Truyện tranh Việt - Nhiều cơ hội, ít nắm bắt

00:14:00 05/08/2014

Theo cuộc thăm dò do một tờ báo trong nước thực hiện, khoảng 60% giới trẻ hiện nay đọc truyện tranh. Ở một cuộc thăm dò khác do một trường ĐH tổ chức, con số này lên đến hơn 70%. Dù còn nhiều ý kiến về giá trị của truyện tranh trong văn hóa đọc nhưng một điều không thể phủ nhận là truyện tranh vẫn là một trong những loại sách được người trẻ đọc nhiều nhất hiện nay.

Các bạn trẻ đang theo dõi bảng miêu tả quy trình xây dựng hình tượng nhân vật trong một bộ truyện tranh Việt Nam.

Truyện tranh Việt chưa đến 1%

Theo một cựu lãnh đạo NXB Trẻ, chỉ cần khoảng 2 triệu đồng, NXB đã có ngay bản thảo của một cuốn truyện tranh nước ngoài đã hoàn chỉnh, sau đó chỉ cần dịch, in là có thể phát hành ngay. Có lẽ đó là nguyên nhân chính để truyện tranh, một dòng sản phẩm đọc có ảnh hưởng lớn đến bạn đọc trẻ trong nước hiện đang chịu cảnh “nhập siêu” với 99% truyện tranh trên thị trường hiện nay đến từ nước ngoài, truyện tranh Việt chỉ chiếm chưa đầy 1%.

Nguồn truyện tranh trên thị trường Việt hiện nay chủ yếu đến từ Nhật Bản, Trung Quốc (truyện tranh Hồng Công), Hàn Quốc, một số ít từ Âu, Mỹ (dòng Comic). Đây cũng là các quốc gia phát triển mạnh về truyện tranh với nhiều dòng truyện từ truyện cho trẻ em đến cho người lớn, thậm chí cả dòng truyện tranh chuyên biệt đáp ứng bạn đọc đặc thù.

Khi nhập vào Việt Nam, nhiều đơn vị chỉ chạy theo lợi nhuận đã lơ là trong khâu biên tập nên để xảy ra tình trạng nhiều bộ truyện tranh người lớn đã đến tay trