Một cuốn sách vỏn vẹn 100 trang, được viết bởi cây bút tay ngang vừa dịch chuyển ra khỏi trường đại học Y Dược TP.HCM đã gây một cơn chấn nho nhỏ.
| Trần Phi Long, bút danh jelu.c - 26 tuổi vừa ra mắt tác phẩm đầu tay "Thời đại Solom"
|
Có mặt tại cuộc ra mắt đầu tiên của "Thời đại Sodom" vào chiều 28/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn Dili ngay lập tức cho rằng độc giả của cuốn sách sẽ chia làm 2 nhóm: một nhóm sẽ rất thích và một nhóm không những không thích mà còn hoàn toàn không hiểu. Dili thuộc nhóm thứ nhất, nhưng chị cũng thừa nhận mình không hiểu hết toàn bộ nội dung của cuốn sách này. Nhà thơ Phan Hoàng cho rằng cần phải có trải nghiệm và tri thức cơ bản để đọc và hiểu tác phẩm. Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh thì chia sẻ, thế hệ của ông và nhiều nhà văn Việt Nam trước đó triết học đã bị bỏ trống và "Thời đại Solom" cho thấy hướng đi mới của một thế hệ mới. Ông kết luận: "Văn chương muốn sống phải có triết học". Tác giả sinh năm 1988 của "Thời đại Solom" cho rằng về hình thức, tác phẩm của mình thuộc thể loại "văn xuôi cắt đoạn", chịu ảnh hưởng của Samuel Beckett (nhà văn đoạt giải Nobel năm 1969 bởi các cách tân về hình thức); về ý thức, nó chịu ảnh hưởng bởi triết học Kant, thuyết bán duy tâm và tồn tại tự thân. Đây là một tác phẩm chứa đựng đậm đặc các yếu tố triết học và thần học (đạo Kito) từ tên sách, nội dung đến bút danh tác giả. Trần Phi Long xuất thân theo đạo Thiên Chúa, bước vào nghiệp viết anh lấy bút danh là jelu.c - một cách chơi chữ của từ Jesus kết hợp với Lucifer, tượng trưng cho hai mặt trắng/đen-thiện/ác trong con người. Solom cũng là một thành phố được nhắc đến trong Kinh Thánh. Thành phố bị hủy diệt bởi người dân quá đam mê dục vọng.
| "Thời đại Solom", ra mắt tháng 5/2014
|
Khó đọc hay không chưa phải là vấn đề căn bản, điểm độc đáo của "Thời đại Solom" là ở chỗ nó đã rơi đúng vào hai khoảng trống lớn trong văn học Việt Nam: triết học và thần học - và kết hợp cả hai yếu tố này. Như vậy theo logic nó sẽ tạo được sự chú ý nhất định trong giới văn chương vốn luôn khát khao cái mới. Có thể độc giả đại chúng sẽ không mấy quan tâm đến cuốn sách. Có hàng tá những tác phẩm triết học và thần học đề cập đến những vấn đề tương tự những mẩu chuyện của Trần Phi Long trong "Thời đại Solom". Trần Phi Long chưa đi xa hơn những bậc thầy hay những triết thuyết mà anh đã đọc, nhưng điểm thú vị là Long đã khái quát hóa các triết thuyết đó thành những bức tranh hay những hình dung hữu hạn bằng lối kể dựa trên giải phẫu các bộ phận của thân thể, sự luân chuyển của ý thức và vật chất. "Thời đại Solom" đậm đặc những ám ảnh về sự tồn tại của con người, dấu hỏi về bản ngã, sự so sánh với Thượng đế, khát khao khám phá những giới hạn và kiềm chế dục vọng bản năng. Có thể nói toàn bộ tác phẩm chứa đựng những băn khoăn về "Cái Tôi" rất rõ nét và dường như những nhân vật trong sách đều đang tìm kiếm một điều gì đó. 76 mẩu chuyện vẽ lên 76 chân dung "kẻ". Kẻ lầm lỡ, kẻ tí hon, kẻ tiệt dục, kẻ tìm chính mình, kẻ tự do tuyệt đối, kẻ tự ý thức, kẻ vị lai, kẻ bình quân, kẻ cao ngạo, kẻ đi tìm chân lý.... Tựu chung, tác phẩm xoay quanh việc định vị, dán nhãn những "kẻ người" và những kẻ khác người. Xin trích một chân dung "kẻ" của Trần Phi Long. Kẻ khiếm khuyết Có một kẻ bị khiếm khuyết những bộ phận trên cơ thể Hắn thiếu mất tóc và bộ phận sinh dục. Hắn đau đớn, chua xót cho thân phận mình. Khóc than. Rồi một hôm hắn gặp được Thượng đế. Hắn van nài Ngài. Và Ngài chấp nhận cho hắn một trong hai: tóc hoặc bộ phận sinh dục. Chỉ một trong hai. Hắn đắn đo suy nghĩ. Cuối cùng, hắn chọn tóc. Lạ thay, kể từ ấy, hắn làm chủ cả Thượng đế. Hồ Hương Giang
|