Vĩnh biệt “Cây đại thụ” của sân khấu Việt Nam - Học Phi

10:06:00 08/05/2014

Dù tuổi cao, sức yếu, nhà viết kịch - nhà văn Học Phi vẫn miệt mài sáng tạo cho đến cuối đời. Trong ông luôn tràn trề nguồn năng lượng đến mức kỳ lạ để cho ra mắt công chúng nhiều tác phẩm nghệ thuật. Ra đi ở tuổi 102, mang theo niềm ấp ủ về một kịch bản phim đề tài cách mạng đang làm dang dở, ông đã để lại niềm tiếc thương, kính trọng cho công chúng với một con người cả đời chỉ biết cống hiến cho cách mạng và nghệ thuật.

Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi. Ảnh: Internet.
Có lẽ năm nay là một năm có nhiều mất mát lớn, vì sự ra đi, vắng bóng của những cây đại thụ từng một thời làm vẻ vang cho nền sân khấu - điện ảnh nước nhà. Nói như diễn viên Chiều Xuân, chưa bao giờ lại có nhiều “cây gạo cội” ra đi như vậy. Những tên tuổi lớn nghệ sĩ Văn Hiệp, NSND Trịnh Thịnh, nay lại thêm nhà viết kịch Học Phi đã lần lượt ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nghệ sĩ và công chúng.
Là một nhà lão thành cách mạng, hăng hái tham gia các hoạt của các tổ chức yêu nước từ những năm 20 của thế kỷ XX, tác giả Học Phi cũng miệt mài theo đuổi nghiệp văn chương, sáng tác kịch bản và để lại cho đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ. 9 tiểu thuyết, hơn 30 kịch bản, cộng thêm 1 kịch bản đang viết dang dở, Học Phi đã cho thấy năng lực sáng tạo phi thường, không giới hạn của mình cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, về cõi vĩnh hằng.
Là một trong những người đầu tiên tham gia lập Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, ngay từ khi cầm bút, Học Phi đã xác định mục tiêu của mình là hướng về nhân dân, dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, chống thực dân, phản động, góp tâm sức đem lại tự do, độc lập dân tộc.

Năm 1936, tiểu thuyết “Hai làn sóng ngược” – tiểu thuyết đầu tay của Học Phi - ra mắt bạn đọc. Tiếp theo, năm 1944, ông viết kịch bản “Đào nương” về ca nữ Đào Thị Huệ (năm 1980, ông viết lại, đổi thành "Người kỹ nữ ở Đông Quan". Sau những tác phẩm này, tên tuổi Học Phi còn gắn liền với các tác phẩm "Ni cô Đàm Vân," "Người kỹ nữ ở Đông Quan," "Cà sa giết giặc," "Chị Hòa, Một đảng viên," "Lúa mùa thu," …

Vở "Ni cô Đàm Vân "sau này được nhiều đoàn và nhà hát lớn dựng lại". Ảnh: Internet
Nhưng có lẽ "Ni cô Đàm Vân” là tác phẩm gây được tiếng vang lớn và thành công hơn cả. Hơn chục đoàn chèo dàn dựng vở diễn, tạo nên hiện tượng sân khấu đặc sắc những năm 80 của thế kỷ XX.
Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông trải qua nhiều vị trí công tác như: Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh Hưng Yên, Tổng thư ký Hội Văn hóa kháng chiến Liên khu III, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam...
Và cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, Học Phi vẫn cho thấy năng lực và sự miệt mài sáng tạo trong mình chưa bao giờ vơi cạn. Khi 90 tuổi, ông bắt đầu viết kịch bản phim và một trong số đó là bộ phim “Minh Nguyệt” đã giành giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc.
Tác giả Học Phi đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1 - năm 1996).
Lễ viếng nhà viết kịch Học Phi diễn ra từ 6h30 đến 9h30 ngày 12.5 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Dù biết sinh lão bệnh tử rồi ai cũng phải trải qua, nhưng sự ra đi của “cây đại thụ” Học Phi đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho công chúng yêu nghệ thuật và sự mất mát lớn cho nền sân khấu nước nhà.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1