Nhà văn Di Li: Nếu công chúng "nhạt" với truyện của mình, tôi sẽ dừng viết

08:00:00 05/06/2014

Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh. Chị là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn và Dịch giả Châu Á Thái Bình Dương. Không chỉ viết văn, viết báo và dịch thuật, Di Li còn là một chuyên viên tư vấn trong lĩnh vực quảng cáo & PR, là giảng viên bộ môn Quan hệ công chúng. Tất cả kiến thức và kinh nghiệm của Di Li hầu hết là tự học. Nhân dịp cuốn tiểu thuyết trinh thám có tên "Giáo phái" và cuốn "Bút ký du lịch" viết về các vùng đất của các nước trên thế giới mà chị đã đặt chân đến sắp ra mắt bạn đọc, phóng viên Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với nữ nhà văn.

- Lâu nay ít thấy truyện ngắn của Di Li hiện trên mặt báo. Phải chăng chị đang chú tâm vào viết tiểu thuyết?

+ Lý do không viết truyện ngắn là thế này anh ạ. Cũng không phải vì tiểu thuyết đâu, hai tập truyện ngắn "San hô đỏ" và "Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng" của tôi gần đây bán rất chậm, dù tốc độ tiêu thụ đạt ở mức trung bình trên thị trường nhưng so với các đầu sách khác của tôi thế là rất chậm, mặc dù tôi kỳ vọng vào 2 cuốn này rất nhiều vì đã có nhiều thay đổi trong bút pháp và tư duy. Tôi không như một số tác giả khác, luôn bốc phét rằng sách của mình bán chạy mặc dù chạy hay không chỉ cần ra Đinh Lễ hỏi hai câu là biết liền. Tôi trung thực với chính mình.

Cách đây vài năm tôi đã trả lời báo chí rằng nếu một ngày nào đó độc giả dừng đọc sách của tôi, ngày đó tôi sẽ dừng viết. Tôi nói thế là không nói chơi. Khi "Tháp Babel" ra mắt mà không được đón nhận nhiều, tôi cố thêm cuốn "San hô đỏ" chứ cũng không dừng ngay, nhưng lần này tôi không để "quá tam ba bận" nữa. Có thể còn do vấn đề thị trường, tôi càng viết nghiêm ngắn thì độc giả càng không thích, họ thích những câu chuyện ly kì, giật gân hoặc ướt át hơn. Nhưng nói chung, tôi là người cứ hễ thấy ai nhạt đi với mình là mất hẳn hứng thú. Công chúng nhạt truyện ngắn của tôi thì tôi dừng. Nhưng các thể loại khác tôi viết vẫn bán tốt. Nếu sau này sách cũng bán chậm chậm nữa thì thôi, tôi bỏ bút không viết. Năm nay tôi ra hai cuốn sách, một cuốn tiểu thuyết trinh thám có tên "Giáo phái" và cuốn "Bút ký du lịch" viết về các vùng đất của các nước trên thế giới. Tôi cũng khá hài lòng với chúng.

- Tôi biết chị là người ham đọc sách từ nhỏ, và đã "nhằn" không ít cuốn sách có vẻ như không phù hợp với lứa tuổi của mình lúc đó. Đến bây giờ, sau bao năm tháng viết văn, chị thấy "những hành động dại dột" ngày đó của mình nó có lợi và hại như thế nào cho một nhà văn?

+ Người có khả năng văn chương tư duy phải phát triển sớm hơn những người bình thường khác. Những nhà văn thiên tài thì tư duy thậm chí còn vượt tầm thời đại. Lúc học tiểu học tôi đã lĩnh hội được những cuốn sách loại cục gạch như "Cội rễ", "Những người khốn khổ" hay "Papilon người tù khổ sai". Tôi học được vốn từ vựng đa dạng từ văn học và cả kiến thức nền phong phú về tôn giáo, triết học, địa lý, lịch sử, văn hóa… Tôi cho rằng đọc càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, còn đọc muộn thì sức ngấm sẽ không mạnh mẽ như lúc còn nhỏ tuổi.

