(Toquoc)- Trong giới cầm bút, trước đây có lẽ ít người biết nhà văn Khôi Vũ, người đã đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1990 với quyển tiểu thuyết “Lời nguyền 200 năm”, còn có tên thật và là bút danh chuyên viết truyện cho thiếu nhi là Nguyễn Thái Hải.
Ông từng sáng tác truyện Thiếu nhi từ những năm đầu của thập niên 70 thế kỷ trước ở Sài Gòn, cộng tác viên của các sách, tạp chí Tuổi xanh, Thằng Bờm, Tuổi Hoa, Ngàn Thông… Tính đến nay, ông đã có trên 20 đầu sách truyện cho thiếu nhi, và đạt giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tác Văn học thiếu nhi “Vì tương lai” lần thứ nhất do NXB Trẻ và Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức năm 1993 qua tập truyện “Cha con ông mắt Mèo” và giải thưởng cuộc thi “Vì tình bạn tuổi thơ” do NXB Kim Đồng và Quỹ hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam- Đan Mạch tổ chức năm 2006 với truyện ngắn “Hai con diều bay thấp”.
Nguyễn Thái Hải sinh năm 1950, quê quán tỉnh Thái Bình, hiện sinh sống, sáng tác tại Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Truyện thiếu nhi của ông đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc, cho các lứa tuổi từ Nhi đồng đến cấp I, II. Ông đã từng tuyên bố: “Những sáng tác đầu tiên của tôi là viết cho thiếu nhi. Những sáng tác cuối cùng của tôi cũng dành cho tuổi thơ!”. Năm 2011, ông đã thành lập tủ sách cùng “Chương trình trở lại với tuổi thơ” , lưu giữ các tác phẩm viết cho thiếu nhi, hàng năm tổ chức đi đến các trường vùng xa, vùng sâu để tặng sách cho các học sinh nghèo, ham đọc sách, nuôi dưỡng ước mơ cho các em…
Nhà văn Nguyễn Thái Hải tặng sách cho thiếu nhi (Ảnh Internet)
Đọc truyện của Nguyễn Thái Hải, từ những trang viết đồng thoại trong tập “Khu vườn hạnh phúc”, đến những câu chuyện dài đầy những tâm trạng, đau đáu những ước mơ như “Cha con ông mắt mèo”, hay tập truyện ngắn “Hai con diều bay thấp”, người đọc dễ dàng nhận ra lối viết nhẹ nhàng, ngắn gọn và súc tích, hàm chứa phía sau là nụ cười hóm hĩnh và một tấm lòng hồn hậu, yêu thương trẻ… Những truyện ngắn trong chùm truyện “Anh em Tín- Nghĩa” nêu bật tình yêu thương giữa anh em trong một gia đình, dù với những thú vui, chuyến đi riêng rẻ, anh em Tín- Nghĩa vẫn luôn nghĩ và nhớ về nhau: “Tiếc quá! Nếu có em Nghĩa cùng đi…”, và với Nghĩa thì: “Phải chi có anh Tín cùng đi thì mình…”, rất hồn nhiên và cũng rất trẻ thơ, khi kết luận: “Ừ nhỉ! Tại sao ở nhà hai đứa cứ cãi cọ, chọc ghẹo nhau mà không biết nhường nhịn, thương yêu nhau như những lúc đi xa?”. Ở “Hai con diều bay thấp” chúng ta lại nhận ra một hành động đầy nghĩa cử bao dung và vị tha của một cậu bé Hoàng, bị bệnh tim không thể vui đùa chạy nhảy như các bạn, nhưng sẵn sàng gửi gắm niềm vui của mình qua các bạn nghèo hơn mình bằng món quà mua gửi “các bạn chơi dùm”. Và đó cũng là mơ ước, khát khao của cậu bé: “Cứ mỗi buổi chiều về, gió lộng, Hoàng lại ra hành lang khách sạn nhìn ngắm những con diều bay lượn phía bãi biển. Những con diều được làm đủ hình dáng: một con bướm có đôi cánh sặc sỡ, một vành trăng lưỡi liềm, một chú chim bồ câu… Nền trời ngoài biển sẫm dần càng làm nổi bật những con diều xinh đẹp ấy…”. Nhân vật trong truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải là những cô cậu học sinh đủ mọi tầng lớp giàu, nghèo trong xã hội, dễ thương, đáng yêu và cả dễ… ghét, song tất cả đều hồn nhiên, trong sáng, thông minh và có nghĩa khí… Câu chuyện “Vụ án ba trái xoài”… để thấy rằng người lớn đôi khi… không thực tế, nghi oan và đánh