Người cha của dế mèn đã trở về với đất

20:15:00 06/07/2014

Vẫn biết sinh tử là chuyện của quy luật cuộc đời, chả ai có thể tránh khỏi. Vẫn biết tuổi 94 với ông cũng là một con số lớn rồi, khi mà ông là một trong những cây đại thụ cuối cùng còn sót lại của văn học thời đại 30-45. Vẫn biết sự ra đi của ông cũng không làm thay đổi gì vị trí của ông trong đời sống văn học Việt Nam bao năm qua và thêm bao năm sau nữa. Nhưng sao vẫn rưng rưng khi đọc cái tin về sự ra đi của người cha đẻ của “Dế mèn phiêu lưu ký”, "O chuột”, “Truyện Tây Bắc”, “Vợ chồng A Phủ”… vào trưa ngày 6/7.

Vẫn biết sinh tử là chuyện của quy luật cuộc đời, chả ai có thể tránh khỏi. Vẫn biết tuổi 94 với ông cũng là một con số lớn rồi, khi mà ông là một trong những cây đại thụ cuối cùng còn sót lại của văn học thời đại 30-45. Vẫn biết sự ra đi của ông cũng không làm thay đổi gì vị trí của ông trong đời sống văn học Việt Nam bao năm qua và thêm bao năm sau nữa. Nhưng sao vẫn rưng rưng khi đọc cái tin về sự ra đi của người cha đẻ của “Dế mèn phiêu lưu ký”, "O chuột”, “Truyện Tây Bắc”, “Vợ chồng A Phủ”… vào trưa ngày 6/7.


Nhà văn Tô Hoài.


Tôi còn nhớ những lần đến tận nhà để phỏng vấn, viết bài về ông. Căn nhà cổ trong con phố Đoàn Nhữ Hài thanh vắng. Những buổi sáng khi nắng còn chưa đậm và vẫn chênh chếch ngọn cây, con phố vắng càng vắng và hiền hơn, như một không gian lặng rất khác giữa ồn ào Hà Nội. Căn nhà của ông cũng lặng và tối, trong cái không gian ấy, cứ thấy nó “phù hợp” làm sao với ông- một người Hà Nội gốc, không dễ cởi mở ngay từ đầu và luôn toát ra một tầm trí tuệ khiến người đối diện phải ngưỡng mộ…


Nghe bạn bè bảo, ông có hai căn nhà, cũng nghe ông nói thế. Một căn nhà ở Nghĩa Tân, là nơi ông sống khi khỏe mạnh, vững vàng và muốn dành thời gian cho sáng tác. Còn căn nhà ở Đoàn Nhữ Hài, ông thường chỉ về khi sức khỏe không tốt, bởi nó gần với bệnh viện, lại là nơi cụ bà sống- nên có thể chăm sóc cho ông. Nhưng không hiểu sao, lần nào hẹn ông cũng vẫn là ở Đoàn Nhữ Hài, tới mức, tôi cứ nghĩ, chỉ căn nhà ấy mới chính là nơi phù hợp với “hồn cốt” của cây đại thụ của làng văn Việt Nam ấy…


Nhà văn Tô Hoài, như cảm giác của tôi, không hay cởi mở mà thường giữ phong thái của một người Hà Nội gốc, kín tiếng một chút, điềm đạm và ít vồ vập. Nhớ ông là nhớ tới bộ quần áo lụa, cái đầu to và hói luôn toát ra tầm trí tuệ - nơi chứa biết bao kiến thức về cuộc đời đã được ông phần nào san sẻ ra cho những tác phẩm của mình. Nhớ cái giọng từ tốn, chậm rãi, nhưng nói câu nào là sâu sắc câu ấy, thấm thía câu ấy, khiến người đối diện thường chỉ có thể nghe và ghi, ít cần hỏi thêm hay gặng thêm gì. Chỉ thế thôi, “đề đạt nguyện vọng” với ông, rồi nghe ông nói, ghi lại lời ông, thế là đủ “thỏa mãn” cho một nhà báo, dù là có kỹ tính. Biết làm sao khi ông đã hơn ta biết bao ngày bôn ba cuộc sống, biết làm sao khi ông giống như một cuốn sách, ghi lại tất cả những điều ta cần biết, cần tìm hiểu rồi.


