Book Box là một dự án phi lợi nhuận, vì cộng đồng và hoạt động hoàn toàn dựa trên tinh thần chia sẻ tự nguyện. Các hộp sách có kích cỡ nhỏ gọn, bên trong chứa từ 20 tới 30 cuốn sách, được đặt ở những địa điểm công cộng như quán cà phê, vỉa hè,... Ai cũng có thể lấy sách từ hộp về đọc, với điều kiện phải thay vào đó một cuốn sách khác.
Nếu không có niềm tin thì chẳng có điều tốt đẹp nào có thể đến cả
- Từ ý tưởng nào mà chị và bạn bè cho ra đời những “thư viện mini”, hoạt động giống như một thư viện cộng đồng, thưa chị?
- Book Box ra đời dựa trên ý tưởng của dự án Little Free Library (tạm dịch: Thư viện nhỏ miễn phí - PV), ra đời ở Mỹ năm 2010, với tinh thần thúc đẩy việc đọc, viết, và tình yêu đối với sách của cộng đồng thông qua việc trao đổi sách miễn phí. Tôi cảm thấy tinh thần vì cộng đồng này xứng đáng được trân trọng và cần được lan tỏa tới mỗi người trong cộng đồng yêu sách.
Phương Huyên là dịch giả của “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”, “Khởi sinh của cô độc”, "Dạo bước trên mây", "Chuyến phiêu lưu diệu kỳ của Edward Tulane", "Con voi của nhà ảo thuật", "Bắt lửa"... Chị cũng là người tổ chức của chuỗi lớp học Vẽ kể chuyện – một dự án nhằm đánh thức khả năng vẽ và kể chuyện tiềm ẩn trong mỗi người.
Với các bạn thực hiện dự án Book Box, những cuốn sách ra đời là được đọc, được chia sẻ và truyền tay đến nhiều người đọc càng tốt. Ai cũng có thể trở thành một phần của dự án, tạo ra chiếc hộp sách chia sẻ với mọi người xung quanh mình.
- Nhiều độc giả hiện nay vẫn thường có thói quen tới thư viện, nhà sách để tìm một cuốn sách cho riêng mình. Phải chăng, sự ra đời của Book Box là nhằm tạo ra một con đường mới để sách dễ dàng tìm tới độc giả của mình?
- Thư viện không phải nơi duy nhất để chia sẻ sách với mọi người. Khi xây dựng dự án này, chúng tôi mong muốn làm một điều gì đó để sách luôn được đọc. Mỗi hộp sách bên đường giống như một trạm trung chuyển sách, bạn có thể đến, mang đi cuốn sách mình cần và đặt lại một cuốn sách khác của bạn.
Giá bìa của các cuốn sách không còn quan trọng nữa, bởi vì khi đó, giá trị của cuốn sách được tính bằng nhu cầu và tinh thần chia sẻ.
- Những cuốn sách “trao đi” liệu có được “nhận lại”?
- Khi thực hiện dự án này, ai cũng cho rằng ý tưởng Book Box quá táo bạo và nghi ngờ sự phát triển của nó. Mọi người cho rằng người Việt Nam ít có ý thức tự giác, ngay cả các thành viên tham gia dự án cũng từng lo rằng : Hộp sách tồn tại được bao lâu? Liệu có ai tới… lấy đi luôn không?..
Giả dụ sách có bị lấy cắp thật, hãy nghĩ tới việc cuốn sách đang nằm trong tay một người khác để được đọc. Như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với việc để sách nằm yên một chỗ. Nếu chúng ta không có niềm tin thì sẽ chẳng có điều tốt đẹp nào có thể đến với chúng ta cả.
Rất may mắn, mọi lo lắng giờ là thừa. Điều quan trọng chúng tôi hướng tới lúc này là mở rộng tủ sách.
Sách vốn là một tài sản mà càng chia ra, bạn càng giàu có
Phương Huyên
- Đối với những người yêu sách, sách là một tài sản vô giá mà càng có nhiều thì càng cảm thấy ít. Trong khi đó, Book Box được xây dựng dựa trên những giá trị “trao - nhận”. Ngay từ khi xây dựng dự án, Book Box đã có ý định nâng cao văn hóa đọc hay ý thức của cộng đồng?
- Sách vốn là một tài sản mà càng chia ra, bạn càng giàu có. Có thể sách của người này là cũ nhưng với người khác lại là một chân trời mới mà họ muốn khám phá. Một cuốn sách đã mang đến tri thức và trải nghiệm thú vị cho một người thì cũng có thể mang tới giá trị tương tự cho nhiều người khác. Một tủ sách có nhiều người tới trao đổi, mỗi người một tính cách, một “gu” đọc sách riêng không thể nhầm lẫn với người khác. Những yếu tố đó tạo ra nét văn hóa đặc trưng riêng biệt của mỗi tủ sách.
Đối tượng trước tiên Book Box hướng tới là các bạn trẻ, các bạn sinh viên, bởi việc sở hữu một số cuốn sách chưa chắc đã là điều dễ dàng với các đối tượng này. Dự án phải hình thành được thói quen chia sẻ và đọc sách trong cộng đồng trong dài hạn. Nếu chỉ là một trào lưu thì sẽ không còn ý nghĩa nữa.