- Có một thực tế và không ít người đã kêu ca là học sinh bây giờ không thích học văn và không thích cả đọc sách văn học, chị thấy điều ấy có đúng? Chị và những người viết văn có lỗi gì trong vấn đề này?

+ Không những không thích mà các em còn… kinh môn văn ấy. Có bận tôi được mời đến một trường cấp ba giao lưu với các em ban chuyên văn. Lúc ngồi trên sân khấu thấy nản quá. Hầu như không một em nào chú ý đến diễn giả, các em loạn xị như đang đứng chơi ngoài sân trường, hoặc mang truyện tranh "Shinichi cậu bé bút chì" ra đọc. Các em không quan tâm đến văn học. Các diễn giả khác vẫn miệt mài, nói còn tôi chỉ muốn đứng dậy đi về ngay.

Tôi cũng có lần dạy ở một trường đại học cho khoa viết văn, nhiều em còn không biết tác phẩm "Jane Eyre" là gì. Đấy là lớp chuyên văn còn thế, chứ sinh viên ngành khác thì có khi cả đời chẳng nhấc lên một cuốn sách văn học. Tôi chẳng có lỗi gì cả. Đến sách đoạt giải Nobel và Victor Hugo hay Paolo Giordano còn chẳng chinh phục được họ thì tôi có phép mầu gì chứ. Lỗi là vì ngay cả các cô giáo dạy văn cũng không đọc sách văn học, rất nhiều nhà văn, nhà phê bình hỏi cuốn gì cũng chẳng biết, nhà báo cũng vậy, và các bậc cha mẹ trí thức cũng bận đến nỗi thời gian ăn tối còn phải tiết kiệm thì hà cớ gì lại đòi hỏi các em phải chăm chỉ đọc sách. Nếu cha mẹ không có ý thức đọc sách và yêu sách, lẽ tất nhiên họ khó mà có ý thức thuyết phục con cái yêu sách.

Ngoài sự cạnh tranh của các thiết bị nghe nhìn và mạng xã hội khiến ở đâu trên thế gian này người đọc sách cũng bớt đi thì cũng còn có lý do nữa là các tác phẩm trong sách giáo khoa nên được điều chỉnh lại. Nói thực ngày xưa đi học, tôi cũng rất nản khi phải học một số tác phẩm trong đó. Chính điều này khiến các em vốn lười đọc sách lại còn thêm ý nghĩ, văn chương là như vậy, cả nền văn học Việt Nam chính là như vậy, mỗi khi nhìn vào sách giáo khoa.

- Chị cũng đã từng "xách ba lô lên và đi" sau đó chị đã cho ra mắt tập truyện ngắn mà tiếng vang đến bây giờ vẫn đang ngân lên như chuông như khánh và cuốn bút ký du lịch sắp tới cũng hứa hẹn nhiều điều. Vừa rồi cũng có bạn trẻ... cũng xách ba lô và đi và viết như chị nhưng khi sách ra bị.... ném đá tơi bời. Thế chị và Huyền chíp (tác gải cuốn "Xách ba lô lên và đi - PV) có điểm gì giống và khác nhau trong hành động đi và viết để cho ra hai kết quả khác nhau là vậy?

+ Tôi luôn làm việc với tâm thế của một người viết chuyên nghiệp nên vô cùng cẩn trọng từ quy trình viết lách cho đến cách ứng xử với công chúng. Tôi không biết nhiều về vụ lình xình này nhưng thấy nhiều người ngoài giới hỏi tôi về chuyện đó vì nghĩ tôi là dân viết nên biết. Tất nhiên thông tin và cách họ bình luận là rất thiệt thòi cho tác giả đó.

Tôi thì cho rằng không ai dám chắc cả cuộc đời mình không làm việc gì sơ sảy, nhưng quan trọng nhất là cách ứng xử trước công chúng mà thôi. Nếu không thể đảm bảo mình có thể ứng xử tốt trước công chúng thì chỉ còn cách chấp nhận làm một người bình thường. Bởi những nghề liên quan đến công chúng nghiệt ngã lắm, yêu cầu sự cẩn trọng tối đa, không chỉ người nổi tiếng mà ngay cả nhà quản lý, nhà giáo cũng là những người có công việc liên quan đến nhiều công chúng, không cẩn thận là bị mang tiếng ngay. Nói câu gì trước công chúng cũng phải uốn lưỡi bẩy lần nếu không muốn vì lỡ lời mà mang vạ vào thân. Công chúng, họ có quyền chất vấn, khiếu nại, bày tỏ quan điểm, chê bai và nghi ngờ.

