Mải mê theo dấu chân Bác
09:19:00 30/04/2014
KTĐT - Nhà giáo, nhà báo, nhà biên kịch hay nhà văn, gọi Hoàng Quảng Uyên là gì cũng đúng. Nhưng ấn tượng nhất về ông có lẽ là một nhà văn… liều lĩnh, bởi Hoàng Quảng Uyên "dám" chọn Bác Hồ làm nhân vật trung tâm cho 2 tập tiểu thuyết "Mặt trời Pác Bó" và "Giải phóng". Cái duyên với chữ nghĩa Đã ngoài lục thập, Hoàng Quảng Uyên vẫn giữ bộ tóc quăn lượn sóng, vận áo gi-lê nhiều túi, nét biểu cảm đầy cuồng nhiệt và đam mê. Trải qua bao sóng gió cuộc đời với nhiều nghề khác nhau cùng đủ dư vị đắng cay, ngọt ngào, thất bại và vinh quang, ông thấy mình là người may mắn vì có nhiều danh xưng: Nhà giáo, nhà báo, nhà biên kịch và nhà văn. Khởi nghiệp là thầy giáo dạy Vật lý tại trường cấp 3 Nguyên Bình (Cao Bằng), rồi được "lên hạng" làm giảng viên trường Trung cấp Y tế Cao Bằng, nhưng Hoàng Quảng Uyên lại say báo chí, mê văn chương và thích phiêu lưu. Thấy bất kỳ sự việc nào, ông liền tới hỏi han, chiêm nghiệm và viết. Lúc đầu, viết vì đam mê nhưng rồi thấy tiếc, ông gửi cho Đài Phát thanh - truyền hình Cao Bằng. Với nhiều tác phẩm chất lượng, năm 1981, ông được nhà đài mời về làm việc. Cũng từ đó, những bài ký thấm đẫm cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng do nhà văn người Tày sáng tác được lên sóng, đăng tải và gây tiếng vang. Thành công là thế, nhưng Hoàng Quảng Uyên luôn thấy ấm ức vì không thỏa mãn trí tưởng tượng phong phú của mình. Tính ngặt nghèo về khuôn khổ, thời lượng của báo chí khiến nhiều đoạn "phóng" bút bị cắt. Vì thế, ông táo bạo xin nghỉ việc để thi vào trường viết văn Nguyễn Du ở tuổi 35. Ra trường, ông chủ yếu sáng tác thể loại sở trường - bút ký với những góc nhìn độc đáo, gắn với đời sống và thời cuộc như "Vọng tiếng non ngàn", "Trí thức tỉnh lẻ"… Nhưng, "cơm áo không đùa với khách thơ", gác lại giấc mộng văn chương, Hoàng Quảng Uyên mở tiệm ảnh tư nhân, làm việc trong HTX mua bán… để nuôi sống gia đình. Nhà văn Hoàng Quảng Uyên giới thiệu tấm hình Bác Hồ đang trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên giới 1950. (Ảnh do tác giả cung cấp). | Bác là nhân vật trung tâm Quãng dài ẩn mình, nghiệp chữ nghĩa tưởng như đã chết bỗng nhiên sống dậy khi ông được đọc bài viết "Niềm vui của Bác Hồ khi nhận lại cuốn Nhật ký trong tù" đăng trên báo Nhân Dân (năm 2000). Tác phẩm nói về một người dân ở Cao Bằng (không nêu đích danh, địa chỉ) giữ gìn tập thơ viết tay mà Bác bỏ quên hơn 10 năm, và trả lại cho Bác năm 1955. Ngược dòng lịch sử, Hoàng Quảng Uyên trở về vùng đất cũ để tìm người giữ nguyên tác "Ngục trung nhật ký" và tìm hiểu về giai đoạn dài, Bác Hồ sống cùng con người, mảnh đất Cao Bằng, nơi mình sinh ra và gắn bó. Sau hơn một năm tìm từ Pác Bó đến Nà Sát, cuối cùng bài toán cũng có đáp án. Người trả lại Bác Hồ cuốn "Nhật ký trong tù" chính là nhà thơ Hoàng Đức Triều (thôn Lam Sơn, xã Hồng Việt, huyện Hòa An). Loạt 3 kỳ phóng sự "Nhật ký trong tù - số phận và lịch sử" đăng trên báo Lao Động vào tháng 3/2004 và cuốn sách cùng tên đã thu hút được sự quan tâm của công chúng. Kể từ đó, cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cảm hứng chủ đạo để Hoàng Quảng Uyên nghiên cứu và sáng tác. Từ hang Pác Bó, suối Lê Nin đến ATK Định Hóa; từ hang Bòng (ATK Tuyên Quang) đến đỉnh đèo Phia Đén; từ Cao Bằng quê hương đến Điện Biên Phủ xa xôi, mỗi nơi Bác qua, Hoàng Quảng Uyên đều thuộc như lòng bàn