| Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi | Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi (1913-2014) tên thật là Chu Văn Tập, sinh tại huyện Tiên Lữ, Hưng Yên và tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 14 tuổi, ông tham gia cách mạng và đến năm 1933, ông bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò. Sau khi được ra tù, ông bắt đầu cầm bút viết văn. Tác phẩm đầu tay của ông là tiểu thuyết Hai làn sóng ngược dựa trên vở kịch ngắn cùng tên của tác giả Nguyễn Văn Năng. Sau đó, năm 1939, ông tiếp tục cho ra đời ba cuốn tiểu thuyết khác: Đắm tàu, Dòng dõi, Yêu và thù. Không chỉ viết văn, tác giả Học Phi còn là nhà viết kịch với hàng loạt tác phẩm kịch ra đời từ năm 1944 đến nay: Người kỹ nữ ở Đông Quan, Cà sa giết giặt, Chị Hòa, Một đảng viên, Lá mùa thu, Mở đường… Đặc biệt vở kịch Ni cô Đàm Vân của ông đã gây được tiếng vang lớn trên sân khấu kịch nước ta những năm 70, 80 của thế kỷ XX và được nhiều đoàn sân khấu trên cả nước dàn dựng. Đến nay, sau khi qua đời, ông đã để lại một gia tài lớn cho nền văn học và kịch nói nước nhà với hơn 30 kịch bản sân khấu và 9 tiểu thuyết cùng một số kịch bản phim truyền hình. Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi từng giữ nhiều chức vụ khi tham gia cách mạng: Nguyên Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Hưng Yên; Nguyên là Tổng thư ký Hội văn hóa kháng chiến liên khu III; Nguyên là giám đốc nhà hát kịch Việt Nam, Tổng thư ký hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Với những đóng góp ấy, ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (1996). Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà văn Chu Lai, con trai của tác giả Học Phi cho biết chương trình tang lễ nhà văn, nhà viết kịch Học Phi diễn ra như sau: Lễ viếng được tổ chức từ 7g đến 9g30 phút sáng 12-5 tại nhà tang lễ Bộ quốc phòng (số 5, Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Lễ truy điệu được tổ chức cùng ngày. Thi hài ông được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Nhà văn Chu Lai cũng cho biết thêm, tác giả Học Phi qua đời khi đang viết dang dở một kịch bản phim về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (Hưng Yên). “Ông cụ đã cần mẫn viết đến hơi thở cuối cùng” - nhà văn Chu Lai nói về cha mình. VŨ VIẾT TUÂN
|