Loay hoay "tìm chỗ đứng"
Trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, không thể phủ nhận, văn học thiếu nhi đã có những bước tiến đáng kể về cả đội ngũ sáng tác, đề tài và thể loại tác phẩm. Tiếp nối những nhà nhơ, nhà văn gạo cội thuộc lớp trước như Tô Hoài, Phạm Hổ, Trần Hoài Dương... là những cây bút giao thời giữa hai thế kỷ như: Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quang Thiều, Dương Thuấn, Phan Hồn Nhiên... Tiếp đó là lớp tác giả trẻ Hoàng Dạ Thi, Quế Hương, Nguyễn Thị Châu Giang... và mới đây nhất là sự xuất hiện của một loạt những cây bút thiếu nhi như: Vũ Hương Nam, Đan Thi, Nguyễn Bình... Họ đã cho ra mắt một khối lượng tác phẩm đồ sộ với nội dung đa dạng, phong phú ở nhiều đề tài: hiện thực, lịch sử, viễn tưởng, cổ tích - đồng thoại... So với mảng văn học viết để phục vụ đối tượng người lớn, dễ nhận thấy, mảng văn học viết cho thiếu nhi có số lượng tác giả, tác phẩm "khiêm tốn" hơn, song rõ ràng không phải quá ít ỏi, vậy mà lại đang rơi vào cảnh phát triển èo uột trên thị trường. Dạo qua các nhà sách lớn như Kim Đồng, Nhã Nam, NXB Trẻ... vào những buổi trưa hay giờ tan tầm, dễ bắt gặp hình ảnh những học sinh tiểu học, trung học cơ sở đang say mê đọc sách. Nhưng để ý kỹ mới thấy, những quyển sách đắt "sô" đa phần toàn sách dịch, trong đó chủ yếu là truyện tranh Nhật Bản, còn lại những sách văn học trong nước rất ít được quan tâm và thường chỉ được bày với số lượng ít ở một số vị trí không mấy gây chú ý.
Thực tế nêu trên đã khiến không ít người băn khoăn đặt câu hỏi: Tại sao văn học thiếu nhi Việt Nam lại thiếu sức cạnh tranh so với văn học thiếu nhi nước ngoài? Là do sự hạn chế về năng lực viết hay do mảng văn học thiếu nhi trong nước chưa nhận được sự quan tâm đúng mực? Lý giải về điều này, nhà văn Lê Phương Liên, nguyên Trưởng ban Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Các cây bút trẻ viết cho thiếu nhi hiện nay xuất hiện khá đông đảo và họ cũng đã có những nỗ lực nhất định trong việc tìm kiếm, khai thác những câu chuyện gần gũi hơn với đời sống tâm lý của các em, song thật khó để kỳ vọng những sáng tác này có thể trở thành những "cây đũa thần" để phục vụ mục đích giáo dục. Hơn nữa, vì luôn đặt nặng tính giáo huấn nên tính gần gũi, tự nhiên của những sáng tác cũng giảm đi. Nếu so với các sáng tác nước ngoài, đặc biệt là truyện tranh, dễ dàng nhận thấy các sáng tác của Việt Nam thua kém hẳn về trí tưởng tượng với các yếu tố khoa học kỹ thuật trong thế giới ảo. Điều này giải thích tại sao trẻ em, đặc biệt là trẻ em thành phố lại luôn có hứng thú với sách dịch, bởi chỉ nguồn sách dịch mới đáp ứng được nhu cầu của các em về yếu tố viễn tưởng và khoa học công nghệ.
Đã xa rồi cái thời các em nhỏ chỉ ao ước có được những cuốn sách bằng lòng bàn tay nằm trong "Tủ sách vàng" của NXB Kim Đồng. Đã xa rồi cái thời các em dễ dàng bằng lòng với những câu chuyện gắn liền với cuộc sống đồng quê... Giờ đây, khi mà nhu cầu dành cho sách văn học của các em ngày càng cao, các bậc phụ huynh lại không ngại chi tiền để đáp ứng sở thích của con cái, và giữa hàng nghìn sự lựa chọn với các đầu sách dịch khổng lồ, thì đòi hỏi dành cho văn học thiếu nhi trong nước càng trở nên nghiệt ngã hơn bao giờ hết. Trong số các tác giả viết cho thiếu nhi, hiếm ai có được thành công như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Từ những bộ truyện dài kỳ như Kính vạn hoa cho tới Chuyện xứ Langbiang, Tôi là Bê-tô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ... đều nhận được sự mến mộ đặc biệt của công chúng nhỏ tuổi nhiều thế hệ, nhất là Kính vạn hoa dù được tái bản nhiều lần vẫn chưa bao giờ giảm độ "nóng". Còn lại, đa phần những tác giả trẻ khác khi dấn thân vào "lãnh địa" văn học thiếu nhi đều khó vượt qua nổi sự cạnh tranh khốc liệt của nguồn sách văn học dịch.