tay. Năm 2006, ông kêu gọi tài trợ từ Hội Nhà văn Việt Nam và bỏ thêm 10 triệu đồng để đi thực tế tại 13/18 nhà lao ở Quảng Tây (Trung Quốc) mà Bác từng bị giam cầm để tìm hiểu hành trình bị tù đày của Người từ năm 1942 - 1943. Tại đây, ông đã gặp được nhiều nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc như: GS Hoàng Tranh, Nông Lập Phu, Đường Trạch Hoàng; nhà nghiên cứu Tô Đại Tân, nhà văn Phùng Nghệ,… nhờ đó, ông có được một kho tư liệu khổng lồ về Bác. Tháng 10/2007, ông lại một mình lặn lội sang Quảng Tây khảo sát tại 2 huyện Tĩnh Tây và Long Châu bằng tiền túi và thu nhận được nhiều tư liệu quý. Ông còn đến Bó Cục lấy tài liệu về thời kỳ Việt Nam mở Chiến dịch Biên giới (tháng 9/1950), nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường qua lại để trao đổi với phía bạn. Từ Quảng Tây trở về, Hoàng Quảng Uyên nghiền ngẫm viết cuốn tiểu thuyết đầu tay "Mặt trời Pác Bó" (2010). Ngay lập tức, tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Nhà văn. Từ 1941- 1945, Bác Hồ ở Pác Bó để lãnh đạo cách mạng, có rất nhiều sự kiện trọng đại đã diễn ra ở Pác Bó, có nhiều câu chuyện cảm động về cuộc sống và lòng dân đối với cách mạng, với Bác Hồ được nói đến trong tiểu thuyết này. Khi viết về Bác, Hoàng Quảng Uyên chỉ lấy những sự kiện lịch sử, những đoạn hồi ký để làm cơ sở cho những trang tiểu thuyết của mình. Chẳng hạn, "Hồi ký của ông Dương Đại Lâm nói, khi Bác Hồ đến Pác Bó, gặp bố ông là Dương Văn Đình, hai người vì bất đồng ngôn ngữ nên không nói chuyện được với nhau. Rất may, Bác Hồ và ông Dương Văn Đình đều biết chữ Hán nên đã dùng bút đàm. Hồi ký chỉ nói thế. Công việc của nhà văn là phải viết bút đàm như thế nào, câu gì, chữ gì?"- Hoàng Quảng Uyên bộc bạch. Cũng với lối viết ấy, ông sáng tác tiểu thuyết thứ hai có tên "Giải phóng" (2013). Ông lý giải về cái tên này: Đó là bởi tâm nguyện của Bác Hồ và cách mạng vô sản là giải phóng con người, giải phóng giai cấp và giải phóng nhân loại khỏi ách thống trị, áp bức, bất công. Tác phẩm đã khắc họa thành công hình tượng lãnh tụ là bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Người đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao sóng dữ, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đi đến thắng lợi hoàn toàn. Với 600 trang trong 25 chương, "Giải phóng" là bức tranh hoành tráng về cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, trường kỳ của dân tộc. Trong tác phẩm này, "chất" nghiên cứu khá rõ. Lối viết rất mới. Mỗi câu thơ, mỗi đề từ là cái lõi của cả chương. Như chương 12 "Diễu võ dương oai", đề từ dùng câu nói của Bác: "Nếu đô đốc muốn đem tàu bè ra để lung lạc tôi, thì ông ta đã lầm to. Những tàu bè đó không thể nào đi ngược các dòng sông của chúng tôi". Hay chương 25 "Trận chiến cuối cùng" dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi tháng 5/1954: "Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả dân tộc bị áp bức trên thế giới". Với những ý nghĩa đó, một lần nữa, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam lại gọi tên Hoàng Quảng Uyên. Liều lĩnh, hay nói đúng hơn là sự sáng tạo độc đáo cùng sự khổ công, đào sâu nghiên cứu về Bác Hồ đã giúp nhà văn Hoàng Quảng Uyên gặt hái được không ít thành công. Tin rằng, với tình yêu và sự kính trọng vô bờ đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, ông sẽ vẫn tiếp tục làm giàu thêm kho tư liệu về Người.
