Có thiếu lực lượng dịch giả cho văn học Việt Nam ?

00:01:00 09/06/2014

Cần biết - Mặc dù có một nền văn học khá đồ sộ, song văn học Việt Nam gần như chưa được biết đến trên thế giới. Và câu hỏi được đặt ra là có hay không sự thiếu vắng một lực lượng dịch giả?

Lực lượng dịch giả đề cập đến ở đây là những dịch giả dịch ngược, dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, còn dịch xuôi là từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Thực tế thì việc dịch xuôi các tác phẩm văn học tiêu biểu đã và ngày càng phát triển bởi số lượng dịch giả có trình độ ngoại ngữ tốt lại am hiểu văn hóa, lịch sử, hiểu biết rộng các vấn đề của Việt Nam tương đối nhiều và ổn định. Tuy nhiên với dịch ngược thì không đơn giản như vậy, bởi việc chuyển ngữ các tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng nước ngoài là công việc đòi hỏi nhiều công sức và cần sự hợp tác của người nước ngoài ở khâu hiệu đính. Công việc này không chỉ yêu cầu giỏi ngoại ngữ mà còn phải hiểu rất rõ về ngôn ngữ, cách hành văn chuẩn xác như người bản địa.

Trừ một số tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài do sự chủ động của các nhà xuất bản quốc tế hoặc do quan hệ cá nhân, văn học Việt Nam tính đến nay gần như chưa có sự hội nhập, cũng như chưa được bạn bè quốc tế biết đến. Tất nhiên, có nhiều cách lý giải cho thực trạng này song có một thực tế rõ nhất đóng vai trò vô cùng quan trọng đó là chúng ta thiếu lực lượng dịch giả (dịch ngược).

Ai cũng biết thứ tiếng phổ thông nhất là tiếng Anh, rồi tiếp đó là Trung, Pháp… còn tiếng Việt có phần hạn chế hơn. Do đó, nếu không có những ấn phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài thì dù bạn đọc quốc tế có muốn đọc, muốn tìm hiểu văn học Việt Nam cũng đành “buông xuôi”.

Tính đến nay, các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng nước ngoài theo cách chính thống có lẽ chưa đến được 3 con số. Trong số đó nổi bật nhất là “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh được dịch ra 20 thứ tiếng; tiếp đó là “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, một số tác phẩm của nhà văn Lê Lựu, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… những tác phẩm này đến được với bạn bè quốc tế đều nhờ nỗ lực của cá nhân tác giả hoặc sự chủ động của nhà xuất bản quốc tế.

Vài năm gần đây, văn học Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm hơn của cộng đồng. Một lượng dịch giả Việt kiều đang học tập và làm việc xa quê hương đã được hình thành với mong muốn đưa hình ảnh Việt Nam ra biển lớn. Điều may mắn là các dịch giả Việt kiều đã có sẵn trình độ ngoại ngữ tốt, đều là những người yêu thích sách, và cùng chung mong muốn giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam có giá trị đến với bạn bè quốc tế. Nhờ có lực lượng dịch giả này mà nhiều tác phẩm có giá trị đã lần lượt đến với bạn đọc nước ngoài với nhiều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Đức, Ý… Không chỉ có vậy, nhờ mối quan hệ mật thiết của những dịch giả này với các nhà xuất bản nước ngoài, mà những tác phẩm như “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân; “Hà Nội 36 phố phường” của Thạch Lam; “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam đã được dịch và ra mắt tại Pháp, tuyển tập thơ cổ điển từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ thứ 19 của Việt Nam cũng được dịch và xuất bản tại Ba Lan…

Gần đây nhất là sự ra đời của Trung tâm Dịch Văn học thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, trung tâm được thành lập với mục đích quảng bá văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Theo kế hoạch dự kiến, trung tâm sẽ ưu tiên dịch 70% tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài, 30% còn lại để giới thiệu các tác phẩm nước ngoài đến với bạn đọc Việt Nam. Trước mắt, trung tâm sẽ lựa chọn một số tác phẩm nổi bật của văn học Việt Nam sau năm 1975 để dịch và giới thiệu với bạn đọc quốc tế.

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song để văn học Việt Nam thực sự có thể đi ra biển lớn thì cần có một chiến lược dài hơi với lộ trình và kế hoạch cụ thể. Không thể chỉ dựa vào sự ủng hộ, quan hệ của một số cá nhân, hoặc sự may mắn khi tình cờ được nhà xuất bản quốc tế nào đó chú ý, dù rằng lực lượng này cũng rất quan trọng, đã và đang có những đóng góp không nhỏ trong công tác quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, những nỗ lực cá nhân như vậy không thể gồng mình để mang nền văn học Việt ra quốc tế, đó là thực trạng mà đã đến lúc các cơ quan quản lý cần xem xét một cách nghiêm túc.

Nhìn ra quốc tế, công tác xuất bản văn học của các nước phát triển đã cho thấy, ngành xuất bản có khả năng thu về những khoản lợi nhuận đáng kể (nếu không muốn nói là khổng lồ như ngành xuất bản của Anh, Mỹ). Nói ngay trong khu vực, những quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc…xem việc xuất bản sách là một trong những định hướng chiến lược trong sự phát triển của ngành văn hóa quốc gia. Việt Nam với kho tàng văn học đồ sộ và những tác giả tài hoa đã được ghi nhận và đánh giá cao, lại chỉ quanh quẩn trong “ao nhà” chỉ vì thiếu đội ngũ dịch giả là một thực tế đáng tiếc. Với chiến lược phát triển kinh tế xã hội lấy văn hóa là trụ cột, chúng ta cần làm gì để đưa văn hóa Việt Nam nói chung và văn học Việt Nam nói riêng đến với thế giới, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, câu hỏi này xin để mở để cùng độc giả tìm lời giải đáp.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1