Những đóng góp về hình thức của Tiểu thuyết mới

18:52:00 05/06/2014

QĐND - Tiểu thuyết mới (Nouveau roman) ra đời trong thập niên 1950 tại Pháp với bốn nhà văn chủ chốt là Na-ta-lin Xa-rốt (Nathalie Sarraute, 1900-1999), Clốt Xi-mông (Claude Simon, 1913-2005), A-lanh Rơ-bơ-Gri-ê (Alain Robbe-Grillet, 1922-2008) và Mi-seo Buy-to (Michel Butor, sinh năm 1926), với những tiểu thuyết cùng xuất bản tại NXB Minuit (Nửa đêm). Đến nay, vẫn còn có những tranh cãi là Tiểu thuyết mới có thể được xem là một trường phái hay không, nhưng có sự thật là không một nhà nghiên cứu nào phủ nhận Tiểu thuyết mới đã góp phần thay đổi diện mạo tiểu thuyết hiện đại.

Sự phức tạp của Tiểu thuyết mới nằm ở chỗ là ở mỗi nhà văn chủ chốt trong nhóm đều không nhất quán trong lối viết, thậm chí ở cuối sự nghiệp sáng tác chính các nhà văn lại viết khác thời kỳ đầu. Tuy nhiên, họ gặp nhau ở một điểm chung là muốn phủ nhận sạch trơn cách nghĩ, lối viết của tiểu thuyết hiện thực Pháp thế kỷ XIX mà tiêu biểu là các tác phẩm của văn hào H.Đờ Ban-dắc (1799-1850). Như trong tiểu thuyết “Kẻ nhìn trộm” (1955), “Ghen” (1957) của A-lanh Rơ-bơ-Gri-ê, con người không còn là nhân vật chính, thay cho đó nhà văn chủ yếu miêu tả đồ vật; “Thời gian biểu” (1957) của Mi-seo Buy-to đơn giản là hoàn toàn trình bày nhật ký nhân vật chính, “Gió” (1957) và “Đường miền Flandres” (1960) của Clốt Xi-mông lại cực kỳ phức tạp khi một câu văn kéo dài mấy trang giấy…

Sở dĩ có sự thay đổi “kỳ quái” tiểu thuyết đến mức nhiều người đọc tiếng Pháp thập niên 1950 cũng thấy khó hiểu là xuất phát từ nhân sinh quan và thế giới quan có thể xem là cực đoan của các tiểu thuyết gia nói trên. Về cơ bản, có thể đánh giá các nhà văn Tiểu thuyết mới đi theo chủ nghĩa hoài nghi, họ không tin những giá trị được mặc nhiên công nhận. Trường hợp A-lanh Rơ-bơ-Gri-ê từ chối miêu tả ngoại hình, các hành động và suy nghĩ của con người vì cho rằng, con người đang bị tha hóa trong thế giới kỹ thuật và vật chất lên ngôi. Ông chối bỏ những tình cảm lãng mạn, những giọt nước mắt đau khổ các nhân vật tiểu thuyết thế kỷ XIX; thay vào đó ông miêu tả con người vừa ít hơn miêu tả đồ vật đã đành, ông lại còn miêu tả con người bằng một giọng văn khách quan tối đa, lạnh lùng vô cảm nhất có thể, y như miêu tả đồ vật vô tri vô giác.

Đó là chưa kể quan niệm về chính bản thân tiểu thuyết của các nhà Tiểu thuyết mới cũng rất khác lạ. Họ cho rằng, các khái niệm cơ bản của tiểu thuyết như cốt truyện, hình thức và nội dung, dấn thân… là những khái niệm lỗi thời. Tiểu thuyết thực ra là một sự phiêu lưu của lối viết, chỉ đơn giản là thế! Rồi ngôn ngữ trong tiểu thuyết không cần phải là công cụ để diễn đạt tâm lý con người thuần túy nữa mà tự bản thân việc sáng tạo ngôn ngữ đã là mục đích tối thượng của một cuốn tiểu thuyết.

Sự cực đoan là điều không tránh khỏi để hô hào sự thắng lợi bề nổi của Tiểu thuyết mới, để những tiểu thuyết độc đáo này được người đọc chú ý. Sau hơn nửa thể kỷ trôi qua, sau mọi ồn ào trên các mặt báo, Tiểu thuyết mới phải chăng chỉ là sự “nổi dậy” quá khích mang tính ngắn hạn của những nhà văn ưa đổi mới? Chắc chắn là không! Bởi phải có một giá trị nghệ thuật nào đó mà ngay từ thời điểm ra đời Tiểu thuyết mới đã ảnh hưởng đến bao nhà văn nổi tiếng như Giăng-Ma-ri Gút-xtáp Lơ Clê-đi-ô (Nobel 2008)…; rồi bản thân các nhà văn Tiểu thuyết mới được tôn vinh như Clốt Xi-mông được trao giải Nobel 1985, A-lanh Rơ-bơ-Gri-ê được bầu vào vị trí tột đỉnh của giới trí thức ở Viện Hàn lâm Pháp; và nhất là cho đến ngày nay Tiểu thuyết mới vẫn được người ta đọc, chứ không bị lãng quên.

Bỏ qua sự phiến diện trong nhận thức, các nhà Tiểu thuyết mới đã cung cấp cho tiểu thuyết những hình thức biểu đạt mới mẻ chưa từng có, tạo nền tảng để tiểu thuyết phát triển. Tiểu thuyết trong thế giới công nghệ hiện đại hoàn toàn lép vế nếu cố gắng duy trì phương cách biểu đạt thế giới hiện thực sao chép máy móc, “thật thà như đếm” như hồi thế kỷ XIX. Chẳng hạn, miêu tả một cô gái đẹp dù có dùng hết mọi mỹ từ thì làm sao có thể ngắn gọn, ấn tượng bằng được một vài giây của một bộ phim quay cận cảnh khuôn mặt người đẹp và cũng không thể bằng một đồ họa máy tính vẽ ra một khuôn mặt mỹ nhân. Các nhà văn Tiểu thuyết mới đã sáng tạo nhiều kỹ thuật viết văn phức tạp, tân kỳ như: Đưa nhiều khoảnh khắc quá khứ và hiện tại đan chéo vào nhau để người đọc phiêu lưu giữa hai chiều thời gian, giống như xem phim mà có thể xem bất cứ phần nào; họ còn tìm cách xáo trộn các ngôi kể, các câu chuyện khác nhau để người đọc tìm ra sự thật bị che giấu trong mỗi câu chuyện… Và như vậy, đọc tiểu thuyết là một cách đồng sáng tạo thú vị với nhà văn chứ không còn thụ động thưởng thức để nhà văn dẫn dắt như trước nữa.

Ngày nay, Tiểu thuyết mới đã lui dĩ vãng nhưng những thủ pháp hình thức vẫn đang được các nhà văn trên thế giới sử dụng lại một cách có chừng mực để làm phong phú cách biểu đạt trong tác phẩm, chứ không mấy nhà văn đi theo con đường tiểu thuyết cực đoan như Tiểu thuyết mới đã trải qua.

TRẦN HOÀNG HOÀNG


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1