Ngày 22-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ Quyết chiến Quyết thắng cho Quân đội, động viên các đơn vị thi đua giết giặc lập công. Chỉ hơn 5 tháng sau, ngày 7-5-1954, lá cờ ấy đã tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát-xtơ-ri... Sau phút toàn thắng huy hoàng ấy chừng một tuần, trên Báo Nhân Dân số 184, ra ngày 12-5-1954 xuất hiện bài thơ của tác giả C.B.C.B là một trong những bút danh của Bác Hồ, và theo những nghiên cứu mới nhất, đây là bài thơ in báo đầu tiên viết về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau bài thơ của Bác, ngay trong năm 1954, chúng ta có Thu đông năm nay (Nguyễn Đình Thi), Kể chuyện Điện Biên (Trần Độ), Truyện một người bị bắt (Vũ Cao), Chiến sĩ chân đồng vai sắt (Trần Cư), Thồ lên Điện Biên (Đào Phương), Điện Biên Phủ qua những bài báo viết tại mặt trận (Tuyển chọn những bài trên báo QĐND), Trở lại Điện Biên (Nguyễn Viết Thành)...
Không chỉ đợi đến kỷ niệm 10, 20, 30, 40, 50 năm, sách về Điện Biên mới được xuất bản, vào những năm đó, sách về đề tài này thường xuất hiện nhiều, bề thế hơn, hay hơn, có giá trị hơn. Sách dịp kỷ niệm Điện Biên Phủ phần lớn là những hồi ký của các đồng chí chỉ huy hoặc trực tiếp chiến đấu. Đây không còn là những trang ghi chép "kịp thời" nữa mà thật sự có tính văn học, là sự "nhớ lại và suy nghĩ", vừa chân thực vừa sinh động. Chiếm vị trí đặc biệt quan trọng là hồi ký Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (nhà văn Hữu Mai ghi), giúp chúng ta có cách nhìn toàn diện tầm vóc vĩ đại của chiến thắng.
Tập ký sự Chiến thắng Điện Biên Phủ như một cuốn sử về Điện Biên mà các tác giả (Trần Độ, Mai Trọng Thường, Trần Cư, Hữu Mai, Khắc Tính, Lê Hào) với chất liệu, số liệu, sự kiện cụ thể, thông qua bút pháp so sánh, liên tưởng đã giới thiệu có hệ thống, toàn diện cuộc chiến đấu. Cuốn Lớn lên với Điện Biên của Văn Phan đã nêu bật chủ đề: Chiến thắng Điện Biên Phủ là do những con người bình thường làm nên, cùng với các tác phẩm khác như: Tiếng sấm Điện Biên của Đỗ Thiện và Đinh Kim Khánh, Bài ca Điện Biên Phủ (tập truyện ký của nhiều tác giả), Lớn lên với Điện Biên (hồi ký của Văn Tùng, Văn Phan ghi)... đã góp phần trả lời câu hỏi vì sao chúng ta chiến thắng.
Thơ viết về Điện Biên Phủ cũng chiếm một số lượng đáng kể. 60 năm qua, chúng ta đã có các tập thơ tuyển: Bài thơ dâng Bác (1956), Hoan hô chiến sĩ Điện Biên(1964) do Nhà xuất bản QĐND xuất bản và tập Bài ca Điện Biên (1994) xuất bản ở Lai Châu... Trong đó, đáng kể nhất là tập Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, lấy tên bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, tập hợp tất cả những cây bút thuộc nhiều thế hệ, từ những tên tuổi như: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Chính Hữu, Quang Dũng, Trần Dần... đến những tác giả là bộ đội, là cựu chiến binh, là người các dân tộc thiểu số Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên.
Điều đặc biệt thú vị là trong số những tác phẩm viết về Điện Biên "đi cùng năm tháng" có những cuốn do chính các tướng lĩnh, sĩ quan, nhà văn - chiến sĩ viết, tiêu biểu như Chính Hữu, Hữu Mai, Dũng Hà, Hồ Phương và Chu Phác.
