- Thưa nhà văn Võ Thị Xuân Hà, chị có thể cho biết tác phẩm đầu tay của chị được viết vào thời điểm nào?
- Tôi bắt đầu viết vào năm 28 tuổi, có lẽ là không sớm lắm so với nhiều cây bút khác. Khi mới bắt đầu, tôi rất hào hứng và viết như kiểu cảm xúc lâu ngày bị dồn nén, đến lúc có dịp thì tuôn trào. Nói thật là tôi coi những sáng tác ở thuở ban đầu ấy đều là những tác phẩm đầu tay. Nói một cách trào lộng như câu chuyện mà một người bạn văn của tôi hay kể cho tôi nghe, rằng cậu ấy có rất nhiều mối tình đầu, mối tình đầu lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba… Khi tôi hỏi tại sao cậu ấy lại có cách nghĩ như vậy, thì cậu ấy bảo, tất cả những mối tình đó đều có dư vị ngây thơ, ngơ ngác. Tôi đồng ý với quan điểm đó. Và như thế, tạm kết luận là tôi cũng có rất nhiều tác phẩm đầu tay (cười).
- Nhưng phải có tác phẩm đầu tay lần thứ n nào đó mà chị tâm đắc nhất chứ?
- Tôi luôn trân trọng những gì mình rút ruột rút gan ra để viết, và ít khi tâm đắc hẳn điều gì. Bởi tác phẩm hay nhất luôn là tác phẩm ở phía trước. Thế nhưng, nếu để kể ra một tác phẩm đầu tay, thì tôi còn lưu được truyện ngắn “Bí ẩn một dòng sông”. Truyện ngắn đó tôi viết về một mối tình kết thúc không có hậu giữa một thanh niên xứ Huế và một cô gái Hà Nội. Họ đều là giáo viên, một thành phần rất gắn bó với người dân lao động sau giải phóng ở Huế. Trong tác phẩm đầu tay lần thứ n này, tôi dùng nhân vật “Tôi” để kể lại câu chuyện, vừa để cho có sự khách quan, vừa tạo được không khí trầm lắng, tác giả cũng dùng “tôi”, nhân vật Vịnh cũng dùng “tôi”.
- Và từ ngày đó, có bao giờ chị đọc lại như một sự rút kinh nghiệm cho những sáng tác tiếp theo?
- Tất nhiên là có. Mỗi một tác phẩm do mình viết ra, dẫu chưa ưng ý lắm, nhưng vẫn là những đứa con tinh thần của mình. Và khi đọc lại, bỏ qua những cái còn thô mộc, thì còn là cảm xúc... Tôi đọc lại để tìm cách khơi lại những cảm xúc thuở ban đầu mà sau này, do công việc, do những mối quan tâm khác mà mình có thể cất ở một ngăn nào đó. Những cảm xúc đó, về sau này, khi mình đã chắc tay hơn, sử dụng được nhiều thủ pháp hơn, sẽ giúp sự sáng tạo nhiều chiều kích hơn.
|
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà. |
- Tức là, chị muốn nói đến ý thức của người viết văn chuyên nghiệp?
- Đúng vậy. Tôi không đến với văn chương chỉ bằng sự đam mê, mặc dù tôi tập sáng tác từ rất nhỏ. Lúc ấy, tôi đã sáng tác cả văn cả thơ, rồi gửi cho bác họ tôi là nhà thơ Thanh Tịnh nhưng không thấy ông hồi âm dù chỉ bằng một lời nói. Sau này, tôi đoán chắc ông lo cho tôi, thân gái lại đam mê văn chương nên sẽ lận đận. Tôi trở thành cô giáo dạy Toán cấp hai. Có điều, niềm đam mê văn chương chưa bao giờ ngừng, nên tôi bỏ giảng đường để thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du. Tôi ý thức được rằng, nếu không chuẩn bị cho mình những kiến thức cả trong và ngoài trường, thì chắc chắn khó mà tiến xa được trên con đường văn. Tôi học nhiều trường, và lao vào đời, làm đủ mọi việc để kiếm sống, để có thêm nhiều vốn sống. Rất nhiều sáng tác sau này của tôi đã dựa trên những thực tế mà tôi có được từ những năm tháng lao động thực sự. Chẳng hạn, tập truyện ngắn Café yêu dấu của tôi lấy cảm hứng và cả những gì trải qua trong những năm tôi mở quán café.
