Không ngả bút theo đám đông

09:57:00 23/06/2014

Thông qua những tác phẩm của mình, Việt Nga luôn muốn gửi gắm vào đó những giá trị nhân sinh quan, sự chiêm nghiệm sâu sắc. Chị luôn mong muốn được cống hiến, được sáng tạo cho độc giả...

Là một cây viết trẻ, trong tâm tưởng của nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga, chị luôn mong muốn để lại sự lắng đọng trong lòng người đọc mỗi khi khép lại những câu chuyện, những trang viết của mình.


Nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga

Gặp nhà văn Việt Nga trong ngày nắng bỏng rát của mùa Hạ, ban đầu đã nhận thấy ở chị sự giản dị và gần gũi, với nụ cười thân thiện luôn thường trực trên môi. Ngoài viết văn, Việt Nga còn là một người quản lý. Việt Nga phải sắp xếp thời gian một cách khoa học để chu toàn cả việc nhà, việc cơ quan, đồng thời sáng tác không ngừng.

Điều khiến tôi ấn tượng và cảm phục khi bước vào căn phòng làm việc của “cây viết trẻ” Việt Nga là những bằng khen, giải thưởng cao quý chị đã tham gia và giành được ở nhiều cuộc thi sáng tác văn chương.

Những cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực được đặt ngay ngắn trên bàn làm việc và giá sách. Chiếc máy tính luôn trong chế độ “sẵn sàng chiến đấu”. Nói về mình, Việt Nga vui vẻ nhắc lại những ký ức tuổi học trò hồn nhiên: “Chị thích đọc ngay từ khi biết chữ và chị thích viết ngay từ hồi học tiểu học”.

Niềm đam mê văn chương của chị được khởi nguồn từ người mẹ yêu dấu. Bởi mẹ chị là một giáo viên dạy văn. Những cuốn sách thuộc nhiều thể loại được Việt Nga say mê đọc từ nhỏ. Tình yêu với văn chương vì thế cứ lớn dần trong chị.
Thế rồi, đến khi lên lớp 9, Việt Nga thử sức với văn chương bằng những trang tiểu thuyết. Khi lớn lên, Việt Nga lại lựa chọn cho mình ngôi trường sư phạm. Mặc dù vậy, chị vẫn thể hiện bản lĩnh văn chương của mình bằng niềm đam mê và yêu thích. Thành công nhất của Việt Nga là ở thể loại truyện ngắn, thơ. Đặc biệt, thơ là một thể loại được chị thường xuyên lựa chọn để thể hiện tác phẩm của mình.

Chị nói: “Sáng tác thơ vì… nhanh. Vì sao à? Vì cảm xúc nó đến bất chợt, thơ giải quyết được ngay. Ngồi họp, ngồi chờ xe cũng có thể viết được. Thậm chí, không cần giấy bút gì, lẩm nhẩm trong đầu vẫn có thể làm được”. Nói rồi Việt Nga đọc cho tôi nghe: “Thời nào cũng có bão giông / Bao nhiêu tai ách trong lòng mà ra / Đừng mong ai cứu được ta / Tự tâm yên ổn ắt là đời yên” (Đối thoại với Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở Yên Tử).

Tôi hỏi: “Chị tâm đắc tác phẩm nào trong số tác phẩm đã sáng tác?”. Việt Nga chẳng cần suy nghĩ, bảo: “Chị chẳng tâm đắc với tác phẩm nào cả!”. Mặc dù vậy, bạn đọc đều biết, ở truyện ngắn Việt Nga thành công với “Ngã ba”, “Bạn bè ơi”, “Hóa giải”, “Đất cũ”, “Hoa cúc tím”…

“Tác phẩm hay phải là một tác phẩm có văn. Phải là những tác phẩm đề cập đến thân phận con người. Đây là vấn đề lớn nhất của văn chương, vấn đề của mọi thời đại”, nhà văn Việt Nga chia sẻ. Có lẽ vì vậy mà nội dung trong những tác phẩm của Việt Nga dù viết ở thể loại nào cũng khiến người đọc có cảm giác gần gũi về những câu chuyện, con người trong thực tế đời thường.

Cũng bởi vì vậy, chị đã lựa chọn và bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ “Vấn đề thân phận con người trong tiểu thuyết đô thị miền Nam 1954-1975” vào năm 2010. Thông qua những tác phẩm của mình, Việt Nga luôn muốn gửi gắm vào đó những giá trị nhân sinh quan, sự chiêm nghiệm sâu sắc.

Chị luôn mong muốn được cống hiến, được sáng tạo cho độc giả những tác phẩm mà chị chia sẻ rằng: Viết như để mình giải trí, viết cho chính mình. Chị cũng bảo: “Khi nào mình có cảm xúc và mình thấy cần viết thì mình viết, không phải hướng ngòi bút theo đám đông độc giả”.

Đó là một thái độ cứng rắn và “tôn trọng văn học” của Việt Nga, để nữ văn sĩ thêm tròn đầy trong ánh nhìn từ độc giả.

Nguyễn Thị Việt Nga luôn tâm niệm, câu chuyện trong mỗi tác phẩm không nên “đánh đố” người đọc bởi sự logic chắp ghép khó hiểu, mà nó phải gần gũi, giản dị và đời thường. Để từ đó tạo sự kết nối làm độc giả như bắt gặp những nhân vật và câu chuyện mà người viết đang kể giữa cuộc đời này.

“Hễ có thời gian là mình lại ngồi vào bàn viết”, nữ nhà văn tiễn tôi về khi hoàng hôn chuẩn bị ngả vào lòng đêm!

Nguyễn Thị Việt Nga sinh năm 1976, hiện đang là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Hải Dương. Việt Nga đã có 18 đầu sách, gồm 3 cuốn tiểu thuyết (trong đó một tiểu thuyết đã được dựng thành phim truyện 2 tập có tên Phượng Hồng), 5 truyện dài, 1 tập thơ, 3 tập sách dành cho thiếu nhi.

Bên cạnh đó, Nguyễn Thị Việt Nga còn giành được nhiều giải thưởng về văn học, đáng kể có: Giải Nhì và giải Tư “Văn học tuổi 20” các năm 2000 và 2005, Giải Ba cuộc thi sáng tác về đề tài nhà giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc năm 2005 - 2006, Giải B “Vượt lên số phận” năm 2010…

Bài và ảnh Bùi Lương


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1