Khoảng trời của cánh chim bằng

10:55:00 27/05/2014

Bước sang giai đoạn Đổi mới, các nhà xuất bản sách mọc lên như nấm sau mưa. Một phần do điều kiện in ấn dễ dàng, chỉ cần đừng vi phạm điều cấm kỵ về nội dung. Còn điều kiện vật chất: NXB sẵn sàng cấp giấy phép khi tác giả nộp lệ phí, và nếu sách khó bán, tác giả tự chịu trách nhiệm phát hành. Vậy là một danh sách bất tận những tên tác giả mới toanh, khiến người đọc vào một hiệu sách lớn như sa vào mê hồn trận.

May thay, có một loại sách có thể hỗ trợ phần nào cho người đọc là thể chân dung văn học, gần đây cũng đang phát triển, giúp ta khi muốn tìm hiểu về một số nhà văn và tác phẩm khi ta chưa biết gì nhiều về họ. Cũng vì vậy, nhận được cuốn sách Miền lưu dấu văn nhân (NXB Hội Nhà văn 2013) của Nguyễn Tham Thiện Kế gửi tặng, tôi đọc ngốn ngấu, rồi đọc kỹ, để bổ sung những điều tôi còn chưa biết, và tìm hiểu cách dựng chân dung nhà văn của Thiện Kế. Anh có cách dựng nhân vật của mình: Ngoài những điều anh trực cảm, đối thoại với nhân vật, tóm lược về cá tính, hành trạng nhân vật, anh hay dẫn ra những nhân vật phụ, liên quan đến nhân vật chính của mình để qua những tiếp xúc, va chạm ấy, nhân vật chính sẽ bộc lộ thêm tính cách.

Tôi đã được thưởng thức tập tùy bút Dặm ngàn hương cốm Mẹ của Nguyễn Tham Thiện Kế để nhấn nhá từng câu chữ của Kế, vốn chữ của anh phong phú, giàu vốn thiên nhiên trung du, cách hành ngôn cách điệu, hơi cầu kỳ xu hướng Nguyễn Tuân. Thật thú vị khi đọc Kế miêu tả: Bữa tiệc rượu cốm bày chiếu hoa cạp điều. Đèn lồng, nến trắng. Cốm nếp hoa vàng nhâm nhi với rượu nếp cốm hoa vàng. Khai vị và kết thúc đều bằng món chè cốm sen (Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm) hoặc: Chống sào, người trai nhoáng nâu, ngực vồng múi, quấn khăn thủ rìu (Ngàn dâu chẳng vị một cây)…

Ở cuốn sách viết về con người này, tôi chỉ muốn điểm đến vốn nhân vật của anh với bao số phận khác nhau, bao cá tính sắc cạnh do hoàn cảnh hoặc do… thiên phú tạo nên, một đòi hỏi “chữ” ở dạng khác của đời sống!

Một trong những nhân vật tiêu biểu nổi tiếng của thời hiện đại là nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang, người cùng thế hệ với tác giả. Chỉ cái tên bài đã thấy sự dụng công: Hồng Thanh Quang, kẻ thành thật trong mỗi gương mặt. Nghĩ nhanh một chút thì thấy nghĩa ẩn: Đây là con người có nhiều gương mặt. Nhưng ngay lập tức, nghĩa xấu “người nhiều mặt” được xóa đi bởi đôi chữ thành thật. để nêu bật lên bản lĩnh người làm báo, người nổi tiếng của Hồng Thanh Quang. Được khen giữa lúc say, anh vẫn đủ tỉnh táo để đẩy lời khen ấy sang màu cờ sắc áo tờ báo đang ăn khách của ngành anh và của người chỉ đạo. Đang giữa không khí bạn nhậu, có người đụng đến những vấn đề nhạy cảm, thì “gã phẩy tay đàng hoàng và hơi quá rành mạch”: “Bổn phận và công việc của tôi không cho phép bàn luận những vấn đề này!”. Thiện Kế rút ra kết luận: Làm người nổi tiếng thời hiện đại là luôn phải đi trên dây căng giữa hai bờ vực của trạng thái riêng và công cộng.

Nhưng con người bản lĩnh như nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang, để có thể ứng xử với cộng đồng, đứng vững trên vị trí của mình, càng thành thực hơn ai hết trong lĩnh vực riêng tư, để thế hệ trẻ có thể liên hệ đến những mối tình bươm bướm dễ đậu, dễ bay của lứa tuổi mình, tất nhiên bạn đọc cũng thông cảm với nhà thơ đôi khi phải thậm xưng để nhấn mạnh ý mình, khi so sánh:

Yêu như lao xuống dòng nước xoáy

Giữa trời rơi không chịu mở dù

hoặc:

