Lão nông nghiện… sách

08:00:00 28/06/2014

Một bà vợ bán thịt, bốn sào ruộng và ba đứa con ăn học, vậy mà ông Phạm Chí Thiện vẫn “đeo bám” cái việc sưu tầm quá ư tốn kém: Sách. Nhà ông có đủ các loại sách từ kim - cổ, đông - tây, ở đủ các lĩnh vực khoa học, hội họa, ngôn ngữ… Lão nông gàn ấy tự trào: “Người ta thì vênh vang vì có nhà lầu, xe hơi. Tôi chỉ là một lão nông nghèo, nhưng tôi vẫn có một niềm tự hào về gia tài khổng lồ của mình - những bộ sách cổ...”.

Với tủ sách vô giá của mình, ông Thiện đã đoạt giải nhất cuộc thi “Tủ sách gia đình”.

Lấy sách để bù cho việc thiếu vắng tình cảm người cha

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có truyền thống hiếu học (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), sách như có sức hút, có ma lực mê hoặc ông từ khi còn nhỏ. Bấy giờ đang tuổi chơi nhưng ông luôn tìm cho mình một nơi yên tĩnh để cặm cụi đọc sách. Ông bảo: “Thời đó còn chiến tranh, sách thì ít, kinh tế cũng khó khăn nên biết ai có cuốn nào hay là tôi tìm cách mượn bằng được”. Gia đình ông là gia đình cách mạng. Mẹ từng là Bí thư Đảng ủy xã, cha và chú ruột đều là liệt sĩ, cha ông là liệt sĩ của Quân khu Tả ngạn, hy sinh năm 1952, khi ông chưa đầy tháng tuổi. Ông tâm sự: “Tôi sinh ra đã vắng bóng cha, đó cũng là khoảng trống tình cảm to lớn không dễ gì bù đắp được. Chính vì thế mà tôi muốn lấy sách để lấp đầy khoảng trống đó, lấy sách để làm thầy dạy tôi nên người thay cho sự dạy dỗ của cha”.

Thích sách từ khi còn nhỏ, nhưng khi ông học lớp 8, việc sưu tập sách mới bắt đầu thực hiện được. Đến năm 1974 về Thủ đô học khoa Văn Trường Tổng hợp (nay là ĐH KHXH&NV), dù cuộc sống khó khăn trăm bề nhưng ông luôn dành dụm, chắt bóp từng đồng, lê la khắp các hiệu sách cũ ở Bờ Hồ, Ô Chợ Dừa, Cầu Giấy… không mua thì đọc nhờ. Việc nhịn ăn, chấp nhận mặc áo rách để dành tiền mua sách là việc quá bình thường đối với ông. Có lần, gặp được cuốn Bách khoa toàn thư bằng tiếng Anh, ông mê quá, đổi ngay chiếc đồng hồ Eska với cái đài cassette Nhật để sở hữu nó.

Tốt nghiệp, trở về quê làm giáo viên dạy Văn, hằng tháng, ông giáo nghèo vẫn dành phần lớn những đồng tiền lương ít ỏi cho sách. Đến năm 1988, ông bỏ luôn nghề giáo để dành trọn thời gian cho sách.

“Ăn” sách, “ngủ” sách

Người ta bảo trên đời này có ba thứ càng cũ càng quý: bạn, rượu và sách. Hình như ông Thiện là người thấu hiểu và sống trọn vẹn nhất với cái thứ quý giá ấy. Ông say sách như người ta say… thuốc phiện. Cũng vì say mà với ông, có được những cuốn sách hay đã là tài tài sản vô giá rồi. Các hiệu sách ở Hà Nội chưa thỏa được “cơn khát sách”, ông vào tận TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… để tìm. Có chuyến ông đi ròng rã cả tháng trời. Đồ đạc trong nhà, nhiều thứ cũng vì sách mà phải ra đi. Ông bảo “con đường đi tìm sách cũng gian nan, vất vả lắm. Sách thì nhiều nhưng tìm được sách hay, sách quý lại là điều vô cùng khó. Mà có phải khi nào sách quý cũng nằm ở hiệu sách đâu”. Cũng có khi người ta không bán mà đổi bằng những cuốn sách họ cần, hoặc cũng có người vì trân quý niềm đam mê của ông mà tặng lại.

Một lần nghe bạn bè mách, ông lên tận Hòa Bình “gạ” mua bằng được bộ Vĩnh Lạc đại điển (bộ sách đồ sộ nhất Trung Quốc gồm 120 cuốn). Khi đó “tôi phải vét toàn bộ tiền trong nhà, bán cả đất, rồi vay mượn tứ tung mới đủ 6 triệu đồng để mua bộ sách. Số tiền ấy bằng cả gia tài của một nhà giàu hồi đó (6 triệu đồng của năm 1980)”.

Ông Thiện bên một góc nhỏ của "Tủ sách gia đình

Căn nhà 60m2 ở thị trấn Kẻ Sặt của ông đâu đâu cũng thấy sách, sách trên các ngăn tủ, trên các sạp, trên cả giường nằm. “Ở giữa này là sách Trung Quốc có tuổi đời trên dưới 100 năm; bên trái này là sách tiếng Pháp, còn bên phải là sách tiếng Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản… Có những cuốn rất hiếm của các họa sĩ lớn trên thế giới như: Leonardo da Vinci, Tề Bạch Thạch… đến Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí… của Việt Nam” – ông Thiện giới thiệu. Những dãy sách cứ san sát, không một hạt bụi, cũng không một mùi ẩm mốc. Sách nhiều lên từng ngày, đã mấy năm nay nhà ông không còn chỗ để sách nữa, ông phải lấy túi nilon bọc cẩn thận từng cuốn rồi bỏ vào hòm sắt đem đi gửi anh em, bạn bè mỗi nhà một ít.

