Người lưu lại cả thế kỷ bằng văn chương
Hiếm có nhà văn nào sống và viết đều đặn qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử dân tộc như Tô Hoài. Cũng hiếm có ai, ở tất cả các giai đoạn lịch sử đó, đều có những tác phẩm in dấu ấn đậm nét như ông. Tô Hoài ra đi ở tuổi 94, nhưng hình như chưa ai nghĩ ông đã già. Bởi, ấn tượng của bạn đọc về ông vẫn luôn là những sự ngạc nhiên, vẫn là cái nhìn trong trẻo, sau những trải nghiệm sâu sắc mà ông đúc kết thành từng trang sách.
Nhà văn Tô Hoài
Nếu “Dế mèn phiêu lưu ký” viết ở tuổi 18 với cái nhìn trong sáng dưới lăng kính trẻ thơ đã trở thành tác phẩm kinh điển dành cho thiếu nhi, tác phẩm biểu đạt về khát vọng tự do xuất sắc của nhà văn thì “Vợ chồng A Phủ”, chặng sau 1945 vẫn tiếp tục tinh thần ấy. Và sau này, ở giai đoạn đổi mới văn học từ những năm 1990, Tô Hoài lại có đóng góp lớn với bộ ba tác phẩm Cát bụi chân ai, Chiều chiều (Bút ký) và Ba người khác (tiểu thuyết). Ở bộ ba tác phẩm này ông vẫn tiếp tục đề cập đến tư tưởng trong sáng tác của mình. Tự do mà nhà văn Tô Hoài biểu đạt là tự do trong tư tưởng, trong sáng tạo nghệ thuật, là ước vọng “kinh điển” của loài người. Nhà phê bình Văn Giá cho rằng: ‘Hiếm có ai biểu đạt được sự nhất quán tư tưởng trong suốt các tác phẩm của mình, thành công như Tô Hoài”.
Điều đáng nói trong cuộc đời cầm bút của Tô Hoài, theo nhà văn Nguyên Ngọc là ông đã đi qua những giai đoạn văn hóa quan trọng nhất của nền văn học hiện đại và lưu lại được bằng văn chương cả những khúc quanh của lịch sử, những giai đoạn mà chúng ta dễ bị lãng quên.
Ông đã nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng, là những thành viên đầu tiên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, làm chủ tịch Hội NV Hà Nội, giảng dạy cho những cây viết trẻ ở Trường Viết văn Nguyễn Du, nhưng ông cũng từng gắn bó nhiều năm với chức vụ tổ trưởng tổ dân phố. Có thể nhận thấy, nhà văn Tô Hoài có mặt ở tất cả những nơi mà ông có điều kiện quan sát đời sống một cách kỹ lưỡng nhất. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, không có vị trí nào có thể hiểu được đời sống của nhân dân sâu sát bằng vị trí tổ trưởng tổ dân phố. Ông đã sống, viết và sáng tạo bằng chính sự quan sát rất riêng đó. Và dường như sự thấu hiểu đời sống nhân dân là chất liệu để ông có cảm hứng viết Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Chuyện ba người sau này.
Nhìn vào sự đóng góp của ông bằng tác phẩm với nền văn học, nhà phê bình Văn Giá cho rằng, nếu không có tên ông, không có các tác phẩm như Dế mèn phiêu lưu ký, Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Ba người khác, đời sống văn học hiện đại VN sẽ “nhẹ” đi rất nhiều. “Dế mèn phiêu lưu ký, Cát bụi chân an, Chiều chiều, Ba người khác” là bộ tứ làm nên tên tuổi Tô Hoài. Chỉ chừng đó ông có thể trở thành nhà văn lớn của hệ thống văn học VN hiện đại mà không ai có thể thay thế.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Tô Hoài là “Dế Mèn phiêu lưu ký”, tác phẩm đã gắn liền với bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam và được dịch ra gần 40 thứ tiếng trên thế giới. Cuộc phiêu lưu của Dế mèn chính là công cuộc khám phá thiên nhiên của một chàng trai ven đô chính là ông. Nhưng, đằng sau câu chuyện về thiên nhiên kỳ thú đó, nhà văn con gửi gắm những ước vọng lớn hơn, vì thế tác phẩm trở thành sách gối đầu giường của nhiều thế hệ.
Tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký"
Với những đóng góp đó, nhà văn Tô Hoài được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996) cho các tác phẩm: Xóm Giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế Mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ. Năm 2010, nhà văn Tô Hoài cũng được trao Giải thưởng Lớn - Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Khi đã nằm viện, ông còn được chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới thăm hỏi, động viên.
Một đời viết không mệt mỏi
Để có được những tác phẩm “không có đối thủ” và sự nghiệp đồ sộ ấy, Tô Hoài là người để lại ấn tượng sâu sắc với đồng nghiệp, với bạn bè, người thân về sức làm việc cần mẫn trong suốt cuộc đời. Ông chưa một ngày ngừng viết, trừ lúc không thể cầm bút. Cuộc đời của nhà văn Tô Hoài được chính ông ví von giống như cuộc đời của một anh thợ mộc suốt ngày đục đẽo. Mà theo ông, anh thợ mộc đục đẽo có ngày ra được cái bàn, chiếc ghế và thỉnh thoảng sẽ cho ra một sản phẩm mỹ nghệ.
Nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ một kỷ niệm về sự cần mẫn đáng ngạc nhiên của người bạn văn. Đó là một lần hai ông cùng nhau sang Nga tham dự một cuộc tọa đàm về văn chương dành cho các nhà văn nước ngoài do Nga tổ chức. Hôm đó là một buổi tọa đàm cũng không thực sự quan trọng nhưng nhà văn Tô Hoài ngồi bên cạnh ông liên tục ghi chép. Thấy lạ, nhà văn Nguyên Ngọc đặt câu hỏi: “Có gì mà anh ghi chép miệt mài vậy” thì nhận được câu trả lời từ phía nhà văn Tô Hoài: “Không, tôi đang viết tiểu thuyết”. Nghĩa là tác giả Cát bụi chân ai viết ở bất cứ hoàn cảnh nào, địa hình nào.
Những năm gần đây ông vẫn viết báo Tết đều đặn. Thậm chí năm 2012, khi kỷ niệm 70 năm ngày tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” ra đời, nhà văn còn gặp gỡ trò chuyện đầy dí dỏm với người hâm mộ.
Cha đẻ của “Vợ chồng A Phủ” từng chia sẻ, cần mẫn là lương tâm của người cầm bút. Bởi thế, nhìn vào sự nghiệp của người anh trong nghề, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: ‘sách anh viết cao hơn con người anh” anh. Và điều quan trọng nhất nhà văn này làm được là ông đã lưu lại được toàn bộ đời sống xã hội của đất nước mình gần 100 năm ông sống. Hiếm có người viết nào lại có hơn 70 năm tuổi nghề bền bỉ như Tô Hoài. Ông đã dành một đời cho một công việc duy nhất, và ông đã thành công rực rỡ.
Nay ông về thế giới bên kia, nhưng những trang văn của ông các thế hệ tiếp theo vẫn sẽ còn được tìm đọc như nhiều năm đã thế. Bởi đọc Tô Hoài, người ta tìm thấy nhiều hơn một câu chuyện, một trang văn. Bởi lịch sử trong những trang văn của ông là một lịch sử liền mạch, lịch sử của tâm hồn khao khát tự do.
Nhà văn Tô Hoài, tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920, trong một gia đình thợ thủ công ở huyện Thanh Oai, Hà Đông, Hà Nội. Ông lớn lên ở làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Bút danh Tô Hoài của nhà văn gắn liền với hai địa danh nơi ông sinh ra và lớn lên: Sông Tô Lịch và Phủ Hoài Đức. |
Hằng Nga