Người quản giáo già tiếp thêm động lực cho nam phạm nhân thoát án tử hình...

17:45:00 29/05/2014

(PL&XH) - Phạm Ngọc Định bảo rằng, cái giây phút ấy đối với anh ta là khoảng thời gian sẽ chẳng thể quên. Thời khắc ấy, Định như thấy mình được sinh ra lần thứ 2.

“Tử tù” và giây phút chạm đến ánh sáng cuộc đời...
Định ôm chầm lấy những cán bộ, quản giáo đã hàng ngày bên cạnh, chia sẻ với Định. Và rồi, ngày 21-9-2005, Phạm Thế Vinh (tên thay đổi của Phạm Ngọc Định - PV) được chuyển đi trại cải tạo Nam Hà. Bước xuống xe trong tâm trạng ngập tràn niềm vui của một kẻ từ cõi chết trở về, làm lại cuộc đời, Vinh hít một hơi thật sâu để cảm nhận bầu không khí rộng mở của môi trường mới, ngắm nhìn núi non, sông nước. Và Vinh tự hứa sẽ làm tất cả những gì có thể để chuộc lại lỗi lầm của mình gây ra và sẽ sống thật tốt để xứng đáng với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đã dành cho mình.

Sau những ngày học nội quy, quy chế trại giam, Phạm Thế Vinh được phân về lao động tại đội 29, phân trại số 1, chuyên sản xuất khâu bóng do Đại úy Trần Xuân Hòa, là người quản lý trực tiếp và là quản giáo của đội. Ở môi trường mới, Vinh lao vào làm việc một cách hăng say. Nhưng với Vinh như thế vẫn chưa đủ. Vinh muốn đóng góp cái gì đó có ý nghĩa hơn cho cuộc sống này và cho chính nơi đang giáo dục cải tạo “trồng lại người lần 2” cho Vinh. Vì thế, trong buổi tổng kết năm 2006, khi nghe Thượng tá Dương Đức Thắng, giám thị trại giam Nam Hà lúc bấy giờ nói rằng: “Các anh em phạm nhân cần phát huy sáng kiến để tăng năng xuất sản phẩm cũng như nghiên cứu cùng với trại tìm ra các ngành nghề khác nhằm đạt được chất lượng, hiểu quả kinh tế cao hơn...”.

Từ đó, Vinh nhẩm tính công lao động của mỗi phạm nhân trong trại vẫn còn thấp. Bởi nơi đây, phạm nhân chủ yếu lao động thủ công, chứ không đưa cơ khí hay công nghệ vào. Vì vậy, công của một phạm nhân không đủ nuôi sống bản thân mà vẫn phải dựa vào sự trợ cấp của Nhà nước. Những trăn trở được Vinh nung nấu, bởi lời phát động của vị giám thị trại giam như tiếp thêm động lực và là cơ hội để một phạm nhân như Vinh được phát huy sáng tạo. Mặt khác, Vinh nắm được không riêng gì bản thân mà rất nhiều phạm nhân trong trại đều muốn được lao động và làm những sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao, góp một phần sức lao động của mình cho trại và không là gánh nặng cho Nhà nước. Những ngày Tết năm ấy, Vinh đã miệt mài viết để mong cho ra một công trình ứng dụng vào thực tế trại giam.


Phạm nhân Phạm Ngọc Định (còn được biết đến với cái tên Phạm Thế Vinh) được tiếp thêm động lực để viết cuốn tiểu thuyết thứ 2.

Nguồn sáng tạo được thắp sáng từ vị quản giáo già?

“Thưa thầy! Em xin được báo cáo một việc”, Phạm Thế Vinh tay cầm tập giấy gặp Đại úy Trần Xuân Hòa nói vội khi đội vừa xuất trại trong lễ ra quân đầu năm. “Anh ngồi đi”, người đàn ông cao lớn, tuổi ngoài ngũ tuần với khuôn mặt rắn rỏi như nói lên sự gian nan vất vả nơi nắng gió của vùng đất núi non đầy khắc nghiệt. – “Vâng”, Phạm Thế Vinh đáp rồi ngồi xuống chiếc ghế nhựa cũ. Ở đây là thế, bao năm Vinh không biết, nhưng từ ngày về trại giam Nam Hà cải tạo, anh ta đã thấy tất cả những phạm nhân đều gọi cán bộ bằng “Thầy”, xưng “Em” thể hiện tình cảm gần gũi và như được trở về cái tuổi thơ của thời cắp sách đến trường.