|
cao bằng, hồ chí minh, đồng bào các dân tộc, tác phẩm, nhà văn, cách mạng, tiểu thuyết, giải phóng, quảng uyên, nhật ký, hồi ký, quảng tây, tàu bè, nguyên bình, Đài phát thanh truyền hình
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
|
- Robot sẽ thay con người viết sách?
Sáng tác sẽ sớm không còn là lĩnh vực riêng của con người. Trong tương lai, robot có thể thực hiện tốt công việc này, nhất là khi khả năng tưởng tượng của chúng là vô hạn.
- Trung Quốc "săn" CEO từ thung lũng Silicon
Các công ty ở Silicon Valley có lẽ sẽ phải có những quyết sách hay ho để giữ được CEO của mình trước cám dỗ từ Trung Quốc.
- Những cuốn truyện gia đình đi cùng năm tháng
"Không gia đình", "Hoàng tử bé", "Tâm hồn cao thượng"... là những cuốn sách về chủ đề gia đình nổi tiếng thế giới.
- 'Lưới điện tử thần' của Jeffery Deaver đến Việt Nam
Lưới điện tử thần là cuốn thứ 9 trong sê-ri tiểu thuyết trinh thám ly kỳ của Jeffery Deaver, khắc họa nhân vật Lincoln Rhyme – nhà hình sự học bị liệt tứ chi, trước đó là sĩ quan Sở Cảnh sát New York.
- Sách hay nên đọc: Trên đường băng
Tony buổi sáng mang đến cho độc giả những bài viết hài ước, tinh tế, sinh động và đầy thiết thực.
- 'Đừng bao giờ xa em', ái tình át vía đạn bom
Tiểu thuyết Đừng bao giờ xa em (NXB Thời đại, 8/2015) của Margaret Pemberton không lụy tình hoặc tràn ngập những cảnh nóng.
- Thiếu Lâm tự và sự thật bí kíp tuyệt học Dịch cân kinh
Trong các tiểu thuyết võ hiệp, Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh là những bí kíp mà cả võ lâm đều sẵn sàng đổ máu, tốn mưu tranh đoạt. Nếu như Dịch cân kinh được mô tả có thể giúp hoán chuyển kinh mạch, phát dương nội công, thì Tẩy…
- Tác giả 'Totem Sói' đoạt giải của Mông Cổ: Xóa tan quan điểm tiểu thuyết là sự 'lừa gạt văn hóa'
Nhà văn Trung Quốc Khương Nhung, tác giả tiểu thuyết ăn khách Totem Sói (Wolf Totem), đã được trao giải Bichgiin Mergen của Hiệp hội các nhà văn Mông Cổ Thế giới, ở thủ đô Ulan Bator.
- Hậu vận nặng nề của một “thiên tài lười”
SKĐS - Nhà văn cổ điển Pháp Guy de Maupassant (1850-1893) được coi là một trong những tác giả lãng mạn nhất trong lịch sử văn học thế giới.
- Sao Việt bị soi mói chuyện tình: Khổ vì truyền thông ưu ái
Tuần qua, câu chuyện tình yêu của hoa hậu Đặng Thu Thảo được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội khiến công chúng ngỡ như đọc tiểu thuyết ngôn tình. Được dư luận quan tâm là điều may mắn của sao, nhưng đến…
|
Hôm nay: |
1 |
Tháng : |
1 |
Năm : |
1 |
|