Ngọc Tư ra Đảo
17:42:00 18/05/2014
Trước khi ra tập truyện ngắn Đảo, Nguyễn Ngọc Tư đã từng ra tiểu thuyết đầu tay có tên là Sông và một tập thơ cũng đầu tay có tên là Chấm. Ấy là nói những cuốn sách gần đây nhất mà tên của nó duy chỉ một từ, còn những cuốn có tên từ hai từ trở lên, chị đã có hàng tá. Có lẽ vì sau cái đận Cánh đồng bất tận, ăn bộn cả tiền lẫn tiếng, thế là cứ tì tì mỗi năm 1 cuốn, có khi là 2-3, Ngọc Tư ra đều khiến không ít người trong làng văn chương phải ghen tị. Chị viết nhiều thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, ký cho đến thơ và thuộc một trong số những nữ văn sĩ “đẻ” khỏe. Tập truyện ngắn Đảo mới xuất bản gần đây của Ngọc Tư không dày, chưa đến 150 trang, gồm 17 truyện nhưng vì kiêng con số 17 mất hên nên chị chỉ ghi ở bìa 4 cuốn sách có 16 truyện thôi, trong đó phần lớn là những truyện khá ngắn, khoảng trên dưới 2.000 chữ, thậm chí có truyện chỉ trên dưới 1.000 chữ. Điểm khác biệt so với những truyện ngắn trước đây của chị là ở tập truyện này, số chữ ít đến mức không thể ít hơn được nữa, nhưng tiếng vọng của hồn truyện lại dài rộng ra trông thấy. Ở Đảo, người đọc cảm thấy dường như Ngọc Tư muốn làm một cuộc thám hiểm mới, không chỉ là đi ra đảo hoang ngoài trùng khơi mà chủ yếu là lách vào những ốc đảo cô lưu của lòng người. Ngay ở truyện ngắn Đảo, chị kể lại chuyện một người đàn ông tên Sáng một mình ra đảo Hòn Trống, nơi mà chỉ có: Cái gọi là nhà lọt thỏm giữa những bãi đá và vài ba luống rau, những lùm bụi hoang dại. Từng ấy đất đá chỉ là chút bụi mờ trên mặt trùng khơi... Giữa trời và nước, nghe sóng vỗ miết đến người cũng mòn (tr.33 - 37). Ngay cả một người đàn bà được đưa ra Hòn Trống trong vòng 27 tiếng đồng hồ như một món quà từ trên trời rơi xuống mà Sáng cũng chẳng hề bận tâm bất cứ điều gì, đến cả tên của người đàn bà ấy là Đào, Mận hay Phượng mà gã cũng còn không biết huống gì cuộc sống đi bụi của chị ta. Cũng vậy, người đàn bà ấy cũng không hay biết Sáng là ai, làm gì và vì sao lại trốn ra đảo sống một mình. Họ đến với nhau rồi chia xa như bầy chim di trú một cách đầy ngẫu nhiên, mang tính bản năng vậy thôi, hỏi lấy đâu ra cuộc sống của một con người bình thường ở chốn hoang vu này. Ở truyện Tro tàn rực rỡ, hai vợ chồng Tam và Nhàn sống ở xóm Thơm Rơm. Ông chồng suốt ngày say rượu và khi say ông chỉ có một thú vui duy nhất là đốt nhà để được ngắm những đốm tro tàn đỏ rực. Được biết, Tam đã không dưới 5 lần tự tay đốt nhà mình để ngắm, cái mà phần lớn người đời vừa lo ngại, vừa hoảng sợ, còn Tam lấy đấy làm thú tiêu dao. Nhàn - vợ Tam thì cứ để mặc cho chồng đốt vì cô nghĩ Tam sẽ ngồi im như khúc gỗ để ngắm ngôi nhà của mình đang cháy. Còn Nhàn lại chỉ cầu mong ngắm Tam vì lão ta chẳng bao giờ để mắt đến mình từ sau cái đận sinh đứa con thứ hai bị chết lưu. Sau mỗi lần Tam đốt nhà, Nhàn lại cặm cụi đi kiếm từng bó lá, cây cọc về dựng lại để... cho chồng đốt. Lạ ở chỗ là lần thứ năm Tam đốt nhà, khi lửa cháy rừng rực mà Nhàn chẳng chịu chạy thoát ra khỏi đống lửa, để cuối cùng bị thiêu trụi. Còn mẹ cái Tý và bà con dân làng lần này cũng ùn ùn kéo đến để xem đám cháy, mà chẳng ai thèm cứu chữa vì: Xóm giềng hồi đầu còn xúm lại tát nước cứu nhà, rồi thấy thằng chồng say sưa đứng ngó mái lá bị lửa ăn rào rào và con vợ thì đắm đuối nhìn chồng, cả hai không có vẻ gì xa xót, bà con nản, “thôi kệ cái tụi mắc đằng dưới, nghèo mạt rệp không lo, lại đốt nhà coi chơi...