Nếu hạnh phúc cho nhau

Luật trời ta cũng sửa

Hẳn bạn đọc đã biết tác giả những câu thơ quyết liệt ấy là người có quyền hơn ai hết, viết những dòng này, khi đã sống, đã yêu còn hơn cả phần cuồng nhiệt trong thơ, vì anh đã phải (hay được) đổi một phần tuổi trẻ quan trọng trong đời mình cho thiên tình sử nghệ sĩ ấy. Tôi đã được chứng kiến buổi biểu diễn nghệ thuật, Lê Dung hát một ca khúc (mà tôi không nhớ tên bài và tác giả) phổ thơ của Xuân Quỳnh, nội dung biết ơn người mẹ đã sinh thành người chồng cho mình. Khi hát lên lời biết ơn cảm động nhất, nghệ sĩ Lê Dung đã nửa như quỳ xuống, cúi xuống phía bà mẹ chồng ngồi ở hàng ghế đầu trước tiếng vỗ tay râm ran hội trường nhỏ ở một khu phố cổ. Có lẽ sự đồng điệu và mối tình của hai đôi nghệ sĩ (Lưu Quang Vũ với Xuân Quỳnh; Hồng Thanh Quang với Lê Dung) có những điểm song trùng, đã mở đầu nghệ thuật ca ngợi, biết ơn người mẹ chồng, mà văn học truyền thống dường như chỉ khơi ra những mâu thuẫn của hai người phụ nữ dễ xung đột vì tình yêu con trai và tình vợ yêu chồng chẳng dễ dung hòa trong một gia đình!

Một nhân vật khác cùng thế hệ với Thiện Kế, cũng là một tài năng, nhưng ở dạng đối lập với Hồng Thanh Quang cả về hạnh phúc và bất hạnh lẫn sự lộ diện tài năng: Họa sĩ, thi sĩ Hoàng Hữu, anh trình bày bìa sách nổi tiếng một thời cho các nhà xuất bản ở Hà Nội.

Miêu tả hình thức Hồng Thanh Quang, Thiện Kế viết: Sải bước dài, dứt khoát. Quân phục in nếp nhàu đường xa. Quân hàm đại tá công an chói lói. Đâu đó còn một Hồng Thanh Quang trong bộ đồ sẫm màu, láng mượt dưới ánh đèn sân khấu, không kém phần trang nghiêm. Còn Hoàng Hữu thì: Có hơi thở và bước chân sẽ sàng phía sau lưng. Tôi quay lại. Một người đàn ông mảnh mai khiến tôi liên tưởng đến thứ thủy tinh trong suốt, tan giòn. Khi lá thư tuột tay rơi xuống đất, anh định cúi xuống nhặt, nhưng không thể, một cái nhăn mặt, khí sắc xanh xám, anh phải tựa vai vào cánh cửa sắt.

Thì ra Hoàng Hữu bị bệnh tim hàng chục năm trước đó. Anh leo lét như ngọn đèn trước gió. Vợ được cử đi học một lớp tập huấn, đã phải mang cả hai con đi theo. Vì anh chỉ lo cho bản thân và công việc của anh cũng đã quá sức mình! Thiện Kế phải thuyết phục mãi mới được cõng Hoàng Hữu vượt con dốc 45 độ lên khu tập thể giáo viên. “Cảm giác về trọng lượng cơ thể anh trên lưng tôi chỉ như bó rạ hong nắng đã lâu, nhưng nhịp đập trái tim anh thì quằn quại như con chim bị nhốt trong hộp giấy. Mà bất cứ lúc nào con chim cũng có thể ngừng đập cánh hoặc hộp giấy sẽ bị vỡ oạc để con chim thoát ra bay đi”… Anh nắm bắt ngoại hình nhân vật và cảm giác của bản thân anh đã tài, anh còn khơi gợi thế nào đấy để nghe được những lời tâm sự, chỉ một người leo lét tới giọt sống cuối cùng mới buột thốt được những lời này:

- “Em thấy lạ không? Khóm hoa sim này, nếu không bị ai đó cắt làm củi, thì tự nó có thể sống đến cả trăm năm. Nó cũng là sự sống, ta cũng sự sống sao khác nhau đến thế! Sự sống của con người có tình yêu, có ý thức vậy mà ngắn ngủi vô cùng so với chỉ một loài cây dại. Con người tuyệt diệu thế, chết đi, vậy đằng sau thân xác hẳn là còn năng lượng tinh thần phải chuyển đổi về trạng thái không gian nào đó chứ nhỉ?...Thời gian của anh sắp kết thúc rồi… Bây giờ mới nhận ra là còn bao việc phải làm và bao nhiêu người mình còn nợ. Anh đang đếm từng giây phút sống của mình buột qua chính nhịp đập trái tim mình”…