Chính Hữu, tên thật là Trần Đình Bắc (1926-2007), nổi tiếng với những bài thơ Đồng chí, Ngọn đèn đứng gác, Ngày về, Đêm Hà Nội, Giá từng thước đất... Đánh Điện Biên Phủ, ông là Chính trị viên Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, Đại đoàn Quân tiên phong. Lúc đó, ông đã khá nổi tiếng với các bài: Ngày về, Đêm Hà Nội, Đồng chí... Ông có lần kể: "Chúng tôi vừa giũ đất vừa đánh địch để tiến vào trung tâm Mường Thanh. Mệt mỏi và căng thẳng. Là chính trị viên, hằng ngày tôi phải lo chôn cất đồng đội. Không một người nào chết trong tư thế nằm ngủ, nghỉ ngơi... Sau chiến thắng, đứng trên nóc Sở chỉ huy quân Pháp ở trung tâm Mường Thanh, xa xa thấp thoáng những nấm mồ đồng đội, tôi nghĩ đến cái giá phải trả cho từng thước đất:
Khi bạn ta lấy thân mình đo bước
Chiến hào đi
Ta mới hiểu giá từng thước đất
Ông cho biết thêm: Những câu thơ trong bài Giá từng thước đất như: "Bạn ta đó, ngã trên dây thép ba tầng. Một bàn tay chưa rời báng súng. Chân lưng chừng nửa bước xung phong. Ôi những con người mỗi khi nằm xuống. Vẫn nằm trong tư thế tiến công" là những hình ảnh đeo đuổi suốt đời ông.
Cùng đơn vị với Chính Hữu, nhà văn Hữu Mai (1926 - 2007) tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ khi tuổi đời chưa đến 30. Nổi tiếng khi thể hiện hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và là tác giả bộ tiểu thuyết trứ danh Ông cố vấn, nhưng nhắc tới ông, bạn đọc không thể không nhắc tới những trang viết: Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử (thực hiện hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp); các cuốn tiểu thuyết: Cao điểm cuối cùng, Khoảng khắc lịch sử, Không phải huyền thoại... cùng các bộ phim Hoa ban đỏ, Cao điểm cuối cùng (về Điện Biên Phủ). Cao điểm cuối cùnglà cuốn tiểu thuyết đáng chú ý nhất về chiến dịch lịch sử này. Hữu Mai đã dựng lại toàn bộ cuộc chiến đấu gay go, ác liệt ở đồi A1, không chỉ là những trận đánh mà chính là cuộc đấu tranh vô cùng ác liệt, đầy thử thách trong từng nhân vật.
Nhà văn, Thiếu tướng Dũng Hà (1929 -2011), trong chiến dịch Điện Biên Phủ là Chính trị viên Tiểu đoàn 251 thuộc Trung đoàn 374, Sư đoàn 316, tham gia trực tiếp chỉ huy đánh đồi A1, sau đó được phân công áp giải tù binh Pháp từ Điện Biên Phủ về Hải Thôn (Thanh Hóa). Điện Biên mới giải phóng, ông có truyện ngắn Đêm chiến hào(in trong tập Gió bắc, 1963), sau đó là Theo chồng viết về bộ đội làm kinh tế ở Điện Biên, được giải thưởng Tạp chí Văn nghệ quân đội, 1959... Tác phẩm dày dặn nhất của ông có lẽ là tiểu thuyết Mảnh đất yêu thương, 400 trang kể về phong trào trở lại Điện Biên Phủ, lấy Tây Bắc là quê hương thứ hai của bộ đội ta những năm cuối thập niên 50, đầu 60 của thế kỷ 20. Truyện ngắn Cây số 42kể về những ngày giải tù binh Pháp về xuôi chuẩn bị trao trả được dựng phim, và cùng với tiểu thuyết Sao mai đã ghi tên nhà văn Dũng Hà trong lòng người đọc.