“Có gì anh cứ trình bày, giúp được tôi sẽ giúp”, Đại úy Trần Xuân Hòa nói để khích lệ động viên. Thời khắc ấy, nhìn khuôn mặt cương nghị nhưng luôn tươi cười, mở lòng của vị Đại úy khiến cho Phạm Thế Vinh như được tiếp thêm động lực. “Thưa thầy! Em nhờ thầy đọc giúp em bản hoạch định kế hoạch kinh tế trong trại gửi cho Ban giám thị”, Vinh nói rồi đưa tập hoạch định mình viết trong suốt những ngày Tết.

“Hoạch định kinh tế?”, Đại úy Hòa hỏi. “Thế bản này của ai?”, vị quản giáo có dáng người cao lớn hỏi thêm. “Dạ, của em”, Phạm Thế Vinh đáp: “Hôm cuối năm nghe ban giám thị phát động phong trào thi đua sáng kiến nên em viết bản hoạch định nhờ thầy trình Ban Giám thị”. Người quản giáo có tuổi gật đầu. “Rất tốt, nhưng anh đã được đi xem địa hình quanh khu vực này đâu?”, Đại úy Hòa hỏi. Phạm Thế Vinh bảo rằng, anh ta đã nghiên cứu bản hoạch định ấy thông qua quan sát cũng như qua trao đổi với những phạm nhân từng cải tạo nơi đây. Cũng qua câu chuyện giữa người thầy “trồng lại người lần 2”, Vinh biết rằng Đại úy vẫn còn băn khoăn với bản hoạch định của mình. Nhưng Vinh bảo rằng, dù gần 7 năm sống trong tù, nhưng Vinh vẫn cập nhật thông tin ngoài cuộc sống thông qua chiếc ti vi nhỏ trong phòng của phạm nhân. Mặt khác, dự án gạch tuynel lớn nhất trong bản hoạch định ấy Vinh đã có những kinh nghiệm nhất định được Vinh tích lũy trong cuộc sống trước kia. Bởi theo như Vinh thì sản phẩm được làm ra trong thời kỳ đất nước đang phát triển nên ngành công nghiệp xây dựng sẽ thu hái những kết quả nhất định, dự kiến ít nhất cũng khoảng 30 năm nữa...

Và rồi, chính bản hoạch định ấy của Phạm Thế Vinh đã được trình lên Ban Giám thị trại giam. Vinh thấy trong lòng vui vui dù chưa có kết quả. Vinh vừa lao động, vừa cất tiếng hát nho nhỏ như đã làm được việc gì đó thực sự có ý nghĩa. Vinh bảo, thực ra dự án xây dựng nhà máy gạch này so với dự án kinh tế biển viết trong cuốn tiểu thuyết “Đen và Trắng” là quá nhỏ. Nhưng dự án này thiết thực và có thể áp dụng được ngay nơi môi trường mà Vinh đang cải tạo ở những năm tới.

Thế rồi, bản hoạch định ấy đã được Ban Giám thị trại giam đánh giá cao và đã được đưa ra họp bàn, lấy ý kiến. Nhưng do điều kiện của trại giam sắp phải chuyển đi nơi khác nên dự án chưa thể thực hiện được. Nghe vậy, Phạm Thế Vinh đổi vẻ mặt và có phần buồn hơn. Người Đại úy ấy như hiểu được “đứa con” của mình, ông động viên và hướng Vinh sang một đề tài khác. “Thế trong những ngày tới anh có ý tưởng cho cuốn sách mới nào không?”, Đại úy Trần Xuân Hòa hỏi. Như được tiếp thêm động lực, Vinh mặt mày rạng rỡ. Vinh bảo rằng, cuốn tiểu thuyết “Đen và Trắng” Vinh viết về kinh tế, xã hội. Nhưng giờ Vinh muốn làm một việc gì khác hơn. Bởi trong suốt những năm tháng nằm trong phòng biệt giam, Vinh thấy yêu quê hương, yêu TP hoa phượng đỏ ấy hơn gấp nhiều lần. Bởi nơi ấy đã nuôi dưỡng tuổi thơ của Vinh với bao thăng trầm của một thời khói lửa chiến tranh.

Từ đó, hai thầy trò nói chuyện cởi mở và chính đề tài chiến tranh của người cán bộ già ấy đã là động lực thôi thúc Phạm Thế Vinh cho ra cuốn tiểu thuyết thứ 2...

(Ghi theo lời kể của phạm nhân Phạm Ngọc Định, Trại giam Nam Hà - Bộ Công an)
(Còn nữa)
Nguyễn Vũ

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1