mạnh mẽ. Từ các cấp, ban, ngành đến các tổ chức, đoàn thể đều kêu gọi người dân dành thời gian đọc sách. Tuy nhiên, không phải cứ đọc sách là xây dựng được văn hóa đọc. Văn hóa đọc còn cần đến những kỹ năng lựa chọn sách, cách thức đọc sách và tiếp thụ kiến thức từ sách mà điều này muốn thực hiện được cần đến cả một quy trình giáo dục. Từ những năm đầu thế kỷ 20, nhiều nước trên thế giới đã có ngành "khoa học đọc". Song ở nước ta, vấn đề "dạy đọc", tức dạy cách chủ động làm việc với con chữ vẫn chưa mấy được chú trọng. Điều này dẫn tới tính thụ động trong việc lựa chọn, tiếp nhận văn bản và hình thành thói quen nguy hiểm: đọc theo đám đông, nói theo đám đông, thiếu tính quyết đoán, thiếu quan điểm, lập trường cá nhân trong việc tìm tòi đọc và bình luận.

Làm thế nào để thay đổi thói quen đọc đó của các bạn trẻ hiện nay, hướng tới xây dựng văn hóa đọc và một "xã hội học tập"? Đây là vấn đề đặt ra với cả ngành xuất bản và giáo dục mà trong đó, cần đến sự vào cuộc của toàn xã hội với một định hướng, kế hoạch dài hơi, tổng thể.

HỒNG TRANG

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1