Từ những bài văn trong trường học Năm 2010, dư luận trong nước xao động về những bài văn vô hồn của học sinh khi viết về những tác phẩm văn học nổi tiếng được giảng dạy. Đỉnh điểm của sự kiện này là việc một học sinh thay vì viết bài phân tích tác phẩm lại viết một bức thư, trong đó cho rằng em không thấy cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học nên không thể viết hay, viết đẹp về tác phẩm đó.
Trước thực tế đó, là một đơn vị chuyên về làm sách truyện tranh cho thiếu nhi, Công ty Phan Thị quyết định thực hiện chuyển thể các tác phẩm danh tác từ nguyên gốc truyện ngắn, vừa, tiểu thuyết… qua thể loại truyện tranh vốn là thể loại sách được giới trẻ ưa thích. Gọi đây là quyết định mạo hiểm vì các danh tác vốn rất quen thuộc với bạn đọc, được xem là những tác phẩm kinh điển nên khi chuyển qua truyện tranh, một loại hình sách vốn hay bị xem nhẹ, đánh giá thấp rất dễ bị nghi ngờ là làm giảm giá trị hay thậm chí là làm sai lệch nội dung của nguyên tác. Và cũng vì hướng đến việc bổ sung kiến thức cho học sinh nên các danh tác được lựa chọn là những tác phẩm đã được đưa vào giảng dạy trong trường học khối THCS và THPT.
| 6 cuốn đầu tiên của bộ sách “Việt Nam danh tác” | Việc chuyển thể đầu tiên dành cho tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Hình ảnh những Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến… được các họa sĩ của Phan Thị (nhóm B.R.O) cố gắng tái hiện giống nhất như miêu tả của nhà văn Nam Cao. Đặc biệt, những trường đoạn tâm lý, hành động của các nhân vật được thể hiện đầy tính chân thật, tạo cho bạn đọc hiệu quả về mặt hình ảnh. Tác phẩm truyện tranh Chí Phèo được bạn đọc đánh giá cao và lần đầu tiên truyện tranh về một tác phẩm văn học kinh điển được bạn đọc trẻ chủ động tìm mua. Tiếp sau thành công đó, Công ty Phan Thị tiếp tục cho ra mắt tác phẩm Tắt đèn (nguyên tác của nhà văn Ngô Tất Tố), Giông tố (Vũ Trọng Phụng), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) với điểm nhấn ở khả năng tái hiện tình cảm của các nhân vật. Riêng tác phẩm Chiếc lược ngà được hoàn tất khi nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn sống, đã được ông đánh giá cao.
Tuy nhiên, bộ truyện tranh cũng gây ra một số vấn đề trong việc phát hành. Các tác phẩm hướng về đối tượng độc giả từ 13 đến 17 tuổi phù hợp với chương trình giảng dạy văn học trong sách giáo khoa, điều này được ghi rõ ở phần bìa sách. Thế nhưng, do thói quen ở trong nước hay xem truyện tranh là dành cho thiếu nhi nên một số bậc phụ huynh đã phản ứng với những cảnh đánh nhau, cưỡng hiếp (Giông tố)… Đây là một trở ngại chung cho việc phát triển truyện tranh trong nước do nhiều bậc phụ huynh chưa có thói quen chọn lọc sách phù hợp cho con em mình. Đến những “nguyên tác” thật sự Ngược lại với cách “làm mới” như trên, bộ sách Việt Nam danh tác của Công ty Nhã Nam lại đi theo con đường tìm về với nguyên tác chuẩn xác nhất của các danh tác. Cũng vì thế, độc giả mà dòng sách này hướng tới là những bạn đọc có yêu cầu cao, muốn tiếp cận những ấn bản hoàn chỉnh nhất của các tác phẩm văn học kinh điển.
6 tác phẩm đầu tiên được chọn để mở đầu bộ sách đều là những tác phẩm được xuất bản trong giai đoạn 1930 - 1940. Trải qua chiều dài lịch sử, các tác phẩm này đã được tái bản rất nhiều lần với nhiều hình thức khác nhau và kết quả là xảy ra tình trạng sai lệch về văn bản. Đơn cử như tác phẩm Số đỏ ban đầu được in dài kỳ trên báo, được 16 kỳ thì đình bản, một thời gian sau lại chuyển sang in sách. Rồi hàng loạt nhà làm sách in lại và mỗi lần như thế, do nhiều nguyên nhân khác nhau các bản in đều có sự sai lệch, từ sai do sắp chữ, mất chữ đến việc thay đổi nội dung như cắt bỏ một số đoạn… Thậm chí ngay cả tác phẩm gốc in lần đầu tiên cũng không đầy đủ do nhiều nguyên nhân như do kiểm duyệt, biên tập…
Vì thế mục tiêu của Việt Nam danh tác là cố gắng trả các tác phẩm về nguyên tác như khi tác giả sáng tác ra. Điều này đòi hỏi rất nhiều công phu về khâu sưu tầm tài liệu, đối chiếu so sánh… Tất cả nhằm giới thiệu đến bạn đọc những tinh hoa của văn học Việt Nam như đúng những gì mà các nhà văn đã thực hiện. Góp phần làm rõ hơn những giá trị tư tưởng mà các tác giả đã gửi gắm vào tác phẩm, không bị sai lệch do thời gian và các quan điểm chủ quan của những người làm sách sau này.
Cũng vì thế, dù các ấn bản của những danh tác hiện có rất nhiều trên thị trường sách nhưng những tác phẩm trong bộ Việt Nam danh tác vẫn có chỗ đứng riêng, giúp người đọc tiếp cận văn bản hoàn chỉnh, nguyên gốc nhất của tác phẩm cho đến thời điểm hiện nay. Các tác phẩm được lựa chọn đưa vào bộ Việt Nam danh tác là những sáng tác mẫu mực trong thể loại của mình, được đánh giá là thành tựu lớn về nghệ thuật ngôn từ. Đó cũng là những tác phẩm chiếm được tình cảm của nhiều thế hệ người đọc, đi vào đời sống văn học một cách phổ biến và bình dị… 6 tác phẩm được chọn xuất bản lần đầu gồm Việc làng (Ngô Tất Tố), Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Gió đầu mùa và Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam), Vang bóng một thời (Nguyễn Tuân), Miếng ngon Hà Nội (Vũ Bằng). Dự kiến thời gian tới, các đơn vị thực hiện sẽ tiếp tục thực hiện các tác phẩm nổi tiếng khác. | | TƯỜNG VY
|