Viết cho thiếu nhi khó là thế, đòi hỏi phải đầu tư nhiều về tâm hồn, thời gian và công sức là thế, nhưng lại chẳng dễ dàng để được các em đón nhận, vì thế, "sự liều lĩnh" của những cây bút trẻ cũng thành dè dặt hơn, và sự đầu tư cho sách thiếu nhi của các nhà xuất bản cũng bị hạn chế. Và thật dễ hiểu khi số lượng những tác giả đã từng thử sức với văn học thiếu nhi không ít, nhưng những cây bút chuyên tâm với lĩnh vực sáng tác này chỉ có trên dưới 20 người. Đội ngũ sáng tác chủ lực thì èo uột, đã thế còn gặp phải cảnh "tre" đã già mà "măng" chưa đủ lớn nên diện mạo nền văn học thiếu nhi nước nhà vẫn chưa thể sáng sủa hơn. Những nhà văn tay chuyên lớp trước như Tô Hoài, Võ Quảng, Đoàn Giỏi, Phạm Hổ... đã để lại không ít tác phẩm viết cho thiếu nhi đi cùng năm tháng, nhưng chưa để lại nhiều những bài học kinh nghiệm đúc rút cho thế hệ cầm bút trẻ hôm nay về bút pháp, cách thức sáng tác, tư duy và tưởng tượng. Điều này phần nào dẫn đến việc những người trẻ khi càng cố viết được như những người đi trước thì càng dễ sa vào sự bắt chước, cố vùng vẫy mà cũng không thể vượt qua được cái "bóng" của các bậc tiền bối. Cứ thế, đội ngũ sáng tác lâu năm dần trở nên hết vốn, khó bắt kịp thời đại, còn những cây bút trẻ thì thiếu kinh nghiệm sáng tác, thiếu cá tính riêng.
Mỗi năm, trong danh sách dài các tác giả được trao giải thưởng Hội Nhà văn, có mỏi mắt cũng chỉ tìm thấy vài cái tên thuộc lĩnh vực văn học thiếu nhi được trao giải. Không có một hạng mục giải quy mô nào dành riêng cho những tác giả, tác phẩm viết cho thiếu nhi nên cũng ít nhiều làm mai một nỗ lực sáng tạo của người viết. Trong khi đó, công tác quảng bá, giới thiệu sách văn học thiếu nhi ở nước ta cũng chưa được quan tâm đúng mức, còn manh mún và thiếu chuyên nghiệp nên nhiều tác phẩm dù được đánh giá tốt về chất lượng cũng không có cơ hội đến được với đông đảo độc giả nhỏ tuổi.
Tạo điều kiện cho người viết trẻ
Trước thực trạng đáng buồn trên, muốn làm khởi sắc bộ mặt của nền văn học thiếu nhi nước nhà, trước hết các cơ quan quản lý văn hóa, các cấp, ban, ngành và cả xã hội cần phải có sự nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc vai trò to lớn của văn học thiếu nhi Việt Nam đối với việc hình thành tâm hồn, tư duy của trẻ em. Cần phải coi văn học thiếu nhi như một bộ phận quan trọng mang tính đặc thù của nền văn học Việt Nam để có chiến lược phát triển đúng đắn. Chúng ta cần phải học hỏi các quốc gia phát triển như Mỹ, Ca-na-đa, Anh..., nơi những cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi cấp quốc gia luôn được quan tâm tổ chức định kỳ thường xuyên để động viên, kích thích sức sáng tạo của các tác giả và thu về được những tác phẩm thật sự có giá trị, chất lượng dành cho bạn đọc nhỏ tuổi. Trẻ em luôn được yêu quý ở Việt Nam, vì thế, tin rằng, khi có những cuộc thi hấp dẫn, có quy mô lớn, thu hút được sự chú ý của xã hội, sẽ có nhiều cây bút trẻ tham gia và nhiều "hiện tượng" như Nguyễn Nhật Ánh sẽ được phát hiện.
Những kết quả khả quan thu nhận từ Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch được triển khai ở nước ta từ năm 2006 đến nay, với sự tham gia của Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Đan Mạch và NXB Kim Đồng đã chứng minh cho điều đó. Bà Lê Thị Dắt, Giám đốc Dự án cho biết, trải qua bảy đợt vận động sáng tác, Ban tổ chức đã nhận được gần 2.600 bản thảo, trong đó có 179 tranh truyện. 91 tác phẩm truyện ngắn và tranh truyện đoạt giải đã được NXB in thành tập và giới thiệu đến các em thiếu nhi. Một số tác phẩm như: truyện ngắn Vỏ ốc diệu kỳ (Vũ Hương Nam), Ước mơ trong bão (Chu Thanh Hương), Thiên thần nhỏ áo xanh (Trần Đức Tiến)... hay truyện tranh Trung thu của Tí (Kim Duẩn), Chiếc răng sâu của Anak (Nguyễn Trần Duy Tự), Vui hội Buôn Đôn (Phạm Quang Phúc, Huỳnh Vũ Tường)... đều đã được giới chuyên môn đánh giá cao về khả năng tư duy, tưởng tượng và diễn đạt...
Bên cạnh việc tổ chức các cuộc thi, để tăng tính hấp dẫn cho sách văn học trong nước, các cây bút cũng cần thoát khỏi xu hướng viết kiểu "lên mặt dạy dỗ", bắt con trẻ phải trở thành người lớn. Không thể dùng một tâm hồn già cỗi để viết về thế giới trẻ thơ, vì thế, các tác giả phải thật nghiêm túc tìm hiểu đời sống tâm lý của trẻ nhỏ, đặt mình vào vị trí các em để có được những sáng tác thú vị, tự nhiên và gần gũi với độc giả nhí.
Để sách đến được đúng đối tượng, không thể thiếu một chiến lược quảng bá chuyên nghiệp với nhiều kênh khác nhau: thông qua các nhà sách, nhà xuất bản, báo chí, mạng xã hội... với sự vào cuộc của cả hệ thống thư viện, nhà trường và định hướng từ các bậc cha mẹ. Chỉ khi nào, cả xã hội có cái nhìn đúng đắn với mảng văn học quan trọng này, văn học thiếu nhi Việt Nam mới thật sự được ứng xử một cách đúng mực và có "đất" để phát triển.