|
Tranh: Lê Thiết Cương |
Có lẽ đa số khách vào siêu thị và khách sạn tại Việt Nam đã có trải nghiệm đó rồi. Ở một góc độ, hành động của chủ siêu thị và chủ khách sạn thể hiện họ không tin tưởng khách hàng - vị “thượng đế” của họ ngay từ trước khi hai bên tiến hành giao dịch: tôi sử dụng dịch vụ họ cung cấp và họ lấy tiền, có lợi nhuận từ tôi.
Chủ khách sạn dù chào đón tôi bằng nụ cười cầu tài vẫn cứ đã có sẵn niềm tin người khách này có khả năng ăn cắp đồ của họ - cụ thể là đôi dép - nên đã làm đôi dép xấu đi để tôi không muốn ăn cắp nữa (có thể họ đã có kinh nghiệm đau thương rồi!). Còn chủ siêu thị, trong khi chào đón tôi vào mua sắm với đủ cách khuyến mãi nhiệt thành, các kế hoạch tiếp thị, quảng cáo, PR ầm ĩ, cũng đã mặc định trong đầu là tất cả khách đều có thể là ăn cắp khi vào siêu thị. Bởi vậy, “cẩn tắc vô áy náy”, cứ ngăn chặn trước là hơn.
Thế quái nào mà chuyện đó lại xảy ra vậy nhỉ? Phải, tôi biết là trong số rất nhiều khách siêu thị, nhà sách, khách sạn, chắc có người “ủ mưu” ăn cắp thật. Nhưng tôi cũng biết là số người ăn cắp chắc chắn ít hơn (nhiều) số người không hề có ý định ăn cắp, và đại đa số khách hàng chỉ muốn thực hiện giao dịch, trao đổi thuận mua vừa bán, tôn trọng nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm. Rủi thay cho chúng ta, vì một số ít người có thể ăn cắp, tất cả đều bị đánh đồng là có thể ăn cắp.
Nếu có cách nào làm nhục người khác, khiến người khác xấu hổ thì đây chính là cách đó: đối xử với họ như những người ăn cắp trong khi họ không hề có ý định và cũng không ăn cắp. Tại sao lại không đối xử với khách hàng trước hết như những người có tiền để thực hiện giao dịch, có lòng tự trọng để không lấy những gì không thuộc về mình? Vì sao các nhà cung cấp dịch vụ ở Việt Nam lại tin hành động ngăn chặn ăn cắp theo cách như vậy là bình thường? Vì sao khách hàng chưa tẩy chay những nơi cung cấp loại dịch vụ như vậy?
Thay vì sử dụng những biện pháp để cảnh báo, phát hiện và trừng phạt người ăn cắp, tất cả mọi người trong xã hội đều bị đối xử giống như người ăn cắp. Tôi chưa từng thấy ở đâu trên thế giới mà khách hàng buộc phải gửi túi cá nhân, chưa từng thấy khách sạn nào phá hỏng đôi dép đẹp vì mục đích ngăn chặn nạn ăn cắp như thế. Phải chăng các thành viên trong xã hội đang nghi ngờ lẫn nhau, coi nhau như người xấu trước khi thừa nhận nhau là người tốt?
Thực tế, ở Việt Nam, ít nơi nào đưa ra cảnh báo là “cẩn thận kẻo bị móc túi”, “mọi người cảnh giác, bảo vệ đồ đạc cá nhân”, nhất là ở những địa điểm công cộng đông người. Nhà quản lý sợ bị nghi ngờ về khả năng bảo vệ trật tự đô thị của mình chăng? Thế là người thiếu cảnh giác, trộm cắp vẫn diễn ra, và chung cuộc tất cả mọi người đều bị coi là kẻ cắp tiềm tàng.
Có những cách đơn giản đã từng được áp dụng thành công ở các nước khác để vừa an toàn, vừa hạn chế nạn trộm cắp: 1. Lắp camera giám sát những nơi công cộng, điểm tham quan, mua sắm, du lịch. 2. Ghi cảnh báo những người ăn cắp sẽ bị truy tố, phạt tù. 3. Liên tục đưa ra những ví dụ điển hình về các hình phạt từng áp dụng cho những người ăn cắp. Với công nghệ hiện đại có giá ngày càng rẻ hơn như hiện nay, những việc này không tốn kém về tài chính và công sức so với tổng đầu tư của doanh nghiệp.
Chúng ta sẽ nói thế nào về thái độ tích cực, về một thế giới mà phần lớn con người là người tốt, và chúng ta cần tin yêu nhau, tôn trọng người khác trước nếu muốn họ tôn trọng mình? Khi sự nghi ngờ lẫn nhau trong xã hội ngày càng lớn có thể càng bào mòn, làm mục ruỗng sợi dây gắn kết giữa những cá nhân với nhau. Còn gì buồn hơn khi mình thấy ai cũng nghi ngờ họ xấu bụng, họ có thể làm hại mình, rằng mình gặp nạn sẽ không có ai cứu và giúp đỡ?
Nhìn rộng ra, thái độ nghi ngờ lẫn nhau trong xã hội chính là nguyên nhân bóp chết nhiều điều tốt đẹp. Bạn muốn sống trong xã hội nào: nơi mà đa số mọi người đối xử với người khác trước tiên như những người tốt, rồi sau đó nếu người khác đó tự biến mình thành người xấu thì mình mới coi họ là người xấu, hay ngược lại?
Bạn có nghĩ sau khi trang bị những kỹ năng để “tin tưởng một cách khôn ngoan” mà vẫn bị lừa thì dù mình bị lừa đi nữa, cuộc sống vẫn hạnh phúc hơn khi ta trao niềm tin cho người khác chứ không phải luôn sống trong sự nghi ngờ? Tôi thì tin là như vậy.
KHỔNG LOAN