Thưa ông, trong sự nghiệp sáng tác của ông, tiểu thuyết chiếm số lượng lớn. Chắc hẳn, tác phẩm đầu tay của ông cũng là một cuốn tiểu thuyết?
Nhà thơ Phan Quế: Cội nguồn dẫn người sáng tác đến với tác phẩm, thường là cảm xúc cá nhân. Và tác phẩm đầu tay của tôi là những câu thơ về tuổi học trò, với nhiều mơ mộng, lưu luyến, cùng những bài thơ về mẹ và về quê hương … Đó là những năm đầu 1960, khi tôi đang học cấp 3. Thế nhưng, tác phẩm đầu tiên được xuất bản lại là những bài thơ viết về miền núi, in trên tạp chí Văn nghệ Lạng Sơn, sau đó được in vào tập thơ chung, mang tên “Đường qua kỷ niệm”. Khi đó, tôi đang công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Lạng Sơn, nên cuộc sống và con người xứ Lạng đã trở thành một phần máu thịt của tôi, như quê hương thứ 2 vậy. Sau này, ngoài những bài thơ viết về làng quê, về mẹ, tôi vẫn có một mảng thơ viết về miền núi. Khi về công tác tại Hà Tây, tôi vẫn có những bài thơ về xứ Mường…
Những cảm xúc ban đầu, những tình cảm sâu nặng với mảnh đất mình đã sinh ra, với những nơi từng qua, từng sống, có trở lại với thơ ông?
Nhà thơ Phan Quế: Rời miền núi về đồng bằng công tác, không gian sống mở rộng hơn, cảm xúc lan tỏa ra nhiều mảng khác nhau, nhưng những cảm xúc đầu đời vẫn lắng sâu, dường như không bao giờ có thể phai nhạt. Vì thế, tập thơ đầu tiên của tôi ra đời, mang tên “Trái tim lang thang”, là những cảm xúc sâu lặng về làng quê tôi, về hình ảnh người mẹ tảo tần, chắt chiu, hy sinh một đời cho những đứa con, và cuộc sống ở những nơi tôi từng qua, từng đến…
|
Nhà thơ Phan Quế. |
Cảm xúc thơ tôi luôn bắt nguồn từ dân gian, vì thế, khi viết về đồng bằng, thơ tôi mang âm hưởng của đồng bằng, khi viết về miền núi, những câu từ lại chắt lọc những thanh âm đặc trưng của miền sơn cước. Nhưng dù có ở đâu, viết về cái gì, thì những sáng tác của tôi cũng không ngoài cảm xúc của chính mình, từ những gì mình chứng kiến, từng trải qua. Bởi thế, mỗi tác phẩm của tôi đều có căn cớ, có thể kể lại cho người khác nghe xuất xứ, ví như “anh là người mất mát / Biết chỗ đánh rơi mà chẳng dám đi tìm”, là bài thơ viết về phố Bàng ở Sơn Tây, nơi tôi từng có bao nhiêu kỷ niệm trong ngần và sâu nặng... Chỉ có trải qua, tôi mới viết được. Vì thế, sự da diết, hồn hậu, phảng phất nỗi buồn trong thơ tôi, đều là cảm xúc thật của chính mình…
Tác phẩm mà ông tâm đắc nhất trong cuộc đời sáng tác của mình?
Nhà thơ Phan Quế: Đó là tập thơ riêng đầu tiên “Trái tim lang thang”, gồm 32 bài, gói lại cảm xúc của hàng chục năm làm thơ – những bài thơ về mẹ, về ngôi làng bình dị của tôi.
Sau một hành trình hơn nửa thế kỷ, kể từ sáng tác đầu tay đến nay, ông có cảm thấy, thơ của Phan Quế ngày xưa và Phan Quế hôm nay đã khác biệt, hay vẫn là những âm hưởng mà ông đã có từ tác phẩm đầu đời?
Nhà thơ Phan Quế: Từ tác phẩm đầu tay đến nay là một quãng thời gian rất dài, nhưng những bài thơ của tôi vẫn giữ được vẻ hồn hậu, chân thành, có trước có sau và nhất là, vẫn bắt nguồn từ cảm xúc dân gian, cảm xúc của chính mình. Những yếu tố kỹ thuật trong thơ tôi không nhiều. Bởi tôi muốn thơ văn của mình luôn hồn nhiên như cây mọc từ đất, không có sự lắp ghép, nhưng dĩ nhiên, phải có bàn tay chăm sóc. Có người bảo thơ tôi đằm thắm, người nói thơ tôi cũ, tôi đều lắng nghe. Có chỗ tôi tiếp thu cái mới, để chuyển đổi, nhưng không đột ngột, mà vẫn giữ được giai điệu của chính mình và trân trọng cảm xúc cá nhân.
