Cây đại thụ của làng văn đã ra đi

06:00:00 09/07/2014

Nhà văn Tô Hoài là người viết khỏe và viết nhiều thể loại văn chương như: tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác, kịch bản phim... Ông là tác giả của tập truyện “gối đầu giường” với biết bao thế hệ độc giả Việt Nam và thế giới. Ông là cộng tác viên lâu năm của báo Sức khỏe&Đời sống. Nhà văn Tô Hoài đã qua đời sáng ngày 6/7/2014 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi.

Nhà văn Tô Hoài là người viết khỏe và viết nhiều thể loại văn chương như: tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác, kịch bản phim... Ông là tác giả của tập truyện “gối đầu giường” với biết bao thế hệ độc giả Việt Nam và thế giới. Ông là cộng tác viên lâu năm của báo Sức khỏe&Đời sống. Nhà văn Tô Hoài đã qua đời sáng ngày 6/7/2014 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi.

Tuổi thơ và khởi nghiệp

Nhà văn Tô Hoài có tên khai sinh là Nguyễn Sen. Ông sinh ngày 07/9/1920 tại xã Kim An, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ). Nhưng tuổi thơ ông sống ở quê ngoại gắn liền với con sông Tô Lịch ở làng Nghĩa Đô thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ) nên ông lấy bút danh là Tô Hoài. Ông bước lên văn đàn Việt Nam từ cuối những năm 30 của thế kỷ XX, đến nay đã hơn 80 năm cầm bút. Ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt I năm 1996 cho cụm tác phẩm: Dế mèn phiêu lưu ký, Truyện Tây Bắc, Vợ chồng A Phủ, Miền Tây, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ...

Bí thư Thành ủy Hà Nội trao thưởng cho nhà văn Tô Hoài .

Đặc biệt, nhà văn Tô Hoài có biệt tài quan sát tập tính các loài vật hơn bất cứ nhà văn Việt nào từ trước tới nay. Ông mô tả loài chuột gồm đủ mặt từ chuột nhắt, chuột cống đến chuột cộc, chuột bạch, chuột xù... Ông viết giản dị đến mức tự nhiên, như là hít thở khí giời, cơm ăn, nước uống. Có lẽ trời đã phú cho ông một bộ óc quan sát tinh tế, một con mắt tinh đời. Từng có người nhận xét nhà văn Tô Hoài là người hóm hỉnh. Tôi nghĩ, như vậy đúng nhưng chưa đủ, mà phải là một nhà văn hóm lẹm. Tính từ lẹm dùng để chỉ sự sắc, nhưng mà sắc ngọt của một vật dụng nào đấy như dao, cuốc, xẻng, rìu, đục, cưa... Về nghĩa bóng, cụm từ hóm lẹm được dùng để chỉ một người vừa có khiếu hài hước, vừa sắc sảo nhưng rất từ tốn, điềm tĩnh như nhà văn Tô Hoài. Ông chỉ cần viết ra những cái ông quan sát thấy như không cần làm văn chương chút nào, không cần hư cấu, thêm mắm thêm muối gì cũng đã là văn rồi, một thứ văn vừa hài hước, sắc sảo và sâu cay nhưng vẫn gần gũi với đời sống thực diễn ra hằng ngày.

Và những trang văn

Ông mô tả về các con vật thì không ai có thể viết hay hơn. Chẳng hạn như chú Dế Mèn, Dế Trũi chơi với nhau như anh em kết nghĩa kiểu Lưu - Quan - Trương trong truyện Tam Quốc của Trung Quốc. Họ sẵn sàng quên mình vì bạn, vì nghĩa lớn. Còn chú Xiến Tóc trầm lặng, nhưng tính tình thì sáng nắng chiều mưa, yêu đời đấy, mà cũng chán đời ngay. Rồi đến chị Cào Cào ồn ào và duyên dáng luôn thích khoe bộ cánh thời trang. Bọ Ngựa kiêu căng, ngạo mạn, lúc nào cũng nhảy tanh tách, đứng ngồi không yên. Cóc huênh hoang ta đây và sẵn sàng hạ gục bất cứ đối thủ nào bằng những mũi tên thuốc độc cất giữ ở da và ở gan nó. Ếch thông thái giả. Chim Chả Non đích thị là một tay công tử bột, chỉ được cái mẽ bên ngoài, còn đầu lại rỗng tuếch, chẳng làm nên tích sự gì...

Dế mèn phiêu lưu ký là tác phẩm gắn với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt Nam.

Đây là chú mèo mướp lừ đừ nghiêm nghị tựa một thầy dòng, trên mình có khoác bộ áo thâm. Hắn có cái cốt cách quý phái và trưởng giả. Lúc nào cũng nghĩ ngợi như sắp mưu toan một việc gì ghê gớm lắm. Còn cậu gà trống ri bé nhỏ sống côi cút một thân, một mình khi còn trẻ nhỏ. Ấy vậy mà lớn lên lại có bộ mặt khinh khỉnh ta đây. Đặc biệt là tính đa tình có tật mê gái, như cái tính chung của loài gà - cả của loài người - khi mới lớn lên. Với hạng gà và người này thì gã sẵn sàng bỏ nhà đi theo gái. Rồi lại bỏ người tình cũ ngay để lần mò đi tìm một vài ái tình khác. Cái anh chàng gà chọi thì ôi thôi nhất sinh chỉ có một nghề đi đánh lẫn nhau cho người ta xem và như lúc nào cũng chỉ ngứa ngáy chân tay. Là một anh hùng hảo hán, nhưng chàng chọi ta chẳng thiết gì đến con cái, trong đầu chỉ đem những ý tình ma chuột, hay thích đi ve gái. Oái oăm là khi gặp một cuộc bể dâu, họ nhà gà chết dần, chết mòn, chàng gà chọi dù anh hùng, lẫm liệt nhưng rồi cũng ngoẻo, chỉ để lại một mình chị mái già, ra lại vào, ngẩn ngơ...

Sự hóm lẹm của nhà văn Tô Hoài không chỉ thể hiện ở việc miêu tả dáng vẻ bên ngoài, tập tính của những con vật đã từng gắn bó với cuộc đời ông từ tuổi ấu thơ như một sự hóm hỉnh ở những người có khiếu hài hước mà còn thể hiện rất rõ ở cách đánh giá, nhận định về con người, sự việc và tác phẩm văn chương của đồng nghiệp.

Quan sát kỹ thấy hầu hết các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài đều có chung một đặc tính nổi trội là viết rất tự nhiên về những cái đời thường mà ông quan sát thấy bằng một lối diễn đạt nôm na và dân dã, đến mức người đọc rất khó nhận biết ông định nói gì nên nhầm tưởng rằng ông không có tư tưởng, chỉ nói tếu táo cho vui. Nhưng nếu xâu chuỗi lại tất cả những điều ông nói thì mới thấy ông giấu tư tưởng vào những chuyện đời thường, khá đơn giản và rất tinh quái. Điều này thể hiện rõ nhất ở Dế mèn phiêu lưu ký, Chiều chiều, Cát bụi chân ai, Ba người khác, Giấc mơ ông thợ dìu...

Chỉ có những người hiểu đời, hiểu người và lọc lõi về văn nghiệp như Tô Hoài mới có thể đưa ra những nhận định sát thực đến như vậy. Tô Hoài có thói quen nhận định về một ai hay một tác phẩm nào đấy mà không cần dẫn chứng. Nhưng người nghe phải tâm phục khẩu phục vì sự tinh tế và sắc sảo của ông.

Đỗ Ngọc Yên

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1