(tr.140). Trước đấy, có người xui Nhàn bỏ quách Tam đi cho rồi, chứ hy vọng gì vào người suốt ngày say xỉn và hễ say lại tự mình châm lửa đốt nhà. Thế nhưng Nhàn lại nghĩ khác, nếu bỏ Tam thì lấy ai làm nhà cho lão ta đốt! Một cảnh huống, đúng hơn là một sự thật trớ trêu hết chỗ nói. Truyện Biến mất ở thư viện, cô thủ thư tên Hảo cứ đuổi theo cái bóng của anh chàng tên Sinh trong một thời gian dài mà chẳng bao giờ gặp. Còn tôi (người kể chuyện) thì chỉ mong cô thủ thư để mắt đến mình mà chẳng bao giờ: Một bữa sáng ở kệ sách tôn giáo, tôi giơ một cuốn lên vẫy vẫy gọi Hảo, “cuốn này có nói về nghệ thuật buông bỏ nè”. Hảo ngẩng lên, hơi ngạc nhiên rồi quay lại với cuốn sách đọc dở trên tay, tìm kiếm trong đó một gã xấu xa hao hao một người đàn ông mất biệt từ lâu lắm. Hảo không biết đó là lần cuối cùng chị nhìn thấy tôi. Hôm ấy, tôi mặc áo kẻ màu xanh xám, tóc tôi cắt cao. Vụt mất như một phụ diễn trong màn ảo thuật, tôi đi vào khe của những cuốn sách, náu mình trong thứ bóng tối trong veo (tr.13). Phần lớn những nhân vật nữ trong Đảo của Ngọc Tư đều nghèo khó, nhếch nhác, còn các nhân vật nam thì nghiện ngập, suốt ngày say xỉn, nhưng tất cả họ đều có chung một số phận của cuộc sống vô phương định. Người ra đi, kẻ trở về hoặc người ở lại đều dường như không thể nào vượt thoát ra khỏi cuộc sống túng quẫn. Cứ thế, những nhân vật trong các câu chuyện kể của Ngọc Tư ngày càng xoáy sâu mãi vào thân phận con người nhỏ bé, dưới đáy xã hội khiến người đọc cầm cuốn Đảo trên tay thật khó cầm lòng. Có người cho rằng ngôn ngữ địa phương, đậm chất Nam Bộ là một thế mạnh của Ngọc Tư. Tuy nhiên, ở tập truyện Đảo, Ngọc Tư đã không ý thức được rằng thế mạnh ấy luôn là con dao hai lưỡi, nếu không biết tiết chế sẽ có khi cứa vào tay mình và cứa lan sang cả người khác, làm người đọc cảm thấy rất khó chịu, nhất là đối với người miền Bắc, khi phần lớn tiếng địa phương đã được Việt hóa từ hàng chục năm nay. Cũng vì thế mà sự hấp dẫn của những câu chuyện trong Đảo của Ngọc Tư giảm đi đáng kể. Đỗ Ngọc Yên
|
truyện ngắn, đảo, say, chồng, miền bắc, đốt nhà, nam bộ, tiểu thuyết, cuốn sách, say xỉn, tập truyện, cánh đồng bất tận, thủ thư, nguyễn ngọc tư, tro tàn, để mắt
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
|
- Robot sẽ thay con người viết sách?
Sáng tác sẽ sớm không còn là lĩnh vực riêng của con người. Trong tương lai, robot có thể thực hiện tốt công việc này, nhất là khi khả năng tưởng tượng của chúng là vô hạn.
- Trung Quốc "săn" CEO từ thung lũng Silicon
Các công ty ở Silicon Valley có lẽ sẽ phải có những quyết sách hay ho để giữ được CEO của mình trước cám dỗ từ Trung Quốc.
- Những cuốn truyện gia đình đi cùng năm tháng
"Không gia đình", "Hoàng tử bé", "Tâm hồn cao thượng"... là những cuốn sách về chủ đề gia đình nổi tiếng thế giới.
- 'Lưới điện tử thần' của Jeffery Deaver đến Việt Nam
Lưới điện tử thần là cuốn thứ 9 trong sê-ri tiểu thuyết trinh thám ly kỳ của Jeffery Deaver, khắc họa nhân vật Lincoln Rhyme – nhà hình sự học bị liệt tứ chi, trước đó là sĩ quan Sở Cảnh sát New York.
- Sách hay nên đọc: Trên đường băng
Tony buổi sáng mang đến cho độc giả những bài viết hài ước, tinh tế, sinh động và đầy thiết thực.
- 'Đừng bao giờ xa em', ái tình át vía đạn bom
Tiểu thuyết Đừng bao giờ xa em (NXB Thời đại, 8/2015) của Margaret Pemberton không lụy tình hoặc tràn ngập những cảnh nóng.
- Thiếu Lâm tự và sự thật bí kíp tuyệt học Dịch cân kinh
Trong các tiểu thuyết võ hiệp, Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh là những bí kíp mà cả võ lâm đều sẵn sàng đổ máu, tốn mưu tranh đoạt. Nếu như Dịch cân kinh được mô tả có thể giúp hoán chuyển kinh mạch, phát dương nội công, thì Tẩy…
- Tác giả 'Totem Sói' đoạt giải của Mông Cổ: Xóa tan quan điểm tiểu thuyết là sự 'lừa gạt văn hóa'
Nhà văn Trung Quốc Khương Nhung, tác giả tiểu thuyết ăn khách Totem Sói (Wolf Totem), đã được trao giải Bichgiin Mergen của Hiệp hội các nhà văn Mông Cổ Thế giới, ở thủ đô Ulan Bator.
- Hậu vận nặng nề của một “thiên tài lười”
SKĐS - Nhà văn cổ điển Pháp Guy de Maupassant (1850-1893) được coi là một trong những tác giả lãng mạn nhất trong lịch sử văn học thế giới.
- Sao Việt bị soi mói chuyện tình: Khổ vì truyền thông ưu ái
Tuần qua, câu chuyện tình yêu của hoa hậu Đặng Thu Thảo được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội khiến công chúng ngỡ như đọc tiểu thuyết ngôn tình. Được dư luận quan tâm là điều may mắn của sao, nhưng đến…
|
Hôm nay: |
1 |
Tháng : |
1 |
Năm : |
1 |
|