đòn trẻ con. Chuyện của ba anh em cu Toe, cu Toét, Tin Tin… bị nghi ăn trộm ba trái xoài ở vườn ông Tám… cu Toe là anh hai, dù bị đòn oan nhưng cố làm ra… dũng cảm, quyết tâm tìm ra thủ phạm để minh oan cho ba đứa. Mất mấy ngày “mật phục”, chúng đã phát hiện ra xoài… tự rụng xuống cái mương nước. Vụ án đã có kết quả, bù lại là lời xin lỗi của ông Tám và “đền bù” cho “thiệt hại” của ba anh em, là phần thưởng ba quả xoài tượng to, ngon và hấp dẫn… Thấp thoáng trong những câu chuyện dù ở nông thôn, thành phố, hay du ngoạn nơi khác, hoặc reo hò dẫn banh trên hè phố chật, chúng ta vẫn thấy đâu đó bóng dáng của “chú bé Hải” thuở nhỏ, lém lỉnh, hóng chuyện và cả biết quan sát, và mơ làm… thủ lĩnh của đám nhóc cùng xóm thông qua hình ảnh cậu bé Trung: “Trung lại thấy mình bay lên khỏi mặt đất. Bay cao hơn hẵn những lần trước đây nó từng cảm thấy. Được xếp loại Giỏi về học tập, được vào Đội, học sinh Lê Thanh Trung hoàn toàn có đủ tự hào để nhận danh hiệu “Thủ lĩnh” mà các bạn công nhận một cách “Tâm phục, khẩu phục””… Và Trung đã tâm sự cùng chú mèo máy Đôrêmon, thần tượng của đám trẻ con: “Hì hì… chẳng cần phép thuật, tao cũng giành được những thành tích đáng nể, đâu có thua kém gì mày, phài không mèo máy?... mà mày có biết tại sao không? Tại vì… hì hì… vì tao là một “thủ lĩnh” đích thực!”.
Tả về những nhân vật nữ… nhóc tì, Nguyễn Thái Hải cũng có những trang văn thật… màu sắc, nhiều hình ảnh: “Những buổi sáng cứ trôi đi. Năm giờ rưỡi. Quả bóng mặt trời đỏ chói từ từ nhô lên khỏi ngọn đồi Ông Thức, sau lưng của chiếc xe ngựa, còn đằng trước mặt ông, có hôm là nền trời xanh xám treo lơ lửng mảnh trăng sắp lặn, có bữa là màn sương mờ đục, lành lạnh…”, đó là cô bé Phương trong “Cô bé giỏi văn”, Nguyễn Thái Hải cũng tỏ ra rất sành tâm lý của đám nhỏ sau… “quỹ và ma”: “Học trò đã bắt đầu ra. Mấy đứa con trai ra trước tiên, lập tức quây quanh chiếc xe bán sữa đậu nành. Mỗi đứa một chai sữa thọc vô chai hai ba cái ống hút mút lấy, mút để, loáng cái đã vơi chai. Đám con gái ra sau không uống sữa trong chai mà mua ly cho rẻ hơn, người bán sữa lui cui đập nước đá, múc đường… Một thằng con trai tinh nghịch, lén nhấc ấm sữa rót thêm vô cái ly của một đứa con gái vừa uống hết. Hai đứa nháy mắt với nhau…”.
Bên cạnh là những trang viết cảm động về gia đình, tình cảm trìu mến của đứa con giành cho cha mình: “Ông Mắt mèo tỉnh lại lúc Út Đen đang giựt tóc mai của ông lần thứ nhì. Ông ngồi bật dậy như người vừa tỉnh một cơn mơ. Tới lúc này, Út Đen mới ôm lấy ba mà mếu máo: “Ba ơi con sợ quá!”. Ông Mắt Mèo ôm Út Đen vào sát ngực. Hai cha con im lặng một lúc. Út Đen áp sát tai ngực ba, nghe tiếng trống ngực ba mà tưởng là ông đang thì thầm với nó…”
Trên 20 tập sách truyện cho thiếu nhi, con số chưa phải là “đồ sộ” nhưng quả là không nhỏ đối với những người tâm huyết với văn chương dành cho Thiếu nhi, Nguyễn Thái Hải là người luôn có duyên với những trang viết cho thiếu nhi, bất chợt nhớ ở trại viết Vũng Tàu, nhà văn với vóc hình khá cao to, ngồi viết bên cái laptop mi ni nhỏ bé, từng trang viết về một cậu bé… cũng tinh nghịch, thông minh, lém lĩnh như mình thuở còn… “ở truồng tắm mưa”, nhà văn tủm tỉm cười, đôi mắt lấp lánh sau tròng kính trắng, có lẽ ông đang nghĩ đến câu danh ngôn của Agatha Chiristie: “Một trong những điều may mắn nhất có thể xảy ra trong cuộc đời bạn là có tuổi thơ hạnh phúc.” Và Nguyễn Thái Hải muốn mang lại cho các em những hạnh phúc tuổi thơ của mình qua những trang văn…
Vàm Cỏ Đông, tháng 7/ 2014
Trần Hoàng Vy