Cảm xúc là không đổi. Nhưng kỹ thuật trong thơ ông có khác?
Nhà thơ Phan Quế: Xưa, có những câu thơ “sáo”, vì thuần cảm xúc, chưa có ý thức gọt giũa, sử dụng câu từ. Còn nay, những câu thơ đã có cách thể hiện khác với tính tư duy, súc tích, giống như mỗi mùa qua đi, cây trong vườn của mình không để hoang, mà được tưới tắm bằng cách của riêng mình.
Những tập thơ, trường ca của ông được đánh giá cao. Văn xuôi có vẻ như “tay trái”, nhưng lại có số lượng rất nhiều, cả truyện ngắn, tiểu thuyết và bút ký, với khá nhiều về đề tài ANTT, thưa ông?
Nhà thơ Phan Quế: Văn xuôi không phải “làm thêm”, mà cũng là một gánh ở bên vai. Có những xúc cảm, những nỗi niềm mà thơ không tải hết được, thì tôi nhờ văn tải hộ. Những năm tháng công tác trong lực lượng Công an, nên thực tế cuộc sống và chiến đấu của đồng đội là mảnh đất màu mỡ cho tôi khai thác. Nhiều vấn đề mà tôi cảm xúc, biết và muốn được phản ánh cặn kẽ, khúc chiết, phải nhờ đến văn xuôi.
Được biết, dù nghỉ hưu nhưng hiện ông vẫn miệt mài sáng tác?
Nhà thơ Phan Quế: 10 năm qua, kể từ ngày nghỉ hưu, tôi đã có thêm 4 cuốn tiểu thuyết, đều về đề tài ANTT và bình yên cuộc sống: “Ba lần xuống tóc”, “Bao công làng”, “Duyên phận” và “Phúc họa” là cuốn mới nhất do NXB CAND vừa ấn hành và được Bộ Công an chọn làm sách cấp phát trong lực lượng.
Chừng một nửa thế kỷ sáng tác, ông đã tích lũy không ít kinh nghiệm trên cánh đồng chữ nghĩa vô cùng lung linh, nhưng cũng đầy gian nan, nhọc nhằn. Nếu muốn chia sẻ với những người cầm bút thế hệ sau, ông sẽ nói là gì?
Nhà thơ Phan Quế: Gốc của văn học là cảm xúc. Cảm xúc lớn nhất là tình người. Không có tình người sẽ không có tình yêu với văn học. Dĩ nhiên, mỗi người sẽ có cách thể hiện không giống nhau và đó mới là văn học. Trước những tác động bên ngoài, tôi tiếp thu có chọn lọc, trên cái nền của mình. Tôi không phải là người cực đoan, bảo thủ, mà vẫn luôn vận động trong từng câu chữ, lời văn và ý thơ. Được cái gì, cũng giống như của trời cho mà thôi, vì nhiều khi muốn được mà không được. Cả đời làm thơ chỉ hy vọng bạn đọc nhớ được đôi ba câu đã là hạnh phúc.
Một đời cầm bút, nay đã ở tuổi 70, ông thấy mình đọng lại những gì?
Nhà thơ Phan Quế: Biết mình được gì và mất gì. Tôi thấy mình được rất nhiều khi đắm mình trong sáng tác: Những cảm xúc của cá nhân được biến thành chữ nghĩa, thay mặt mình giãi bày cùng mọi người. Còn được đến đâu lại là tùy lượng trời và tùy vào lượng người. Bạn đọc đọc tác phẩm của mình đến đâu, là quí đến đấy. Tôi cũng hài lòng vì tất cả những gì mình viết, đều bắt đầu từ cảm xúc, dù không thể viết hết, do tài năng, nhưng được giải tỏa và giãi bày cảm xúc, là cái được lớn nhất của người sáng tác!
Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ!
Nhà thơ Phan Quế đã được nhận các giải thưởng văn học: Thơ mùa thu tiễn bạn (Tặng thưởng thơ hay Báo Nhân dân, 1979 ) - Ông già ấy (Giải ba cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 1991) - Bồng bột tội đồ (Tặng thưởng cuộc thi truyện vừa Tạp chí Tác phẩm mới, 1998) - Trại giam nơi cuối đất (Bút kí, giải nhất cuộc thi báo chí viết về CAND thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy của Bộ Công an, 1999) - Hoa lá trắng (Giải ba cuộc thi truyện ngắn - Đài Tiếng nói Việt Nam và Ủy ban quốc gia Phòng chống ma túy - 2004 ) - Hóa giải (Giải tư cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ, 2005)… |