Bên cạnh một Hoàng Hữu trong trẻo, tinh tế “thủy tinh dễ vỡ” triết luận về con người và thực vật, lại ngờ nghệch trong tình yêu, là đám bạn văn của anh, mỗi người một vẻ, chỉ một câu nói đã hé lộ tâm tính, xuất thân của mỗi người: Lão nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn tuy không lăn lộn tình trường bao lăm, nhưng lại mách nước rất cụ thể: “Để tiếp cận thì việc đầu tiên là giả vờ phủi bụi trên áo, trên tóc nó đã. Sau thấy nó im thì mới dấn tiếp như nắm tay, ôm vai nó hiểu không… nó im nữa thì mới được sờ ti…”. Thế rồi một hôm Hoàng Hữu trở về nhảy cẫng giữa sân Hội hoan hỉ thông báo: “Thành công rồi, thành công rực rỡ rồi!..”. Mọi người đổ dồn hỏi thành công đến độ nào, Hoàng Hữu thì thầm: - “Tôi đã nắm được tay nó rồi!”. Cười không đặng, mắng không xong, ông Chủ tịch Hội Cao Khắc Thùy lại chép miệng: “Kiểu này thì phải đến vài năm Hữu mới chiếm lĩnh được Bộ tư lệnh tiền phương, chưa nói đến Tổng hành dinh tối cao…”.

Đoạn văn ấy là một nụ cười làm dịu phần nào nỗi bất hạnh Hoàng Hữu! Tôi từng bình bài thơ tuyệt đỉnh của anh Hai nửa vầng trăng, đến hôm nay được đọc lai lịch bài thơ với mối tình một chiều, vô vọng của Hoàng Hữu mới càng thấy thấm đẫm lòng tiếc xót cuộc đời, ẩn chứa trong mối tình tuyệt vọng ấy: Bản thân Hoàng Hữu tên khai sinh là Dũng, nên anh vận vào: đời anh như chữ D hoa:

Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa

Tên anh như nửa trăng mờ tỏ

Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời

Tên người tình lý tưởng của anh cũng mở đầu có chữ D hoa, thế mà hai nửa vầng trăng đó không bao giờ chập lại tròn đầy như anh mơ ước: “Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ/ Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau!”. Bài thơ đọc hết mà cứ dư chấn mãi một vọng âm buồn, nỗi buồn mang mang, ẩn ức buồn nhân thế gửi người ở lại… Có cái gì cao hơn, lớn hơn một số phận…

Niềm hạnh phúc lớn của con người bất hạnh Hoàng Hữu là anh được bao bọc trong tình thương yêu của mọi người quanh anh. Chính bản chất nhân hậu của Hoàng Hữu đã đánh thức, tạo lập được một không gian nhân văn cỡ ấy!

Với phẩm cách nhà văn như Hồ Anh Thái, Thiện Kế cũng bộc trực, công bằng dẫu Thái đã có câu nói làm Thiện Kế bực dọc. Anh thú nhận: “Thì ra một phần cái tài chế giễu, cay chua trong văn Hồ Anh Thái đã kịp chạm nọc độc vào da thịt vốn đầy tự ái của tôi. Mà về tính châm biếm đôi khi hài hước này, không mấy ai thâm trầm, pha chút nanh nọc hơn Hồ Anh Thái trong văn học Việt đương đại”. Nhận xét của Thiện Kế thấu tình, đạt lý, khi anh khen những đức tính của nhà văn này, gạt bỏ tự ái sang một bên. Anh thừa nhận, nhấn mạnh đức tính này mà tôi (V.L.) cũng nhiều lần bắt gặp ở Hồ Anh Thái: “Dường như Hồ Anh Thái luôn thèm khát được chia sẻ, luôn là sợi dây liên tài xâu chuỗi mọi người cầm bút viết văn lại với nhau. Và ai đó một khi được Hồ Anh Thái nhận đọc giúp tác phẩm thì như đã giao được bản thảo cho một cơ quan bảo hiểm văn chương… dù tác phẩm ấy ở tình trạng nào, Hồ Anh Thái đã “lên cơn” văn chương thì lăn xả vào mà đọc, sửa, khen, chê những trang viết xa lạ say sưa như bị bệnh trời hành… Chính Hồ Anh Thái đã khởi nguồn cho một tiền lệ đẹp, tiền lệ hiếm có ở văn chương Việt. Đó là sự từ chối, quyền được từ chối giải thưởng. Theo anh, khi tác phẩm được xuất bản, tự nó đã là một giá trị độc lập. Lúc đó nhà văn cũng có quyền phán xét chính tác phẩm của mình”…

Thiện Kế cô đúc những đặc điểm đồng thời cũng là những ưu điểm của bạn trong một số chữ đặc quánh: “Thương hiệu HOANHTHAI đã tạo ra thứ văn phong thiên về chiều dương, hơi căng, đẹp, hiện đại, chuẩn xác, giữa mỗi câu bao giờ cũng còn một khoảng trống dành cho bạn đọc. Và nhất là tính hấp dẫn thì không bao giờ thiếu… Kỹ thuật dùng tiếng Việt hoàn hảo đến nghệ thuật!”.

Thiện Kế còn luôn sử dụng cách khắc họa nhân vật của một nhà văn viết truyện, nên nhân vật hiện ra uyển chuyển, đa dạng… Tôi rất tiếc chỉ giới thiệu được 3 chân dung với 3 số phận và tính cách thật khác nhau trong 30 chân dung Nguyễn Tham Thiện Kế đã thực hiện trên 500 trang sách!


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1