Sau bữa sáng của ngày mới, Phạm Ngọc Định đã bắt đầu viết. Lúc ấy, cảm giác chỉ còn mình Định với những nhân vật của cuốn sách cho đến lúc cán bộ trại mở cửa cho ăn cơm trưa, Định mới ý thức được thời gian. Cứ thế, Định viết trong tâm thế chỉ sợ không kịp hoàn thành cuốn sách. Vì bất cứ lúc nào, Định cũng có thể bị đưa đi thi hành án tử hình.
“Khí tiết”... không còn đường rút lui?
Định đã tìm đọc rất nhiều cuốn sách khác nhau và thấy rằng cách đây hàng trăm năm, một số nhà văn ở các nước lớn họ đã có những cuốn sách, những cuốn tiểu thuyết mang tính kích cầu cho nền kinh tế không chỉ riêng cho nước họ mà cho nhiều nước trên thế giới và ngay đến cả bây giờ vẫn còn giá trị. Những điều ấy đã khiến cho Định trăn trở bao đêm. Định thấy bứt rứt và nghĩ rằng điều duy nhất đối với Định trong lúc này là cầm bút viết. Nhưng lúc ấy, Định bảo rằng, viết văn là phạm trù Định không dám nghĩ tới vì từ trước đến nay, Định rất coi trọng các nhà văn và luôn cho họ ở một đẳng cấp khác. Một đẳng cấp thiên tài viết ra hàng trăm trang sách trong khi Định viết một lá thư đã là cả một vấn đề.
Sau những trăn trở, Định quyết định xoay chuyển, muốn viết tiểu thuyết kinh tế. Định đã từng nghĩ đó là quyết định quá sức với hắn, với một người tử tù đang bị cùm chân, trí óc làm sao có thể khai thông để làm những điều kỳ diệu ấy. Định bảo rằng đã nói ra là không thể rút lại. Phạm Thế Vinh (tên được thay đổi của Phạm Ngọc Định – PV) bắt đầu xây dựng cốt truyện, nhân vật và sự kiện. Sau một tháng vừa bóc tách các tờ giấy của tạp chí thời trang để lấy giấy trắng bên trong viết và Phạm Thế Vinh đã bắt tay viết vào trung tuần tháng 10-2004. Vinh hồi hộp và run rẩy cầm bút mặc dù trong buồng giam lúc ấy chỉ có một mình. Nhưng cái sợ không làm được và cái sợ của cơ hội cuối cùng muốn làm được một việc gì đó có ích cho xã hội sẽ bị tuột mất. Trong căn phòng biệt giam chưa đầy chục m2.
Bắt đầu ngày mới, sau bữa sáng Vinh bắt đầu viết. Một tháng, hai tháng trôi qua, Vinh không còn để ý đến thời gian. Vinh tự ý thức được văn chương là cả một khoảng không của vũ trụ mà con người không thể khám phá hết. Nên Vinh vừa viết, vừa học cách làm sao cho câu văn được hay và hợp với ngữ cảnh. Chính vì thế, có đêm đang ngủ, Vinh bỗng bật dậy để ghi chép lại những từ ngữ, câu văn, lời hay ý đẹp và cả những sự kiện mang tính đột phá trong văn chương, cuộc sống, con người...
Phạm nhân Phạm Ngọc Định nở nụ cười khi nói về sản phẩm tiểu thuyết đầu tay của mình khi ở trong phòng biệt giam. Ảnh: TL
Nội lực của tử tù trong phòng biệt giam
Đến trung tuần tháng 4-2005, cuốn tiểu thuyết “Đen và Trắng” đã được hoàn thành. Vinh sung sướng đến bật khóc. Khi hoàn thành, Vinh nhẩm tính thông thường khoảng 350 từ/trang thì cuốn tiểu thuyết này đã viết được 800 trang. Nội dung cuốn tiểu thuyết Vinh viết xoay quanh vấn đề phát triển kinh tế, xây dựng từ cái không thể thành cái có thể. Từ Cty nhỏ thành Cty lớn và tập đoàn kinh tế lớn. Vinh đã viết bằng những trải nghiệm đa diện trong cuộc sống và khả năng kinh tế có thật của chính Vinh.
Thông qua cuốn tiểu thuyết của mình, Vinh muốn gửi gắm và truyền cho những độc giả đón đọc một khát khao và ý chí làm giàu chân chính... Hoàn thành trang cuối của cuốn tiểu thuyết, trong lòng Phạm Thế Vinh đã dâng lên cảm xúc khó tả. Vinh mừng khôn xiết vì ít nhất ở cuộc đời này đã làm được một việc có ích. Tuy rằng, điều đó chưa được áp dụng ngoài thực tế, nhưng đó cũng là sản phẩm thể hiện lương tri của một tử tù khao khát được làm lại và được cống hiến.
Hai ngày sau khi hoàn thành, Vinh càng thấy phấn khích và thấy ấm lòng hơn khi được Ban giám thị tạo điều kiện để gặp gia đình. Vinh đã gói gém tất cả những dòng chữ viết với tấm lòng hướng thiện của mình để gia đình mang về và Vinh lúc ấy tự nhủ, dù có phải đi thi hành án tử hình, Vinh cũng không có gì phải ân hận và nuối tiếc... Nhưng ngày hôm sau, điều kỳ diệu đã đến với Vinh khi được cán bộ tháo cùm và cho Vinh đi lao động. Với những phạm nhân khác, việc lao động trong trại cải tạo là điều rất đỗi bình thường. Thế nhưng, với một tử tù bị cùm chân lâu ngày mà được đi lao động thì đó lại là đặc ân lớn. Ngày hôm ấy, Vinh còn bất ngờ hơn khi người Vinh gặp lại là Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn (đã được phong quân hàm từ Trung tá lên Thượng tá – PV), người chỉ huy khám phá vụ án mua bán trái phép chất ma túy động trời của hắn và đồng bọn. Theo Vinh thì chính Thượng tá Tuấn đã làm thay đổi cuộc đời mình. “Bà cụ và các cháu có khỏe không?”, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn hỏi.
“Dạ, gia đình em khỏe và mới lên thăm em hôm qua”, Vinh đáp. “Dạo này công việc bận quá! Tôi ít lên trại. Hai đứa trẻ chắc lớn lắm rồi nhỉ?”, Thượng tá Tuấn hỏi thêm. “Vâng ạ”, Vinh vui vẻ ra mặt và khoe: “Nhất là đứa nhỏ, lần nào lên thăm em, bé cũng chạy khắp cả trại cán bộ ạ”. Cũng từ lúc gặp lại Thượng tá Tuấn, Vinh nhận được thông tin, đơn xin tha tội chết của mình đã được Chủ tịch nước xem xét. Thế nhưng, quyết định cuối cùng thế nào thì người tử tù như Vinh vẫn phải tiếp tục chờ đợi đến 30-4, tức là còn những hơn chục ngày nữa...
(Còn nữa)
Nguyễn Vũ
(Ghi theo lời kể của phạm nhân Phạm Ngọc Định, Trại giam Nam Hà (Bộ Công an)