Rất nhiều bậc trí thức, học giả đã tìm đến kho sách của ông Thiện như tìm về kho tri thức. GS Nguyễn Lân Dũng đã cảm thán sau một lần đến thăm ông: “Đúng là một trí thức nông thôn hiếm có, một người ham mê sưu tầm sách và sẵn lòng dùng sách để phục vụ xã hội”.

Những cuốn sách ngay cả Thư viện Quốc gia cũng… phát thèm

Trong kho sách của ông Thiện có rất nhiều cuốn được xếp vào hàng “độc” như: bộ Đại Việt sử ký toàn thư in năm 1697; bộ Từ điển tối cổ: Từ nguyên Trung Quốc (bốn tập sách giấy dó in chữ Hán, biên soạn năm 499 và tái bản năm 1914), gồm trên 2 triệu chữ Hán gốc; bộ Từ điển bách khoa Trung Quốc, một bộ sách cực kỳ quý hiếm, nếu đủ bộ là 120 tập, ngay cả Thư viện Quốc gia cũng chỉ sưu tầm được 40 tập, vậy mà ông Thiện lại đang sở hữu tới 70 tập. Rồi những cuốn có tuổi đời trên ba thế kỷ mà hiện nay có… nằm mơ cũng không dễ gì mua được như Đoạn trường Tân thanh của đại thi hào Nguyễn Du, có giá trị chỉ sau bản khắc in thời vua Tự Đức năm 1866; cuốn Từ điển bách khoa toàn thư hội họa Tây Ban Nha (bằng tiếng Tây Ban Nha, dày 2.000 trang, nặng 50kg). Đặc biệt, ông còn sở hữu trọn bộ Nam Phong tạp chí (60 tập), Đăng cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí, Phụ nữ Tân văn...

“Đại gia” sách là thế, song 5 người trong gia đình ông bấy lâu nay đều trông cả vào bốn sào ruộng và phản thịt lợn ngoài chợ của bà vợ. Ba người con ông đi học đại học đều phải vay tiền theo chính sách của Nhà nước. Nhiều người hỏi bà vợ, ông chồng sở hữu cả một kho sách vô giá như thế, hẳn cũng phải có thu nhập từ đó chứ? Bà bảo trước đây ông cho người ta mượn mang về nhà nên đã bị mất khá nhiều sách quý, bây giờ thì chỉ cho mượn đọc tại chỗ thôi nhưng cũng chẳng bao giờ lấy của ai đồng nào, “lại còn tốn chè nước cho họ nữa ấy chứ”. Hỏi thế bao năm qua, ông có giúp bà được việc gì không? Bà cười: “Ông ấy mê sách như mê cờ bạc. Tôi chịu chả khuyên bảo được, thôi thì cố gắng gồng mình nuôi cả nhà vậy, hy vọng các cháu ra trường rồi đi làm thì sẽ tự trả nợ vay ngân hàng và giúp đỡ đần thêm”. Vợ ông cũng có lúc thở dài ngán ngẩm vì đã quá vất vả và phải vay mượn quá nhiều. Lúc bực thì bà cáu thế, chứ bấy lâu nay bà vẫn rất cảm thông và chia sẻ với niềm say mê của chồng.

Nói về sách, ông Thiện bảo: “Mỗi cuốn sách đều có số phận của nó. Và tôi, một con người, cũng có thân phận như cuốn sách cũ. Tôi thương sách và những cuốn sách cũng đã chia sẻ cùng tôi suốt cả cuộc đời... Có những cuốn sách tôi giữ như đã trở thành máu thịt, bán đi không đành”.

“Mỗi cuốn chứa đựng một nét tinh hoa tri thức, tôi muốn giữ lại để mọi người cùng đọc, cùng hưởng thụ”. Là người thấu hiểu giá trị của sách, ông trăn trở: “Tôi tha thiết mong muốn các nhà nghiên cứu, khoa học, các giáo sư, tiến sĩ, nhà văn hóa... hãy tìm đến tôi, cùng tôi tìm hiểu những bộ sách đang được lưu giữ tại đây, bởi có nhiều cuốn sách, hiện tôi vẫn chưa hiểu được. Để những cuốn sách ấy không còn là những vật vô tri vô giác. Và để chúng ta có thể khai thác được những giá trị lớn lao của nó”.

Tủ sách gia đình của ông Phạm Chí Thiện hiện có gần 30 nghìn cuốn. Với tủ sách này, năm 2010 ông đã đoạt giải nhất cuộc thi “Tủ sách gia đình” lần thứ III do Hội sách TP Hồ Chí Minh tổ chức. Ngoài sách, mấy năm gần đây, ông còn lập thêm bộ sưu tập kỷ vật thời chiến với hơn 3.000 món đồ. Ông bảo, mình sưu tầm không phải vì tiền, cũng không phải để làm cuộc chơi. Ông muốn tập hợp chúng lại thành một bảo tàng, cho nhiều thế hệ sau được biết về 2 cuộc chiến của dân tộc như thế nào thông qua những hiện vật này, như một cách để tưởng nhớ những người đã hy sinh và cống hiến cho độc lập của dân tộc.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1