Văn hóa đọc là đọc theo sở thích (!?)
Ngày nay, nhiều người nhắc đến cụm từ văn hóa đọc, nhưng ít ai hiểu hết văn hóa đọc là gì và quan niệm đọc thế nào để có văn hóa lại gây nhiều tranh cãi.
Theo nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình thì “văn hóa đọc chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức, sách vở” và ông khuyên mỗi người nên đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích, hợp với quy luật tiếp cận tri thức.
Nói về khái niệm văn hóa đọc, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đó là những ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này cũng gồm ba thành phần: Thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.
Còn theo bạn trẻ Lê Khánh Linh (SV Trường Đại học Ngoại thương) thì: “Văn hóa đọc với tôi là gấp cuốn sách lại và mở cuộc đời ra! Nó không nằm ở việc bạn đã đọc được bao nhiêu, mà bạn đã đọc được những gì, đọc như thế nào và đọc để làm gì…”.
|
Rất nhiều người quan tâm, chen chân mua sách tại ngày hội đọc sách hưởng ứng ngày Sách đầu tiên ở Việt Nam. |
Còn với nhiều bạn trẻ khác, khi được hỏi văn hóa đọc là gì, nhiều người cho rằng đừng nên hiểu theo những nghĩa quá lớn lao và không nên áp đặt suy nghĩ của mỗi thế hệ vào chuyện đọc sách, chỉ nên nghĩ đơn giản văn hóa đọc là đọc theo sở thích và đam mê, nuôi dưỡng sở thích đó.
“Mình cũng thắc mắc không biết văn hóa đọc là gì? Chẳng lẽ cứ phải đọc những cuốn sách kiểu tư duy triệu phú hay Đắc nhân tâm, rồi thì Bách khoa toàn thư thì mới được coi là văn hóa. Có rất nhiều người nói đọc tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc là lãng phí thời gian, nhưng mà mình không thấy vậy. Theo mình, quan trọng không phải là bạn đọc cái gì, mà là bạn có được gì sau khi đọc” – bạn đọc Hạ Chi đã bình luận trên một trang báo mạng.
Nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy - đồng tác giả có sách bán chạy nhất năm 2013 “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” – cũng đã thẳng thắn nêu ra quan điểm về văn hóa đọc của mình trên Zing new: “Từ 'văn hóa đọc' trên báo chí thật tình tôi không hiểu lắm. Văn hóa đọc là gì? Với tôi, đọc sách bên cạnh tìm kiếm kiến thức thì có một chức năng nữa đó là… giải trí”.
Cũng theo chị, thì mỗi người có những sở thích đọc khác nhau và nên tôn trọng điều đó, không nên áp đặt suy nghĩ của người nọ vào người kia. Độc giả luôn có lựa chọn riêng của họ. Họ sẽ hưởng thụ lợi ích và cả những thiệt thòi từ lựa chọn đó.
Văn hóa đọc trong giới trẻ có đáng lo?
Khi Bộ TTTT tổ chức lấy ý kiến về việc tổ chức Ngày sách Việt Nam (21.4), nhiều nhà nghiên cứu đều đặt ra vấn đề văn hóa đọc trong giới trẻ đang ở mức báo động, khi nhiều bạn trẻ thờ ơ với sách vở và đang bị văn hóa nghe – nhìn cuốn theo, cần phải tổ chức Ngày sách Việt Nam để cứu văn hóa đọc.
Một số người cũng lo lắng và đổ lỗi rằng thời đại bây giờ có nhiều thứ hấp dẫn giới trẻ như trò chơi điện tử, Internet, facebook… nên giới trẻ lười đọc sách, truyện hơn các thế hệ trước. Và văn hóa đọc trong giới trẻ đang đứng trước nguy cơ mai một, bị lấn át bởi văn hóa nghe nhìn.
Trước những luồng dư luận về sự xuống cấp văn hóa đọc trong giới trẻ, nhiều bạn trẻ đã lên tiếng phản biện. Theo Hồng Hạnh (SV ĐH Thương mại), sự xuống cấp về văn hóa đọc và thái độ thờ ơ với sách vở chỉ có trong một bộ phận nhỏ chứ không phải tất cả, văn hóa đọc trong giới trẻ không ở mức đáng lo.
“Mọi người có thể thấy trong ngày hội đọc sách này (Ngày hội đọc sách và văn hóa đọc tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngày 20.4) có rất đông bạn trẻ tham gia. Họ say mê, “ngấu nghiến” đọc từng trang sách. Họ có thể nhịn ăn, dành dụm những đồng lẻ để mua cho mình những cuốn sách ưng ý. Thời đại nào cũng có những người đam mê với sách vở và có người không. Đối với thời đại này, cuốn sách này có giá trị, nhưng thời đại khác lại không. Và nên tôn trọng sở thích đọc của mỗi người chứ không nên áp đặt suy nghĩ của thế hệ này cho thế hệ khác” - Hồng Hạnh chia sẻ.
|
Một vị phụ huynh chiều theo sở thích đọc của con trẻ và đang say sưa đọc truyện tranh cho con nghe trong ngày hội đọc sách tại khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Nhiều bạn trẻ khác cũng cho rằng, văn hóa đọc bây giờ không nên chỉ giới hạn ở thái độ ứng xử với sách vở, mà cần hiểu là cách ứng xử với tất cả các kênh thông tin khác như việc đọc báo, đọc sách online nói chung và các bạn trẻ thu lại được gì từ các kênh đọc đó. Chẳng hạn đọc một bài báo viết về những hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống thì có thể lấy đó làm tấm gương để học tập, hay chia sẻ trên facebook, để nhân rộng thêm những tấm gương...
Mói tóm lại thứ cuối cùng mà việc đọc có thể mang lại là phát triển năng lực tư duy, khả năng tưởng tưởng, trau dồi ngôn ngữ và hình thành phát triển nhân cách con người.