Giới trẻ giờ không chắc nhiều đứa đã đọc “Dế mèn phiêu lưu ký” của ông, nhưng nghe tên thì không thể không nghe, vì đó là một tác phẩm trong chương trình phổ thông phải học. Còn với cái thời chúng tôi, thế hệ 6X, 7X, thì đây vẫn luôn là sách gối đầu giường, phải đọc, phải tự thấy cần phải đọc, rồi ngấu nghiến, rồi thấm, rồi nhớ, rồi biết về Dế mèn, Dế Choắt, về chị Cốc, về cái thời “thanh niên nông nổi”, rồi những ngày bôn ba đối diện với nguy hiểm, để rồi thành người. Cũng cái thời chúng tôi, không ai không đọc “Vợ chồng A Phủ”, không ai không biết Mỵ, không ai không nhớ Thống lý Pá Tra… Đấy, Tô Hoài là thế, ông viết gì là “đóng đinh” tác phẩm của mình với thời gian, là “ghim” nhân vật của mình lên những bức tường văn học, khiến cho người ta không thể không nhớ, không thể không yêu. Cả sau này nữa, những tác phẩm của ông, dù có ý kiến này, ý kiến kia, vẫn có một tầm sâu thăm thẳm của trí tuệ, của hiểu biết, khiến người đọc cứ là bị “tâm phục” từ đầu tới cuối, không thể khác cho được.


Vẫn nhớ Tô Hoài sinh ngày 27/9/1920, với cái tên khai sinh là Nguyễn Sen. Nơi ông sinh là quê nội ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (Hà Nội), trong một gia đình thợ thủ công.Tuy nhiên, nơi ông khôn lớn lại là quê ngoại ở làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Hai vùng quê đã nuôi dưỡng và hun đúc lên cái tài văn chương của ông, có lẽ cũng vì vậy mà bút danh Tô Hoài của ông cũng gắn với hai địa danh: Sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.


Cái bề dầy cuộc sống khiến những tác phẩm của ông luôn ngồn ngộn và luôn làm mê mải người đọc, có lẽ được tích lũy từ những ngày thanh niên, khi ông phải trải qua biết bao nhiêu nghề để kiếm sống: Nào dạy trẻ, bán hàng,làm kế toán hiệu buôn... Và thậm chí nhiều khi là thất nghiệp. Chỉ đến năm 21 tuổi (năm 1941), khi tác phẩm đầu tay của ông ra đời trên mảnh đất Nghĩa Đô - một tác phẩm viết cho thiếu nhi- “Dế mèn phiêu lưu ký”, với cái nhìn xanh tươi về cuộc sống của một chàng trai Hà Thành còn rất trẻ, thì nghề nghiệp của ông mới thực sự “định hình”: Nghề văn, mà cũng là nghiệp văn.


Hai năm sau khi “Dế mèn phiêu lưu ký” ra đời và nổi tiếng, năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng như tác phẩm “Truyện Tây Bắc” (1953). Từ năm 1954 trở đi, Tô Hoài mới có điều kiện tập trung vào sáng tác .


Trong cuộc đời sáng tác của mình, Tô Hoài đã cống hiến cho nền văn học nước nhà hàng trăm tác phẩm đáng quý, thuộc nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác. Nổi bật như“Xóm giếng”, “Nhà nghèo”, “O chuột”, “Núi Cứu quốc”, “Truyện Tây Bắc”, “Mười năm”, “Xuống làng”, “Vỡ tỉnh”, “Tào lường”, “Họ Giàng ở Phìn Sa”, “Miền Tây”,” Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”...

Những tác phẩm đã mang lại cho ông giải nhất tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam 1956 (“Truyện Tây Bắc”), giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội 1970 (tiểu thuyết “Quê nhà”), giải thưởng của Hội Nhà văn Á - Phi năm 1970 (tiểu thuyết “Miền Tây”), giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996) và mới đây nhất là giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) năm 2010.

Khi tôi viết những dòng cuối về ông, cô con gái nhỏ của tôi ghé vào đọc và thảng thốt: “Ông Tô Hoài chết rồi hả mẹ, thương nhỉ”. Tôi còn nhớ, con đã đọc hết tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” của ông, có lúc vừa đọc vừa cười rinh rích đầy thú vị về cách nhân cách hóa. Con gái tôi có thể không hiểu hết được cái ý nghĩa cuộc sống mà ông gửi gắm trong đó, nhưng ít nhất tác phẩm với sự trong veo của văn chương đã khiến con bị thuyết phục. Thế đấy, cái sức mạnh của văn chương Tô Hoài, nó cứ sống mạnh mẽ và bền bỉ như chú dế mèn, trong tâm hồn những người Việt Nam, biết bao nhiêu thế hệ…


Tuyết Anh


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1