- Tôi nhớ có ai đó đã từng khuyên là nếu anh muốn làm nhà văn, ít nhất anh phải biết được một ngoại ngữ, nhưng cũng có người lại nói, tôi viết tiếng dân tộc tôi và cho nhân dân tôi đọc, tôi đến tận cùng dân tộc thì sẽ gặp nhân loại, tôi chả cần gì ngoại ngữ cả. Là một nhà văn giỏi ngoại ngữ, quan điểm của chị về vấn đề trên thế nào?

+ Giỏi nhiều ngoại ngữ có thêm một vài lợi ích là mình vững vàng hơn trong cấu trúc và từ vựng học, điêu luyện hơn trong cách dùng từ, hiểu thêm được nhiều nền văn hóa. Nếu ta viết được trực tiếp bằng những ngôn ngữ nhiều người đọc thì càng tốt, ta sẽ có nhiều cơ hội hơn khi tiếp cận độc giả. Điển hình là nhà văn Vladimir Nabokov khi viết "Lolita" đã phải từ bỏ tiếng mẹ đẻ mà viết bằng tiếng Anh. Ông vẫn tự hào rằng "Tôi là một nhà văn Mỹ gốc Nga. Được đào tạo ở Anh, nghiên cứu về văn học Pháp và mười lăm năm sống ở Đức". Tuy nhiên nếu không biết ngoại ngữ thì vẫn có thể trở thành nhà văn giỏi chứ không có nghĩa là ta không viết hay. Nhưng nhìn chung thì theo tôi, thời này dù làm nghề gì cũng nên biết ít nhất một ngoại ngữ.

- Chị cho một vài đánh giá, nhận xét về tình hình văn học nghệ thuật trong mấy năm vừa qua và theo chị sự kiện văn học nghệ thuật nào đáng chú ý nhất? Vì sao?

+ Năm vừa qua thì thể loại phi hư cấu phát triển mạnh và được chào đón. Thực ra những cuốn sách đó là tập hợp của những bài báo. Độc giả dễ đọc và chuộng hơn. Tản văn về tình yêu, hôn nhân, bút ký về các vùng đất cũng rất được ưa thích. Tôi cũng có nhiều cuốn phi hư cấu và chúng bán chạy hơn sách văn học. Lạ thế.

Cũng có sự bùng nổ của những cây bút không chuyên, đây cũng là xu thế của thời đại. Ở các nước phương Tây, tự truyện của các chính trị gia, minh tinh màn bạc, doanh nhân hay thậm chí một cô vũ nữ, một cô gái bị bán làm nô lệ cũng rất được chào đón. Chứ không có nghĩa chỉ sách của nhà văn mới được chấp nhận. Tôi thấy rất mắc cười là nhiều nhà văn, nhà báo cứ đi phê bình, chê bai những cuốn sách nọ sách kia là viết dở viết tệ, chẳng chất lượng gì mà bán cũng chạy.

Chúng ta cần thích ứng với một thị trường sách đa dạng, trong đó có sách hàn lâm, có sách giải trí, nhà văn hạng 1 hạng 2, nhà văn chuyên nghiệp và người viết không chuyên, kiểu tự truyện của người đồng tính chẳng hạn. Độc giả thì nhiều thành phần, họ thích đọc gì là quyền của họ. Việc truyền thông khen ngợi bốc trời một cuốn sách lá cải không bao giờ có thể thuyết phục được một bậc trí thức đọc nó, cũng như việc báo chí đồng loạt chê bai một cuốn sách dâm thư tục tĩu cũng không thể ngăn cản công chúng bình dân háo hức tò mò, trái lại càng tăng thêm sự hiếu kỳ của họ.

- Xin cảm ơn nhà văn Di Li về cuộc trò chuyện này


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1