Mác Tuyên viết sách “Châu Âu dưới ánh hoàng hôn”

09:47:00 01/07/2014

Sách là nền tảng tri thức của văn hóa đọc, giúp con người nâng cao trí tuệ nhiều lĩnh vực, như Lê-nin nói: “Không có sách thì không có trí thức… Quyển sách “Châu Âu dưới ánh hoàng hôn” của tác giả Mác Tuyên, do Nhà Xuất bản Từ điển Bách Khoa ấn hành năm 2013 – Biên mục trên xuất bản của Thư viện Quốc gia Việt Nam, đã gây nhiều cảm xúc và tôi coi đây là quyển sách cần đọc.

Tôi đã nhiều năm học tập, nghiên cứu ở một số nước Châu Âu, nhưng chưa bao giờ dám nghĩ sẽ viết một quyển sách về Châu Âu. Vì thế tôi thật sự cảm phục Nhà giáo, Nhạc sĩ Mác Tuyên với cuốn sách “Châu Âu dưới ánh hoàng hôn” dày 300 trang, cùng nhiều hình ảnh minh họa sinh động và hấp dẫn, trong đó chứa đựng nhiều thông tin, kiến thức.

Nhạc sĩ Mác Tuyên viết quyển sách này trong thời gian ông bị bệnh tim phải phẫu thuật ở cái tuổi “xưa nay hiếm”. Đây là một tấm gương lao động trí tuệ đáng kính, bởi ngoài viết sách, ông còn sáng tác nhạc và sáng chế đàn Lạc cầm. Có thể nói tên tuổi Nhà giáo, Nhạc sĩ Mác Tuyên gắn liền với công trình khoa học sáng chế Lạc cầm 16. Công trình mất nửa thế kỉ mới hoàn thành, được các nhà khoa học và nhiều nghệ sĩ trong nước và quốc tế đánh giá cao, coi là công trình bác học. Hệ thống Lạc cầm 12 – 13 – 15 được đưa vào Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Lạc cầm 16 được đặt vào vị trí di sản quốc gia.

Thành công của Lạc cầm 16 chứng minh sức sáng tạo vô cùng bền bỉ của một nghệ sĩ cao niên, đầy tâm huyết với nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Sức lao động bền bỉ đó của một người trí thức vì sự nghiệp văn hóa dân tộc. Ông dàn trải tâm hồn thơ, nhạc và khoa học đầy nhiệt tình trong nội dung quyển sách “Châu Âu dưới ánh hoàng hôn” viết theo thể loại tự do, phong cách phóng khoáng, vừa bút kí, vừa hồi ức kết hợp kiến thức văn học sử, cùng thơ và âm nhạc. Tác giả tạo được sự phong phú nhiều phương diện trong một tác phẩm văn học theo thể loại bút kí. Điều đó thể hiện rất rõ trong các buổi tiếp xúc, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật với cộng đồng người Việt tại thành phố Phrăng-phuốc (Cộng hòa Liên bang Đức). Qua những buổi tiếp xúc đó, Mác Tuyên đã thể hiện tâm hồn nghệ sĩ Việt Nam bay bổng dưới trời Tây, theo cường độ, âm giai và tiết tấu của nhiều ca khúc cách mạng: “Hà Nội niềm tin và hi vọng”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Mẹ đào hầm”, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”, v.v… như chuyển thêm nguồn năng lượng Việt Nam cho những Việt kiều sống xa quê hương.

GS Hoàng Chương.

Trong sách, Mác Tuyên miêu tả từng đôi nam nữ Việt kiều giao duyên, cầm mi-crô vừa hát, vừa đưa mắt nhìn lên màn hình ti-vi. Những hình ảnh Hà Nội hiện lên, một thoáng Thăng Long tráng lệ hồn nhân văn Đại Việt, lung linh mặt nước Tây Hồ xao xuyến, rực rỡ đào Nhật Tân hương sắc Thủ đô, Ba Đình vang vọng tiếng Bác Hồ, và kìa Hạ Long kì quan lộng lẫy. Nhiều trang sách, Mác Tuyên đã làm người đọc xúc động khi tả những sinh hoạt của Việt kiều đang sống trên trời Tây mà lòng khôn nguôi hướng về quê cha đất tổ.

Chất liệu văn học sử, thơ ca, âm nhạc hòa trộn với hư cấu, tạo nên sắc màu gợi cảm trong những trang sách của Mác Tuyên có sức dẫn dắt người đọc một cách nhẹ nhàng thú vị.

Mác Tuyên may mắn có hai con trai đang sống và làm ăn thành đạt ở Phrăng-phuốc, một thành phố lớn ở CHLB Đức đã tạo điều kiện cho ông “du khảo” một số nước ở Châu Âu trong ba tháng. Suốt 90 ngày ngao du hết nước Đức, đến nước Pháp, rồi Thụy Sĩ, Ý, Ba Lan… Đến đâu ông cũng quan sát, ghi chép và chụp hình. Ông đặc biệt quan tâm tới những công trình kiến trúc từ cổ đại đến phục hưng và thời đương đại, đồng thời ông cũng để tâm quan sát đời sống văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi nước, ông tìm hiểu sâu về cộng đồng người Việt đang sinh sống ở Châu Âu, và nhận xét: “Người Việt sống ở trời Tây” luôn hướng về quê hương đất nước, nặng lòng thương nhớ quê nhà”. Kiến thức lịch sử của một nhà giáo lâu năm, kết hợp với sự rung cảm của tâm hồn nghệ sĩ, Mác Tuyên đã thu thập khá nhiều tư liệu trong quyển sổ nhật kí để khi trở về nước, ông nhào nặn thành câu chuyện dài kể về thiên nhiên, cảnh vật, con người… ở những nơi ông đã đi qua, đã quan sát và giao tiếp. Với lối kể chuyện rất thật và hồn nhiên nên chuyện nào cũng lôi cuốn người đọc.

Với cách nhìn biện chứng của một nhà giáo sử học đồng thời là tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, Mác Tuyên cho rằng: “Các nước Châu Âu có được sự phát triển phồn thịnh như ngày nay là nhờ họ đã trải qua hàng nghìn năm xây dựng, có thể nói là trong hòa bình, họ lại sớm bước vào cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật và công nghiệp hóa nền kinh tế trong suốt nhiều thế kỉ (từ XVII đến XX), mặt khác, họ cũng được nền văn hóa phục hưng tác động mạnh mẽ vào đời sống xã hội vươn ra khỏi đêm trường trung cổ, mở đường cho con người thụ hưởng nền văn minh sáng lạn – tự do, dân chủ được hé mở. Trong cái nôi ấy, tầng lớp trí thức phần nào được tôn trọng thật sự, họ phấn khích dồn tâm lực, trí tuệ đóng góp cho xã hội, thúc đẩy nền kinh tế phát triển phồn vinh ở Châu Âu.

Nhưng Châu Âu hôm nay dưới con mắt của nhà giáo, nhạc sĩ Mác Tuyên thì, không phải là buổi bình minh mà là buổi hoàng hôn. Có lẽ vì vậy mà ông đặt tên quyển sách của mình là “Châu Âu dưới ánh hoàng hôn”.

GS Hoàng Chương


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1