Nguyễn Vĩnh Nguyên
Nhiều người không đọc được Tên tôi là Đỏ, Tuyết, Pháo đài trắng hay kể cả cuốn Hồi ức Istanbul (đều đã dịch sang tiếng Việt) viết tỉ mỉ quá mức về những thứ trong thư viện, bảo tàng gia đình, căn phòng, ngôi nhà, đường phố, cảng thị, quán xá, con người nơi nhà văn lớn lên và gắn bó tới mức chưa từng nghĩ sẽ có ngày xa rời nó.
Cũng phải cảm thông cho những độc giả không chuyên - vì chắc rằng, kể cả những con mọt sách cũng có khả năng trở thành kẻ dối lòng nếu nói chưa từng rơi vào cảm giác sốt ruột khi đọc sách của nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ này.
Nhưng rồi cũng có một điều chắc chắn, văn chương của Orhan Pamuk khiến người ta nghiêm túc hơn trong việc đọc. Và nhất thiết bản thân người đọc phải xác lập một hệ trục thời gian khác để bước vào những trang sách đang tĩnh tại mời gọi, khiêu khích chúng ta thâu tóm, chiếm lĩnh chúng theo một cái duyên ngầm ẩn nào đó rất khó lý giải.
Trước hết, để hiểu Pamuk-nhà văn, hãy hiểu một Pamuk-người đọc. Ở cuốn tiểu luận Những màu khác mà ông gọi là những phân mảnh, người đọc gặp Orhan Pamuk là một người đọc trung tín, độc lập phía sau một nhà phê bình sắc sảo khi ông “note” (ghi chú) việc đọc tác phẩm của những nhà văn giàu cá tính: Thomas Bernhard, Salman Rushdie, Albert Camus, Nabokov hay Dostoyevsky...
Thông qua ghi chép về việc đọc, cách đọc của Orhan Pamuk, ta hiểu thêm về quan niệm viết văn, quan niệm tiểu thuyết của ông. Trong Cái thú đọc sách, Pamuk viết về ấn tượng khi đọc Tu viện thành Parme của Stendhal: “Nói cho cùng, một tiểu thuyết tuyệt diệu trở thành một phần không tách rời của cuộc sống và thế giới quanh ta, mang ta lại gần hơn ý nghĩa cuộc đời; nó đến thế chỗ cho niềm hạnh phúc ta có thể chẳng bao giờ tìm thấy trong cuộc sống để trao ta niềm vui sướng xuất phát từ ý nghĩa của nó”.
Mối tương quan nhà văn với chính trị, trí thức với xã hội cũng được ông đề cập nhiều trong phần Chính trị, châu Âu và những vấn đề khác của việc là chính mình. Tại đây, con người văn chương thuần túy tưởng đóng cửa im ỉm trong bốn bức tường, say sưa với các món cổ ngoạn, tô vẽ cho những tiểu họa chữ nghĩa như Orhan Pamuk vẫn không tách rời thái độ chính trị, trách nhiệm trí thức trong bối cảnh hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Về mặt cấu trúc cuốn sách Những màu khác, không phải vô tình khi Orhan Pamuk đưa bài “Ông viết cho ai?” vào sách. Trước câu “chất vấn” thường thấy của các phóng viên - ông viết cho ai?, ông bàn sâu vào đối tượng độc giả mà một nhà văn ngày nay hướng đến.
Nếu ở thế kỷ thứ 19, nghệ thuật tiểu thuyết cơ bản là nghệ thuật quốc gia; Dickens, Dostoyevsky hay Tolstoy xác định viết văn cho một tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy, đọc và viết tiểu thuyết là tham gia cuộc thảo luận trên toàn quốc về những vấn đề hệ trọng của đất nước, thì trong hiện tại, sự kết hợp giữa chủ nghĩa hiện đại và nghệ thuật tiểu thuyết vừa mang lại cho văn chương văn học một vị trí cao quý, vừa đặt nhà văn vào một thế lưỡng nan, thử thách: trung thành với chủ nghĩa quốc gia, phục vụ độc giả địa phương hay hướng tới đối tượng đọc toàn cầu hóa; vì những vấn đề chính trị bản địa, bản sắc hay tách rời truyền thống văn hóa để hướng đến những thế giới giao cảm xa lạ khác?
Cuối cùng, từ một cảm quan “đầy bất ổn về trật tự văn hóa mới”, câu trả lời của Orhan Pamuk là: “Chẳng lấy đâu ra một người đọc không bị ràng buộc bởi những cấm đoán xã hội và huyền thoại quốc gia, cũng như không thể tồn tại cái gọi là tiểu thuyết gia lý tưởng. Nhưng - cho dù là quốc gia hay quốc tế - chính là vì các độc giả lý tưởng mà các tiểu thuyết gia viết văn, trước hết bằng cách tưởng tượng người đọc đó hiện hữu, và rồi bằng cách viết sách với người đọc đó trong đầu” (trang 285).
Và, như những đoạn nhạc dạo thong thả, một lần nữa, Orhan Pamuk sẽ lại thử thách ta trong những trang viết tỉ mỉ về bìa sách, chuyện loại bỏ những cuốn sách khỏi thư viện, chuyện con hải âu đậu ngoài cửa sổ, con hải âu già đi và chết như thế nào...
Orhan Pamuk trình hiện trước mắt ta những tảng thời gian được chạm trổ thành khối, mỗi đường nét của nó có sức phản chiếu nội tâm trung thực nhất, vi tế nhất, ngay cả khi ông chủ ý gọi đó chỉ là những phân mảnh rời rạc.
Đọc ông trong một thư viện vào một sáng mùa đông tĩnh lặng, có thể bạn sẽ nghe được tiếng rì rầm của những cuốn sách trên kệ trò chuyện với nhau. Đó là niềm vui sướng và cũng là cái giá khi trở thành “một độc giả lý tưởng”.
(Đọc Những màu khác, Orhan Pamuk do Lâm Vũ Thao dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 2013, 482 trang, giá bìa 120.000 đồng)