Book Box có thay đổi văn hóa đọc hay ý thức cộng đồng hay không, chưa phải mục đích chúng tôi hướng tới.
- Các “tín đồ” của sách đã đổ bộ tới những “thư viện mini” của Book Box chưa?
- Khi Book Box mới xuất hiện, rất nhiều bạn trẻ đã nhiệt tình mang sách đến đổi. Có bạn đến đổi chỉ lấy 1 cuốn, nhưng bỏ vào tới 3, 4 cuốn. Ở Hà Nội, có một em học sinh lớp 11, trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, đã vượt qua quãng đường gần 20 km tới đổi sách và để lại lời đề tặng, hi vọng mọi người sẽ luôn trân trọng những cuốn sách như chính bản thân mình vậy.
Từ 40 cuốn sách đầu tiên, đến nay, số lượng sách đã trên 1000 cuốn, tất cả đều do những người yêu sách từ nhiều nơi gửi tặng. Sách được chia thành nhiều thể loại, từ truyện tranh, truyện cổ tích cho thiếu nhi,... sách văn học, tiểu thuyết, thơ, sách chuyên ngành dành cho người lớn,... sách ngoại văn cho du khách nước ngoài đáp ứng một phần nhu cầu đọc, tìm kiếm sách rất đa dạng của mọi người.
- Những hộp sách Book Box, giống như những thư viện cộng đồng nhỏ, mở ra một con đường mới đưa sách tới với độc giả của mình. Tuy vậy, mô hình Book Box quá dễ để sao chép và thực hiện. Chị có lo rằng, một ngày nào đó, cái tên Book Box sẽ trở nên “bão hòa” bởi sự xuất hiện của nhiều mô hình “thư viện mini” hoạt động tương tự không?
- Trái lại, tôi mong điều đó xảy ra. Cái tên không quan quan trọng, mô hình không quá quan trọng, quan trọng là mục đích và hiệu quả. Chúng tôi rất đón chào những ai muốn tham gia cùng mình, nhưng nếu các bạn muốn tự tạo lập một nhóm riêng, với một cái tên riêng thì Book Box cũng rất vui và chờ xem có dịp nào đó cùng mời họ hợp tác.
Tất cả chúng ta đều hướng đến cộng đồng, tất cả chúng ta đều mọi người được vui, được đọc, được chia sẻ, vậy thì tại sao phải sợ. Tôi chỉ sợ sách in ra không ai đọc và người muốn đọc cũng không có điều kiện để đọc thôi.
- Book Box đã có những dự định gì cho tương lai?
- Chúng tôi đang cố gắng trong 5 năm đặt được ít nhất 50 tủ sách ở khắp cả nước, năm sau, nếu có được sự tài trợ từ các quỹ và các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ đưa mô hình này đến những vùng sâu, vùng xa hơn nữa.
Nhóm quản lý của Book Box đã xúc tiến việc này và đã nhận được khá nhiều sự ủng hộ. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng tôi muốn tất cả mọi người nhận ra rằng, họ không phải đợi ai mang Book Box đến với mình. Họ luôn có thể tự làm một tủ sách để trao đổi với cộng đồng, dù họ đang sống ở đâu.
Book Box là dự án của tất cả mọi người, không thuộc về riêng ai cả.
- Xin cảm ơn chị và chúc cho dự án sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới!
Dự án Little Free Library ra đời vào năm 2010 bởi hai người đàn ông có tên Todd Bol và Rick Brooks ở thị trấn nhỏ Hudson, tiểu bang Wisconsin, Mỹ với mong muốn thúc đẩy việc đọc, viết, và tình yêu đối với sách thông qua việc trao đổi những cuốn sách miễn phí. Đến nay, những ‘thư viện tổ chim” này đã có ở ít nhất 24 bang trên khắp nước Mỹ và hàng chục quốc gia khác từ châu Âu, châu Á cho đến châu Phi.
Tháng 4/2014, dự án Little Free Library đã chính thức xuất hiện ở Việt Nam. Tủ sách “Neverland Library” đặt tại Manzi (14 Phan Huy Ích, Hà Nội) là thành viên Việt Nam đầu tiên và là thành viên thứ 12830 của cộng đồng Little Free Library quốc tế.
Để tìm hiểu rõ hơn về cộng đồng Little Free Library quốc tế cũng như hoạt động của họ, các bạn có thể truy cập địa chỉ: http://www.littlefreelibrary.org/ hoặc “fanpage”: https://www.facebook.com/LittleFreeLibrary
Các bạn trẻ yêu sách, mong muốn có một hộp sách riêng ngay bên cạnh ngôi nhà, quán cà phê của mình. Hay đơn giản là muốn đóng góp, xây dựng một cộng đồng trao đổi sách có thể tìm hiểu thêm thông tin tại “fanpage”: https://www.facebook.com/bookboxvn hoặc tới trực tiếp các “trạm trung chuyển sách” của Book Box.
Bài: Thắng Hoàng
Ảnh: Book Box
> Có thể bạn quan tâm: Họa sĩ Bút Chì : "Tôi mong sao mọi trẻ em đều được cứu sống bởi những người bạn bước ra từ trong sách – những thiên sứ của trí tưởng tượng bất tử":
Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây . Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!
book box , phương huyên , bút chì , thư viện miễn phí , chuyện con mèo dạy hải âu bay