Cuốn tiểu thuyết về những thời khắc vĩnh cửu

19:29:00 10/07/2014

QĐND - Do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan mà tiểu thuyết Mỹ dù bắt nguồn từ truyền thống tiểu thuyết châu Âu nhưng có con đường phát triển riêng. Các nhà nghiên cứu văn học châu Âu thường có ý đánh giá tiểu thuyết Mỹ là kém sâu sắc trong việc xây dựng cấu trúc tác phẩm mà chỉ mạnh ở phân tích tâm lý nhân vật. Nếu nói về mặt bằng chung, ý kiến trên thực khó phủ nhận nhưng ở bất cứ thời điểm nào, văn học Mỹ cũng xuất hiện những tiểu thuyết gia “khổng lồ”, hoàn toàn có thể sánh ngang với sự phức tạp trong hình thức với các cường quốc văn học bên kia bờ Đại Tây Dương. Tiểu thuyết Thời khắc (Lê Đình Chi dịch, NXB Văn học, 2012) của Michael Cunningham (Mai-cơn Cơ-ninh-hem) được xuất bản năm 1998 có thể xem là một ví dụ hoàn hảo khi vừa tiếp nối điểm mạnh của tiểu thuyết Mỹ ở khả năng đi sâu vào từng ý nghĩ thầm kín nhất của con người; đồng thời lại cực kỳ phức tạp trong cách xây dựng nghệ thuật cấu trúc tiểu thuyết.

Nếu chỉ xem xét cách tác giả trình bày câu chuyện với mối quan hệ gia đình, yêu đương thường nhật của các nhân vật, Thời khắc sẽ giống như vô vàn các tiểu thuyết tâm lý vô thưởng vô phạt khác. Tiểu thuyết Thời khắc đơn giản chỉ là ba câu chuyện về cuộc đời ba phụ nữ khác nhau. Nhân vật đầu tiên là nữ văn sĩ nổi tiếng người Anh Viếc-gi-ni-a Gúc-phơ (Virginia Woolf, 1882-1941), Mai-cơn Cơ-ninh-hem đã viết lại quãng thời gian bà ấy viết tiểu thuyết Bà Đô-lô-guây (quãng những năm 1920) ở ngoại ô Luân Đôn cho đến khi tử tự năm 1941. Nhân vật thứ hai là bà Brao-một bà nội trợ sống ở Los Angeles (Mỹ) năm 1951, đang mang bầu đứa con thứ hai, cảm thấy sự bất lực, vụng về trong việc làm chủ gia đình trong khi đọc tiểu thuyết Bà Đô-lô-guây; sau đó, bà bỏ gia đình êm ấm với chồng và đứa con trai đầu Rích-chác để ra đi. Nhân vật thứ ba là Cla-ri-sa Van làm biên tập viên một nhà xuất bản tại New York (Mỹ) cuối thế kỷ XX, có biệt danh là “Bà Đô-lô-guây”, yêu thầm lặng nhà văn mắc bệnh AIDS Rích-chác (con trai của bà Brao).

Ba nhân vật nữ này sống ở ba thời đại và không gian khác nhau, không có mối liên hệ gì với nhau. Mai-cơn Cơ-ninh-hem đã kết nối họ bằng những suy tư từ bản chất giới nữ đầy bí ẩn, đầy nhạy cảm khi vướng phải những mối quan hệ phức tạp mà đôi khi chính họ cũng không thể hiểu được chính mình. Viếc-gi-ni-a Gúc-phơ luôn bị giày vò, bị phân tâm sống giữa hai thế giới hư cấu và đời thực. Bà Brao bị ám ảnh với ý nghĩ hạnh phúc gia đình viên mãn có thể tan vỡ bởi những bất trắc có thể đổ xuống đầu bất cứ lúc nào. Cla-ri-sa Van bị kẹt giữa tình yêu nồng cháy ở quá khứ với lòng thương hại Rích-chác sắp chết vì căn bệnh thế kỷ ở hiện tại. Dùng ngôi kể thứ ba, Mai-cơn Cơ-ninh-hem vừa miêu tả hành động của nhân vật, vừa len lỏi vào trong tâm trí để “phiên dịch” những suy nghĩ của ba người phụ nữ cho độc giả biết.

Mai-cơn Cơ-ninh-hem đã viết từng chương nhỏ về từng nhân vật một, nối tiếp nhau. Với một kết cấu bề mặt lỏng lẻo như vậy, Mai-cơn Cơ-ninh-hem đã cao tay hơn khi sử dụng thủ pháp đồng hiện kết nối ba số phận người phụ nữ khác nhau để có nhiều nét tương đồng. Ông đã khéo léo đan cài những chi tiết để dù các câu chuyện xảy ra ở các thời điểm khác nhau lại giống nhau đến kỳ lạ. Như lời Viếc-gi-ni-a Gúc-phơ nói với chồng trong bức thư tuyệt mệnh: “Em không nghĩ có ai đó hạnh phúc hơn chúng ta”, tương tự như Rích-chác nói với Cla-ri-sa Van trước khi tử tự: “Anh không nghĩ có ai từng hạnh phúc hơn chúng ta”.

Như vậy, Mai-cơn Cơ-ninh-hem tin ở sự quy hồi của các sự kiện, chúng sẽ lặp đi lặp lại mặc cho sự trôi chảy của thời gian. Bởi lẽ, tâm tính con người dù ở thời đại nào đi nữa chẳng bao giờ thay đổi, vẫn đầy phức tạp và bí ẩn; dù cho thế giới kỹ thuật, vật chất phần nào đã làm cho con người trở nên giống nhau. Và Mai-cơn Cơ-ninh-hem hoài nghi cái gọi là "hạnh phúc vĩnh cửu". Chẳng bao giờ có chuyện đó cả, chỉ có những thời khắc hạnh phúc là vĩnh cửu mà thôi!

Thời khắc ngay khi ra đời đã giành nhiều giải thưởng văn học danh giá, mà đỉnh cao là giải Pulitzer năm 1999 cho sách hư cấu. Từ đây, hiển nhiên có thể xem Thời khắc là một trong những tiểu thuyết phi thường mà văn học Mỹ có được vào cuối thế kỷ XX. Ba năm sau cuốn sách ra đời, bộ phim chuyển thể cùng tên đã trở thành một hiện tượng trong làng điện ảnh, với giải Oscar nữ diễn viên chính cho Ni-côn Kít-men thủ vai Viếc-gi-ni-a Gúc-phơ; Giu-li-an Mo và Me-ri Sơ-tríp cũng có hai vai diễn để đời. Sự thành công của bộ phim là vẫn giữ được những chiều sâu tâm lý ba nhân vật nữ trong truyện, đồng thời làm đơn giản hóa sự móc xích tình tiết câu chuyện giúp người xem dễ theo dõi. Vì thế, một lời khuyên của các nhà phê bình dành cho những người thưởng thức là nên xem phim trước khi đọc truyện thì tốt hơn.

TRẦN HOÀNG HOÀNG


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1