Cuốn truyện trinh thám hay nhất thời hậu Xô viết

20:49:00 09/07/2014

TTCT - Người truy nguyên (tạm dịch từ tên nguyên tác) của Margarita Hemlin vừa được bình chọn là cuốn truyện trinh thám hay nhất thời kỳ hậu Xô viết trong dự án đặc biệt ở Nga “Văn chương mới” (NOS), sau một cuộc bình xét đầu tháng 6-2014.

Margarita Hemlin

3 tác phẩm vào chung kết Cô đơn-12 của Arsen Revazov, Những người song sinh của Demian Kudriasev và tập truyện Trên cùng một tốc độ của Oleg Dark đã phải nhường chỗ cho Người truy nguyên của Margarita Hemlin - người được nhận một pho tượng nghệ thuật và tiền thưởng 200.000 rúp (gần 6.000 USD).

“Bách khoa thư về nói ngược và mưu chước"

Margarita Hemlin vẫn giữ trong Người truy nguyên cả nhân vật, cả bối cảnh quen thuộc từ những tác phẩm trước của mình: không gian là thành phố Oster ở tỉnh Chernigov miền bắc Ukraine, thời gian là thập niên đầu tiên sau Thế chiến thứ hai. Sau chiến trường và vùng đất bị giặc chiếm là nỗi đau mất người thân, là khát vọng được sống và yêu trong không khí chiến thắng rồi mọi điều sẽ tốt đẹp...

Nhưng người còn sống phải chứng kiến những tình huống trớ trêu: kẻ sát nhân với nạn nhân ở cùng một dãy phố, người đàn bà - là “mệnh phụ phu nhân” ở địa phương - ôm con trai lên xe đi sơ tán, gạt bỏ ba đứa cháu họ đến nỗi chúng bị chết thảm, mà đứa trẻ trai kỳ thực cũng chẳng phải con cô đẻ ra...

Nhân vật chính Tsupkoy là sĩ quan trinh sát thời chiến rất thông minh, mạnh mẽ, từng hạ gục nhiều đối thủ, lắm huân chương và cũng lắm vết thương, nay về sống trong một làng Do Thái nhiều rắc rối. Đấy là nơi người ta có thể dễ dàng chuyển từ tiếng Nga sang tiếng Ukraine rồi tiếng mẹ đẻ Yiddish, nơi những con người với lối nói nửa nạc nửa mỡ tưởng là trợ thủ hóa ra lại mang đầy thù hằn, ác ý (cho nên tiểu thuyết được coi là “bách khoa thư về nói ngược và mưu chước”).

Song Tsupkoy nắm bắt được khá nhanh tình thế và làm chủ được những sắc thái ngôn ngữ ấy để tìm kế giải thoát mình khỏi cạm bẫy.

Chiến tranh khốc liệt đã vấy bẩn nhiều nhân cách, cảm giác tội lỗi thường giày vò những người có lương tri và muốn sống đàng hoàng, nhưng vì cái chung, cần phải biết quên đi - dẫu đó là việc hoàn toàn quá sức chịu đựng của con người - để mà sống tiếp và tô điểm cuộc sống, như dòng văn học Xô viết sau thế chiến đã làm khá mạch lạc: đâu là trắng, đâu là đen, đâu là cứu tinh, đâu là nạn nhân, đâu là ta, đâu là địch...

Còn như đen mà cũng có phần trắng, cứu tinh cũng có lúc mắc nạn, anh hùng cũng có chút tàn nhẫn thì lại thấy trong cuộc sống và bây giờ - trong tác phẩm của Margarita Hemlin. Người truy nguyên tiếp cận những vấn đề trước đây không tiện nói ra và có ý đề xuất những cách lý giải không theo khuôn thước...

Đa tuyến và phức điệu

Với hai tiểu thuyết trước Klotzvog (một danh tộc Do Thái) và Ngoài rìa của cùng tác giả, Người truy nguyên vừa liên quan lại vừa khác biệt: đây là một tiểu thuyết không đơn tuyến và phức điệu. Tuyến truyện mạch lạc duy nhất trong tác phẩm này là những nỗ lực của Tsupkoy điều tra lại nhằm truy nguyên sự thật một vụ án mạng đã có kết luận của nhà chấp pháp.

Việc làm tự nguyện đó là do lương tâm thôi thúc và khiến Tsupkoy cứ phải bám riết những đối tượng liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vụ án, đến nỗi mất hết - cả sức khỏe, danh vọng, gia đình riêng...

Thuần chất trinh thám và đậm chất văn chương, Người truy nguyên khắc họa rất nhiều số phận nhưng không một nhân vật nào nằm ngoài tầm quan sát của tác giả, tất cả như ở trong một dàn nhạc cất lên bản hòa tấu mang âm hưởng Anh em nhà Karamazov của Dostoyevsky. Hành động, đối thoại và độc thoại của các nhân vật - trước hết, của nhân vật chính Tsupkoy - khá lạ lẫm đối với người đọc, nhưng toàn bộ tiểu thuyết lại được viết bằng phong cách khúc chiết dễ hiểu.

Cuốn tiểu thuyết chặt chẽ và khốc liệt, giọng văn nửa thật nửa đùa, chất liệu hiện thực pha trộn những yếu tố phi lý như cấu chí vào một trong những vết thương sâu kín nhất của thế kỷ 20. Sức lôi cuốn của tác phẩm này dẫn người đọc tới những suy xét theo cách của mình, duy có một điều ai ai cũng thấm thía: bi kịch trong và sau thảm họa chiến tranh dẫu đã lùi xa sáu chục năm trời nhưng vẫn còn nhức nhối trong lòng. Nỗi đau không biến mất.

ĐĂNG BẨY tổng hợp

MARGARITA HEMLIN sinh ngày 6-7-1960, học chuyên ngành thơ Trường Viết văn Gorky (1980-1985), ra trường làm ở phòng quản lý nhà đất, rửa chén cho nhà hàng rồi mới có công việc theo nghề được đào tạo: phóng viên. Chọn đề tài chính là cuộc sống của người Do Thái, đã in tập truyện Dòng người sống động, Thế chiến thứ ba của Vasia Solomonovna, tiểu thuyết Klotzvog, Ngoài rìa Người truy nguyên.

Trước đó, chùm truyện Vĩnh biệt người đàn bà Do Thái được giải thưởng năm 2007 của tạp chí Ngọn Cờ. Từ năm 2012, bà được mời làm giám khảo giải thưởng văn học O. Henry (New York).


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1