Bước chuyển mình mạnh mẽ
Sự thay đổi của nền tảng chính trị-xã hội từ năm 1986 đến nay đã tác động trực tiếp, toàn diện để văn học Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ trên cả hai phương diện là sáng tác và nghiên cứu văn học.
Về mặt sáng tác, theo đánh giá của PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học: “Nét nổi bật của văn học thời kỳ đổi mới là các nhà văn đã cố gắng biểu đạt tinh thần yêu nước và chủ nghĩa nhân văn, quan tâm đến vấn đề nóng bỏng trong đời sống xã hội và tâm lý con người hiện đại. Phần lớn các cây bút đều có ý thức gắn bó sâu sắc với số phận dân tộc và thực tiễn sinh động của công cuộc Đổi mới đất nước, vừa chú ý những đề tài mang tính thời sự, vừa tiếp tục khai thác các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, văn học dân tộc từ nhãn quan nghệ thuật hiện đại”.
|
Quang cảnh Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế”. |
Sự thay đổi thể hiện đầu tiên ở nội dung, từ đề tài có tính sử thi chuyển sang các câu chuyện đời tư thế sự. Đây là quy luật của mọi nền văn học ở những đất nước trải qua chiến tranh ác liệt. Điểm đáng chú ý và cũng phức tạp hơn là sự thay đổi cách biểu đạt trong các tác phẩm văn học. Từ lối viết hiện thực giản đơn, dễ đọc dễ hiểu, văn học Việt Nam đã thâu nạp nhiều kỹ thuật viết văn, nhiều quan niệm văn chương nổi tiếng thế giới như: Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa hậu hiện đại… Các tác phẩm văn chương từ Đổi mới đến nay thực sự đã khẳng định được giá trị khi neo lại trong trí nhớ người đọc như các tác phẩm của Bảo Ninh, Trần Anh Thái, Hồ Anh Thái, Y Ban, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Khắc Trường, Lê Minh Khuê, Dương Hướng, Dương Kiều Minh…
Ở lĩnh vực nghiên cứu văn học, nhiều lý thuyết nghiên cứu đã được giới thiệu và áp dụng một cách rộng rãi như: Chủ nghĩa hình thức, phân tâm học, cấu trúc luận, phê bình nữ quyền, thi pháp học… Mặt tích cực trước tiên của các phương pháp nghiên cứu mới là đã soi rọi được những cái hay, cái đẹp của các tác phẩm văn học thời kỳ Đổi mới mà nếu sử dụng các phương pháp nghiên cứu trước đây thì khó lòng cắt nghĩa. Mặt khác, các phương pháp nghiên cứu mới cũng đã gợi mở cách hiểu mới về tác phẩm cổ điển mà người đọc tưởng chừng đã cạn kiệt ý nghĩa như các công trình nghiên cứu về thơ thiền Lý-Trần, “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm”, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Bà Huyện Thanh Quan…
Nếu so sánh theo nghĩa hơn kém của văn học thời kỳ Đổi mới với văn học thời kỳ 1932-1945 và văn học Cách mạng 1945-1975 là rất khó và cũng không thể so sánh được bởi các giai đoạn văn học có con đường phát triển, mục đích hướng đến khác nhau. Điều quan trọng là văn học Đổi mới thực sự đã có vị trí riêng trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc, tạo nền tảng để văn học Việt Nam đương đại tiếp tục phát triển.
Hội nhập nhưng phải giữ gìn bản sắc
Không cần phải là một nhà nghiên cứu văn học chuyên nghiệp để nhận ra một thực tế không mấy vui vẻ đó là văn học Việt Nam hiện nay ít tác phẩm hay.
Việc văn học nước ngoài được giới thiệu ngày càng nhiều, đa dạng như hiện nay không hẳn là tiêu cực, mà ở một phương diện nào đó có thể xem là tích cực. Sau quá trình học hỏi, các nhà văn Việt Nam sẽ tự chắt lọc những “hạt nhân” hợp lý trong các tác phẩm nước ngoài để sáng tác những tác phẩm phản ánh cuộc sống Việt Nam hiện nay một cách sinh động nhất có thể.
Tuy nhiên, các đại biểu tham gia hội thảo nhấn mạnh việc hội nhập văn học không đơn thuần là thấy cái gì hay của người ta cũng bắt chước ngay. Chẳng hạn, một nhà văn viết bằng tiếng Việt hiển nhiên phải lưu ý sự khác biệt giữa tiếng Việt với các ngoại ngữ khác ở phương diện ngữ pháp, ngữ âm, từ loại… Đó là chưa kể, cuộc sống và bản sắc văn hóa lâu đời của nước ta đã tạo ra những lối sống, cách nghĩ đặc thù đòi hỏi nhà văn phải khám phá, nghệ thuật hóa trong tác phẩm của mình. Nhiều đại biểu tham gia hội thảo nhấn mạnh, con đường hội nhập văn học khu vực và thế giới, đầu tiên phải hiểu rõ mình trước khi học người; phải đi đến tận cùng chiều sâu văn hóa, hiểu được cặn kẽ tâm hồn dân tộc trước đã.
Sự phát triển của một nền văn học thực sự rất khó dự đoán, bởi ngoài sự quy định của thượng tầng kiến trúc, văn học cũng có khi đi theo những con đường hết sức ngẫu nhiên, bất ngờ ngoài quy luật thông thường. Tuy nhiên, với sự định hướng tích cực là chủ động hội nhập trên nền tảng bản sắc văn hóa lâu đời là một hướng đi đúng đắn, là cơ sở để tin tưởng những tài năng lớn, những tác phẩm lớn của văn học Việt Nam sẽ lại xuất hiện.
Bài và ảnh: HÀM ĐAN