Tôi được gặp nhà văn Tô Hoài từ năm 1959, trong cuộc họp nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ nhất giữa bối cảnh sau “cuộc biến văn nghệ” Nhân Văn – Giai Phẩm(NV-GP) . Một khu vườn trống vắng. Tên tuổi các nhà văn tiền chiến từng là tác giả gối đầu giường của hơn một thế hệ thanh niên lãng mạn đã biến mất cùng “nền văn hóa thực dân phong kiến”. Những tài năng chớm nở, con đẻ của kháng chiến và cách mạng như Hoàng Cầm, Phùng Quán đang bị đánh tơi tả trong vụ Nhân Văn. Các nhà văn có tên tuổi, kể cả khi đang giữ chức vụ nào đó như Nguyễn Tuân, Nguyên Huy Tưởng thì rụt rè như “gà phải cáo”, dính dáng không ít thì nhiều đến vụ “phản cách mạng” khó hiểu đang bị lên án nặng nề ấy.
Một nhà văn sinh ra là để viết văn, cần mẫn, kiên trì, một con người sống gần trọn một thế kỷ và đã trả được khá nhiều duyên nợ văn chương Nhà thơ Huy Cận, người đồng hương và là bạn học trường canh nông với chú tôi chỉ một người nhỏ thó, có cái nhìn sắc và kiêu ngầm trong dáng khiêm nhường một ông giáo làng: “Đó là nhà văn Tô Hoài, cậu đã đọc Dế Mèn chưa?”. Tôi tò mò thêm về ông và được biết ông cũng vừa phải viết kiểm điểm vì dính không sâu nhưng có quan điểm mơ hồ, mất lập trường v.v. trong vụ (NV-GP). Tóm lại, những ngày đó văn học nghệ thuật không còn thần tượng, giống một khu vườn vắng cây cối và chim muông. Không mấy nhà văn nguyên lành, tất nhiên trừ nhà thơ Tố Hữu và một hai người khác kém nổi tiếng hơn đang ngồi trên lưng ngựa.
Năm 1962, hai năm rưỡi học tại lớp nhà văn trẻ Quảng Bá tôi mới thực sự gần gũi Tô Hoài vì ông là một trong những ông thầy chủ yếu cạnh những tên tuổi tiền chiến khác như Nguyễn công Hoan, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi.
Tô Hoài dạy chúng tôi về chữ nghĩa phải chọn lọc, phải viết ra sao, đi thực tế thế nào cho bổ ích. Ông đọc những gì chúng tôi vừa viết và cho nhận xét rất hóm và độc đáo kiểu Tô Hoài. Chẳng hạn muốn phê bình câu văn một nhà văn nữ trong lớp khi cô ấy viết “ngửi thấy mùi hăng hắc của cỏ cháy”, ông nói cái mùi này chị được T. đã ngửi bằng mắt! Ý nói từ trong tiểu thuyết của người khác hay nước ngoài. Ngay lúc đó Tô Hoài cũng chưa là tên tuổi gì ghê gớm.
Trong một cuộc họp có cả học trò là chúng tôi dự, nhà văn Nguyễn Đình Thi nói: “ Tôi đố từ nay đến cuối đời, anh Tô Hoài viết được cái gì hay hơn “Dế Mèn phiêu lưu ký’” .Tôi thấy Tô Hoài chỉ cười tủm tỉm. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh người bạn cùng lớp còn sống có thể làm chứng chuyện này. Mãi đến năm 1967 tiểu thuyết Miền Tây của ông mới ra và như câu thơ chân dung “Miền Tây sen đã tàn phai”, nó không gây ấn tượng và bị quên khá nhanh cùng với cuốn Mười Năm sau đó.
Một trong những cuốn sách gắn với tên tuổi của ông
Tuy vậy, với chúng tôi ông là nhà văn mẫu của ngôn từ. Ngôn ngữ của ông rất chuẩn và giàu có. Ông nói chuyện ngẫu hứng, ghi lại, biên tập vài chữ là đã có thể in ra được. Tôi đã có lần hỏi và ông cho biết, ông đã in tới 147 cuốn sách, nhiều nhất trong số đó là du ký, cứ đi một nước nào đó về là ông lại có một cuốn sách. Kể ra với cái thời chưa có TV thì cũng có ích ít nhiều.
Tôi nghĩ, Tô Hoài chỉ là Tô Hoài sau các hồi ký Chiều chiều, Cát bụi chân ai và cuốn tiểu thuyết Ba người khác. Chưa toàn bích, tuyệt phẩm nhưng đó là thứ văn chương đích thực. Nó thật, dù bịa cũng như thật và chân thành nên nó là của hiếm. Chưa thật sự là tác phẩm lớn nhưng dù sao ông cũng đã bắt đầu vượt qua hoặc muốn vượt qua cái giới hạn gọi là tầm thường và “giả khượt” (chữ của Nguyên Hồng) vốn khá phổ biến. Đặc biệt là đẳng cấp ngôn ngữ văn xuôi điêu luyện “xuất khẩu thành văn” không mấy người bì kịp của ông. Tôi không quá phục Nguyễn Tuân, ngôn ngữ của ông như nhiều người vì theo tôi văn ông chỉ là thứ văn chương bút ký, nó trực tiếp, thẳng thừng, dễ quên. Nhưng văn Tô Hoài là tiếng nói thực được đánh bóng, trau chuốt bằng ngòi bút của một nghệ sĩ đầy thiên tư, bản năng văn chương dung dị.
Tuy Tô Hoài viết nhiều kỷ lục nhưng tôi nghĩ, chúng ta chỉ thật sự nợ ông Dế Mèn Phiêu Lưu Ký và một vài cuốn sách ông viết với sự can đảm chân thành và có giới hạn. Những cuốn này chiếm số rất ít trong số lượng khủng sách của ông. Nhưng cũng đã quá nhiều với một đời văn. Đó là một nhà văn sinh ra là để viết văn, cần mẫn, kiên trì, một con người sống gần trọn một thế kỷ và đã trả được khá nhiều duyên nợ văn chương trước ngày bước sang một thế giới khác.
Nguyễn Quang Thân
Ảnh: Tư liệu