…Thực tế, việc trở thành quốc gia bá chủ, bá quyền trông cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc là điều gần như không thể. Những giá trị và triết lý Trung Quốc không có tính thuyết phục, và cũng không được các quốc gia khác nể phục. Hơn nữa, Trung Quốc cũng chỉ có một vài đồng minh.
Hiện Trung Quốc đang bị nhiều vấn đề trong nước bao vây. Trung Quốc thoạt nhìn ngỡ có vẻ rất hùng mạnh, nhưng thực tế lại yếu hơn nhiều. Trung Quốc giống như một gã khổng lồ đứng trên đôi chân đất sét. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tạo ấn tượng mạnh cho cộng đồng thế giới biết đến mình như một “tên bạo chúa”. Các nước láng giềng bắt đầu ngại và ghét Trung Quốc. Nhiều năm qua, với kinh nghiệm đi du lịch trong và ngoài nước, tôi nhận thức rất sâu sắc việc này.
Mỹ đang muốn tái cân bằng châu Á, nhưng họ tiến hành rất chậm, vì sao?
Bởi vì Mỹ không nhất thiết phải làm điều đó. Họ đang chờ cơ hội. Họ chờ Trung Quốc tự làm bẩn hình ảnh của mình. Và khi quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng xấu đi, đó là lúc các quốc gia châu Á đều bắt đầu “sợ” Trung Quốc. Lúc đó, nếu Mỹ không muốn “tái cân bằng châu Á” thì các quốc gia khác cũng sẽ yêu cầu họ trở lại.
Trung Quốc nên nghĩ về điều này: Vài năm tới đây thôi, nhiều quốc gia châu Á sẽ tin rằng Trung Quốc ngày càng thể hiện tham vọng bá quyền đáng sợ hơn nước Mỹ. Trung Quốc liệu có tránh được trách nhiệm khi để điều này xảy ra hay không?
Bất công ở chỗ, các lãnh đạo Trung Quốc liên tục bào chữa những hành vi của mình. Nhưng Trung Quốc đã phạm tội. Hãy nhìn các thông tin công khai ngay ở Trung Quốc: từ những công dân mạng cho đến Bộ Ngoại giao, tất cả đều bận rộn nói về chuyện bảo vệ Quần đảo Diaoyu, dạy Philippines một bài học, đặt tiểu quốc Việt Nam vào chỗ của nó, hoặc liên minh cùng Nga chống Mỹ.
Cứ mỗi lần đề cập đến quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng, mọi người lại lên gân. Nhưng sau nhiều năm la ó, Trung Quốc đạt được những gì? Ngoài việc đập phá vài chiếc xe Nhật (nhưng thực ra là Made in China, do người Trung Quốc cầm lái và lưu thông trên đất Trung Quốc), Trung Quốc không giành được một centimet lãnh thổ nào mà còn khiến Mỹ và Nhật nhích lại gần nhau. Nhật Bản đang tự vũ trang cho mình. Trong khi một số người TQ tội nghiệp đã bị Philippines bắt giữ kèm lời dọa sẽ tống vào trại giam. Tại sao lại xảy ra những chuyện đó?
Lần gần nhất tôi đến đài truyền hình để quay một chương trình quốc tế, tôi hỏi người bạn là tại sao đài truyền hình cứ thích kéo ông Mr. So-and-so nói về quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. Ông này không chỉ kém hiểu biết về thời cuộc mà những gì ông nói toàn khơi dậy lòng thù hận và bạo lực, hoàn toàn trái ngược với chính sách ngoại giao và đối ngoại của Trung Quốc.
Nếu tôi là người nước ngoài và xem chương trình đó, tôi sẽ nghĩ rằng Trung Quốc là một quốc gia phát xít chứ không chỉ đơn thuần là tham vọng bá quyền. Bạn tôi ở đài nói rằng đơn giản show của ông này có rating rất cao, khán giả rất khoái nghe ông ta nói.
Vì thế hãy thử hình dung: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Mỹ (mạnh hơn Trung Quốc) cho ra đời một TV show được chính phủ tài trợ và ở đó, những phát ngôn viên luôn nói về việc “triển khai quân đội” và “dạy Trung Quốc một bài học”.
Điều gì sẽ xảy ra? Vị giáo sư dạy tôi về quan hệ quốc tế có lần nói là các quan hệ quốc tế giống như quan hệ giữa người với người. Nếu anh không hiểu điều gì đó thì đặt bản thân anh vào vị trí của người khác và nghĩ về điều đó, anh sẽ hiểu.
Vài người chúng ta không hiểu, theo những gì họ nghĩ, một khi Trung Quốc trở nên mạnh, TQ có thể lấy các vùng lãnh thổ bằng sức mạnh. Nhưng thực tế, việc tranh chấp lãnh thổ không phải bắt đầu từ hôm qua. Có rất nhiều lý do lịch sử phức tạp về sự tranh chấp. Có thể TQ nghĩ Mỹ không muốn TQ sẽ hùng mạnh, vì thế họ khuấy động các nước láng giềng nhỏ hơn phản ứng để cảm trở sự lớn mạnh đó. Nhưng nhân dân các nước đều có những nhận định đối chọi chính xác: Trung Quốc rất mạnh và đang chuẩn bị thay đổi hình ảnh của mình bằng cơ bắp. Trung Quốc đang bắt nạt những nước nhỏ hơn, yếu hơn.
Tuy nhiên, với vai trò của một thế lực đang lên, Trung Quốc nên dành chút thời gian để ngẫm lại. Ông Tập cận Bình nói “người TQ không có gen xâm lược”. TQ không tìm cách làm bá chủ, điều này được nhấn mạnh nhiều lần. Tuy nhiên, trên thông tin báo chí chính thống của TQ cũng như dư luận xã hội đã xuất hiện “gene xâm lược” thông qua những lời lẽ xúc phạm, nếu không muốn nói là thể hiện tham vọng bá quyền.
Báo chí TQ cần làm theo những gì ông Tập đã nói thay vì cứ thích đổ dầu vào ngọn lửa quan hệ quốc tế, không phải để đạt được lượng rating cao hơn hay câu được nhiều view hơn. Thêm vào đó, khi nhấn mạnh các quan hệ giữa 2 cường quốc (như châu Âu, Nga và Mỹ), TQ không nên quên điều quan trọng nhất: cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Như ông Tập đã nói, “bà con xa không bằng láng giềng gần”. Trung quốc nên có những nỗ lực rõ rệt hơn để giữ tốt quan hệ láng giềng, đặt những định kiến và lịch sử sang một bên để thích ứng với vai trò một quốc gia lớn.
Lê Huỳnh Lê (trích dịch từ Diplomat)
Ảnh: Trung Quốc đang điều các tàu vũ trang ra bảo vệ việc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (AFP)