Bệnh "vơ vào"...

08:00:00 01/05/2014

Một lần, đọc hết một cuốn tiểu thuyết, tôi thấy chẳng có gì ấn tượng gì. Ôm đồm, dông dài và tản mác. Đôi chỗ còn lên gân và rất thiếu văn. Nhiều chi tiết ở dạng "dây cà ra dây muống", đang "cải lương" lại bất ngờ chuyển sang "chèo", không đâu vào đâu cả… Nhưng khi gấp sách lại, đọc ít dòng lăng xê ở trang bìa 4, tôi giật mình: "Vì đã có "Những người khốn khổ" của V. Hugo và vì đã có "Con đường đau khổ" của A. Tolstoi nên cuốn tiểu thuyết này mới có tên…".

Đem những lời này hỏi lại một nhà văn - tác giả của nhận xét trên, tôi nhận được câu trả lời chắc nịch: "Ấy là lời tôi nói đùa trong một quán rượu, trong lúc đang uống rượu. Tác giả cuốn tiểu thuyết đã cố tình "vơ vào" để PR cho mình đấy thôi. Chứ tôi ngớ ngẩn gì mà đem so nhà văn này với văn hào người Pháp và văn hào người Nga kia chứ. Nói thế có khác gì đem so ánh sáng của đom đóm với ánh sáng của mặt trời!".

- Hay là tác giả tưởng anh nói thật?

- Cố ý tưởng tôi nói thật thì có.

- Hay là tác giả đã quá tự tin?

- Quá… tự ti thì đúng hơn.

Một lần khác, tôi được nghe nhà thơ N. nói lại lời của một "ông chòm" thơ phong trào trong một cuộc ra mắt sách của một nhà thơ phong trào tên X. "Ông chòm" này nói: "Thơ của nhà thơ… đến Trường Sơn là hết. Thơ của nhà thơ… hết người lớn là hết. Thơ của nhà thơ… chỉ đến lục bát là hết. Thơ của nhà thơ… chỉ đến tứ tuyệt là hết. Còn thơ của nhà thơ X. với tập thơ ra mắt hôm nay là còn mãi…".

Nhận xét thế là hết sức "áp đặt" và hết sức liều lĩnh. Nhiều người nghe xong, đều ồ lên… cười.

- Thái độ của nhà thơ X. thế nào?

- Im lặng. Im lặng rất lâu. Có vẻ như đang lặng người vì những lời khen. Hình như ông này vẫn còn trong cơn mê sảng vì cái sự "một tấc lên trời" ấy?

- Sao nhà thơ X. không biết là "ông chòm" đang… "diễn", trong khi mọi người…

- Nếu biết thế thì "ông chòm" làm sao còn đất để "diễn" nữa!

- Thế chả nhẽ ông X. lại không biết mình là ai?

- Biết thì đã chẳng có chuyện trên. Nên nhớ, không phải ai ở đời cũng hiểu hết chữ "biết" đâu.

Tôi tin lời nhà thơ N., vì ít nhất đã hai lần, tôi đọc lời giới thiệu hai tập thơ (chưa sạch nước cản) do "ông chòm" viết, đại loại: "Ngày nay, rất ít người đọc thơ và rất ít người làm thơ hay. Nhưng thơ trong tập thơ này rất đáng đọc và rất đáng gọi là thơ. Chắc chắn khi đọc, các bạn sẽ phải ngạc nhiên…"; "Trong khi thơ đang dần xa lánh độc giả thì thơ trong tập thơ này có sức hấp dẫn kỳ lạ, làm nên một hiện tượng lạ. Đôi khi tôi tự hỏi: Vì sao ở thời buổi này mà vẫn có người làm thơ khác lạ đến vậy?".

Gần đây, tôi còn nghe một nhà thơ nói: "Có một nhà thơ, trong blog cá nhân của mình còn tự nhận thơ của mình là thơ "khủng" nữa kia".

Nghe thấy lạ tai, tôi hỏi lại:

- Có đúng vậy không anh? Chả nhẽ có người lại thích tự đề cao mình đến mức "tự sướng" vậy sao?

Tôi nhận được câu trả lời:

- Thề có mặt trời, tôi không hề nói sai.

- Nhưng thơ của nhà thơ này có "khủng" thật không?

- Khùng thì có… Mà có "khủng" thì cũng nên để người khác nói. Làm vậy thì còn gì là khách quan nữa.

- Kể cũng hơi… buồn cười.

- Không phải hơi... mà là quá… buồn cười.

- Nhân đây, tôi xin kể cho anh nghe một chuyện. Có một nhà thơ đã tâm sự với bạn bè: Sở dĩ tôi tự bình thơ tôi vì tôi thấy thơ tôi hay mà chẳng thấy ai bình bán gì cả. Khi nhiều người không quan tâm đến tôi thì tôi quan tâm đến tôi vậy.

- Làm thế cũng là buồn cười, nhưng dù sao cũng còn chút ít thành thật.

Xem ra cái sự "vơ vào", "áp đặt" và "tự sướng" đang là trò diễn của một vài cá nhân trong làng văn, làng thơ xứ ta, rất không giống ai cả!


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1