Thưa chị Ngọc Lan! Điều gì đã khiến chị đến với con đường văn chương? Nguyên nhân sâu xa để mình đến với văn chương chính là tình yêu cuộc sống, tình yêu con người và có nhiều cảm xúc, suy nghĩ của bản thân cần chia sẻ. Nguyên nhân trực tiếp là sự lựa chọn nghề nghiệp. Giữa tuổi 16 mình cần phải chọn một nghề nghiệp mình yêu thích, phù hợp với bản thân và giúp ích cho đời; mình đã chọn nghề cầm bút. Mình xác định chỉ chuyên tâm một nghề duy nhất ấy. Chọn được nghề nghiệp ấy, thì dù bao nhiêu khó khăn thử thách, bao nhiêu gian khổ, thành bại mình cũng sẽ vượt qua. Chị có nhớ tác phẩm đầu tay được viết ra như thế nào? Mình sáng tác thơ rải rác từ hồi còn rất nhỏ. Nhưng tác phẩm quan trọng đánh dấu bước tiến đầu tiên trên con đường văn chương của mình phải kể đến tiểu thuyết Ánh sao rơi, viết về cuộc đời sinh viên của một cô gái trẻ. Cuốn này viết trong 15 ngày, lúc đó mình vừa học xong lớp 9, mình viết trong cảm xúc mãnh liệt và quyết tâm cao để đạt được thành công như mong đợi. Có lẽ, như người ta thường nói, ông trời không lấy đi của ai tất cả. Ông trời cho chị một chút khiếm khuyết về cơ thể nhưng lại cho chị một sự mạnh mẽ, đầy nghị lực của một tâm hồn đẹp, nhạy cảm. Có bao giờ chị mặc cảm bởi thân phận mình và lấy văn chương là chỗ nương bóng trong những lúc mình khốn khó? Mặc cảm là điều có thật, nhưng khi mình chưa hiểu cuộc sống thôi. Càng đồng hành cùng cuộc sống, cùng văn chương, biết vượt thắng những hoàn cảnh ngặt nghèo, nguy hiểm, thì người ta không còn chút mặc cảm nào nữa. Người ta sẽ sống hoàn toàn bình thường, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhiều người khác không gặp hoàn cảnh ấy. Riêng trong văn chương, ngay từ phút đầu tiên và mãi mãi, người ta không được phép lấy văn chương là nơi để trú ngụ, nương náu. Người đến với văn chương phải có chí hướng, có tài, biết quý trọng văn chương đúng như giá trị mà nó có. Đến với văn chương phải trả cho văn chương những gì cao quý nhất, vượt trội nhất, xứng đáng nhất, trả cho nó những gì dồi dào mà ta có thể đã không vay. Đối với văn chương, là một tình yêu cho đi không hề nhận lại. Vậy thì việc nương bóng văn chương, trú ngụ, dựa dẫm vào nó có ý nghĩa gì. Đừng hạ thấp văn chương và bám víu văn chương, dẫu với bất cứ mục đích gì. Chị có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời viết văn của chị? Có một số kỷ niệm đáng nhớ khi đến với văn chương tôi không bao giờ quên. Đó là ngày đầu tôi giã quả tầm tơi chín làm mực viết; lần in tiểu thuyết đầu tay Ánh sao rơi đạt được thành công và nhận hàng ngàn lá thư trên cả nước; ngày tôi đỗ vào Trường Viết văn Nguyễn Du quyết tâm đi hiến máu nhân đạo; ngày tôi khai thông tiểu thuyết Phu Bòn, dòng văn chương mà tôi thích nhất, và cũng khó khăn nhiều nhất đối với con đường sáng tạo của tôi. Thường thì người ta sẽ chỉ làm thơ hoặc viết văn, chị thì không chỉ văn xuôi, truyện ngắn mà còn viết tiểu thuyết nữa. Trong các sáng tác của mình, chị tâm đắc với tác phẩm nào nhất? Quá trình lựa chọn và dấn thân với nhiều thể loại, cũng là để thử nghiệm bản thân mình và chọn được thể loại phù hợp nhất đối với mình, chính là thể loại chuyển tải thành công về cuộc sống và con người nhất. Tiểu thuyết là thể loại yêu thích mà tôi lựa chọn suốt đời. Tôi thích tiểu thuyết