Khác tướng Dũng Hà, tướng Hồ Phương khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ không ở đơn vị bộ binh, không làm báo, mặc dù đã nổi tiếng với các truyện ngắn Lưỡi mác xung kích, Thư nhà. Nói tới nhà văn Hồ Phương, người ta nghĩ tới một nhà văn Quân đội thành danh sớm (19 tuổi đã viết Thư nhà) và viết khỏe (hơn 50 tác phẩm). Riêng đề tài Điện Biên Phủ, ông đã viết cả chục cuốn. Ông kể: "Ngay sau chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi đã viết một số ký sự chiến đấu. Năm 1957, tôi viết Chuyện Tây ở Điện Biên Phủvà Lá cờ chuẩn đỏ thắm. Tiếp đó, tôi viết hồi ký cho các vị tướng Điện Biên mà tôi mến phục như: Vương Thừa Vũ, Vũ Lăng, Vũ Yên...". Năm 1984, kỷ niệm 30 năm chiến thắng, ông viết Điện Biên ấm sáng. Mười năm sau, năm 1994 ông có tiểu thuyết Cánh đồng phía Tây viết về trận đánh cuối cùng ở phía Tây lòng chảo Điện Biên - chiếm sân bay Mường Thanh. Nhân vật là những chiến sĩ, những cán bộ Đại đoàn Quân Tiên phong. Tháng 3-2014, dù đã 85 tuổi, nhà văn Hồ Phương vẫn cùng các văn nghệ sĩ trẻ "trở lại Điện Biên". Ông cho biết, ông "vừa hoàn tất một cuốn sách nữa về Điện Biên và sẽ tiếp tục viết về Điện Biên...!".
Nhà văn - Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác theo đơn vị hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ từ cuối năm 1953, khi mới 20 tuổi, là Trung đội trưởng Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Tướng Chu Phác kể: "Lính 304 rất trẻ, đa số là người thành phố, học sinh, sinh viên nên rất tếu và lãng mạn. Họ đặt tên cho từng đoạn hào mới đào là Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân, Hàng Cỏ... Họ vẫn diễn kịch, chơi đàn khi ngừng chiến". Tướng Chu Phác cảm khái: "Quý nhất của bộ đội là tình đồng đội". Ông kể: "Đơn vị tôi là đơn vị xung kích. Có hôm đi cả chục anh em, lúc về chỉ còn hai, ba đứa. 60 năm rồi, hình ảnh những chiến sĩ trẻ trung, tươi rói vẫn trong tôi. Giá, Chân, Sằn, Nghiệm, Vân, Thoàng, Tùng...các bạn nằm đâu?
Trên sân thượng nhà mình ở 38 Lý Nam Đế, Hà Nội, ông dựng một cái am nhỏ. Bên bát hương là hai chữ "đồng đội", dưới là tên đồng đội đã để lại xương máu, tuổi trẻ ở Điện Biên. Ông nghẹn ngào: "Không có những con người ấy, làm sao có Điện Biên Phủ, làm gì có một thành phố Điện Biên tươi đẹp, đất nước đổi mới hôm nay... làm gì có những "ông tướng, ông tá" như chúng tôi?". Tưởng nhớ họ, Chu Phác viết nhiều, trong đó có tập Trong chiến hào Điện Biên (1994). Tôi tin chắc đây không phải là tác phẩm sau chót về Điện Biên Phủ của riêng ông.
Viết về Điện Biên Phủ ba mươi năm qua cho thấy rõ thể loại ngày càng phong phú. Số người viết cũng ngày một đông đảo. Tố Hữu có Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Chế Lan Viên có Nhớ Bế Văn Đàn, Chính Hữu có Giá từng thước đất, Thép Mới có Điện Biên Phủ - một danh từ Việt Nam, Nguyên Hồng có Hoa gạo mùa xuân lại nở, Tế Hanh có Thăm đồi A1, Hồ Phương có Lửa ấm, Cánh đồng phía Tây, Nguyễn Khải có Mùa Lạc, Nguyễn Huy Tưởng có Bốn năm sau, Hữu Mai có Không phải huyền thoại, Cao điểm cuối cùng, Hoa ban đỏ, Vũ Sắc có Ở bến phà P.2, Dũng Hà có Ở cây số 42...; và mới đây, Trịnh Đình Khôi với Cán cờ tre, Trần Chiến với Hoa nước, Đoàn Hoài Trung với Điện Biên - bản hùng ca vang mãi...
Sự vĩ đại của sự kiện lịch sử làm thay đổi không chỉ số phận một dân tộc mà còn xoay chuyển cả địa chính trị thế giới, mãi mãi là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn của sáng tạo nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng để lý giải sức mạnh và chính nghĩa của CON NGƯỜI, dân tộc và thời đại, về chiến tranh nhân dân, chủ nghĩa anh hùng cách mạng... không chỉ với người viết hôm qua, hôm nay mà còn mãi mãi mai sau.