- Quay lại với những tác phẩm đầu tay của chị. Hình như ở đó, chị viết nhiều về xứ Huế?
- Tôi may mắn có một miền quê huyền thoại. Dù tôi không được sinh ra lớn lên ở đó. Tôi thậm chí không nói được tiếng Huế. Khi về quê, tôi xa lạ, và đích thực là một cô gái Hà Nội. Nhưng xứ Huế luôn tồn tại trong các tác phẩm của tôi, chứ không chỉ ở những sáng tác đầu tay. Tôi, cũng như các nhà văn khác, luôn có xu hướng biến miền quê mình thành xứ sở thần tiên. Nhưng với tôi, xứ sở thần tiên ấy được nhìn theo nhiều cung bậc, lúc êm đềm, lúc dữ dội, và có lúc xa lạ…
- Là người gắn bó nhiều năm với văn học trẻ và các nhà văn trẻ, chị có lời khuyên nào với các cây bút mới đang đầy nhiệt huyết và đam mê?
- Nói là lời khuyên thì nghe to tát quá, bởi mỗi người có cách đi riêng của mình. Tôi chỉ muốn nói rằng, viết văn là lao động sáng tạo thế giới tinh thần loài người. Có thể có những người bước chân vào viết văn như vào cuộc chơi, thích chơi. Nhưng chơi rồi mới tỉnh ngộ ra cuộc chơi này không đơn giản tí nào mà phải lao vào lao động sáng tạo thật sự. Trong đó, mỗi con chữ giống như một tinh binh mà chúng ta là một thầy phù thủy, chúng ta thả vào trận đồ của chúng ta. Vì vậy không được phép thừa thãi. Viết văn là một sự việc mạo hiểm, đầy cam go, đầy bất trắc, nghiệt ngã nhưng tất cả những mạo hiểm, cam go, bất trắc, nghiệt ngã đó phải trở nên những hạt kim cương lấp lánh, trở nên tài sản vô tận cho chúng ta làm chất liệu sáng tạo. Viết văn là rút lui vào hậu trường để điều khiển những con chữ tinh binh, Vô cùng cần sự kiêu hãnh nhưng cũng vô cùng cần sự khiêm nhường. Viết văn là sự cô độc đến tận cùng của một tay bạo chúa, bởi viết văn không chỉ có sự vui vẻ. Tất cả những cuộc gặp, những mối quan hệ là để chuẩn bị cho viết văn. Cô độc nhưng không được phép đớn hèn. Phải trở thành tay bạo chúa với những con chữ, ta mới thắng được để rồi làm chủ chúng. Nếu không, chúng ta sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào con chữ, và như vậy đồng nghĩa với sự thất bại.
- Chị là một trong số không nhiều các nhà văn năm nào cũng có tác phẩm mới trên mọi thể loại từ truyện ngắn đến tiểu thuyết. Xin hỏi, hiện tại chị đang có tác phẩm dài hơi nào sắp ra mắt?
- Tôi đang viết cuốn tiểu thuyết mang màu sắc liêu trai ở phần đầu có tên “Câu chuyện của Nàng Thê”. Thỉnh thoảng, tôi có đăng một vài trích đoạn lên trang FB để thăm dò ý kiến bạn bè, và nhận được những phản hồi tích cực. Thậm chí, tôi còn có một nick FB có tên Nàng Thê, ở đó tôi thoải mái trao đổi. Tôi viết tiểu thuyết này như một sự đồng cảm với thân phận con người, đặc biệt là phụ nữ. Cao hơn là đưa ra một luận đề cho cõi sống và cõi tâm linh mà con người chưa thể nắm bắt. Nhưng nhân vật phụ nữ của tôi hơi khác, mạnh mẽ đấy nhưng cũng mềm yếu đấy, dữ dội nhưng dịu êm. Và đặc biệt, nhân vật nữ của tôi luôn là một bí ẩn không dễ nắm bắt. Tôi mượn không khí liêu trai để mở đầu cuốn tiểu thuyết, mượn không gian dĩ vãng để nói lên rằng, dù có vật đổi sao dời đến mức nào thì một tâm hồn thánh thiện vẫn cứ là một tâm hồn thánh thiện. Và hình hài mang tâm hồn ấy vẫn luôn đẹp vĩnh hằng…
- Vâng, xin chúc nhà văn sức khỏe và ngày càng có những sáng tác hay hơn nữa