Phu Bòn và tập thơ Mắt đá, bởi vì có lẽ tôi đã thành công ở cả hai thể loại, nơi đó tôi đã đặt ra cho mình quá nhiều thử thách và rất tự nhiên tôi đã vượt qua. Được biết, hiện tại chị sống trong căn nhà 2m2, đó dường như là điều không thể, chị có thể chia sẻ về những khó khăn, gian khổ khi sống và viết ở đây? Tôi sống vất vả, gian khổ hơn nhiều người, trong cuộc sống, làm việc và trong khi cầm bút, điều đó cũng là bình thường. Bây giờ những điều đó đối với tôi không quan trọng nữa. Mỗi con người một số phận, một cuộc sống, ai mà chẳng có khó khăn. Nhưng cái quý giá là họ biết vượt trên những điều kiện sống, để thực hiện được khát vọng, hoài bão, để nhận thức được giá trị và mục đích sống của mình. Sau bao năm gian khổ, trả giá, với sự cổ vũ của mọi người, tôi đã có đủ hành trang để đi trên con đường dài vô tận. Tôi là người hạnh phúc và thành đạt với những gì lòng mình mong muốn. Nó cũng chật chội, thiếu không khí và bất tiện thật, nhưng tôi chấp nhận và khắc phục, tôi cần ở độc lập gần cơ quan vì tôi đi lại rất khó khăn. Tuy nhiên tôi vẫn có đủ không gian để ngủ nghỉ, giải trí và làm việc. Phòng của tôi gọn, đẹp, ngăn nắp và tôi không thấy khó chịu mấy. Người cầm bút như tôi thì dễ thích nghi với hoàn cảnh sống nào, dù khó khăn đến mấy. Điều tôi kiếm tìm trong đời sống là các giá trị tinh thần, phi vật thể và tôi đã tìm được những hành trang cho hành trình gian khổ. Có nhiều nhà văn muốn sống để trải nghiệm cho trang viết? Chị thì sao? Lương cán bộ xuất bản có đủ trả tiền thuê nhà và cuộc sống hàng ngày? Trải nghiệm có thể bằng nhiều cách: quan sát, suy nghĩ, đi thực tế cọ xát với đời sống hoặc thông qua sách vở. Tôi đi lại khó khăn, kinh tế yếu, đối với tuổi đời của một nhà văn, đó là sự thiệt thòi, mất mát lớn. Nhưng điều phải khẳng định là: tôi đã trải nghiệm nhiều như bất cứ một nhà văn nào. Thế giới của tôi phong phú, đầy đủ, nhiều màu sắc và tôi luôn muốn vươn đến những nhận thức mới. Không ngày nào là tôi dừng lại, nhàm chán, bất lực với chính mình. Có lẽ trời cho tôi một đầu óc biết tìm tòi. Tôi hoàn toàn yên tâm với con đường sáng tạo của tôi, chứ không nao núng với điều kiện sống và sức khỏe. Lương công nhân viên chức không đủ đâu bạn ạ, bởi tôi sống có một mình ở thành phố này, trong điều kiện sức khỏe như vậy. Trong cuộc sống ai cũng có khó khăn, tôi thì vất vả hơn một chút cũng là phải lẽ. Chẳng biết bao giờ cuộc sống của tôi mới đổi thay, nhưng tôi luôn hy vọng vào ngày mai hạnh phúc. Cảm ơn chị! Trần Thị Ngọc Lan
Sinh ngày: 12/7/1979, tại Thanh Hóa. Chị tốt nghiệp Khóa VI - Trường Viết văn Nguyễn Du (1999 – 2003), và hiện nay công tác tại Nhà xuất bản Văn học.
* Tác phẩm đã xuất bản: Ánh sao rơi - Tiểu thuyết – 1996; Trăng rằm - Thơ – 1996; Sao nỡ chia đôi - Tiểu thuyết – 1997; Nỗi buồn cho em - Thơ – 1999; Bến đợi - Tập truyện ngắn - 2000; Có vơi niềm đau - Tiểu thuyết – 2001; Mắt đá - Thơ – 2001; Phu Bòn - Tiểu thuyết - 2003; Liên quan gì đến tôi - Thơ - 2005; Mẹ trần gian – Tập truyện ngắn 2008; Gương mặt con người - Tập truyện 2010. * Giải thưởng: Hội Văn nghệ Thanh Hóa (2005); Báo Tuổi trẻ Sống đẹp (1998); Đài Tiếng nói Việt Nam (1998); Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam (1999); Nhà xuất bản Kim Đồng (2001). | Thiên Kim thực hiện
|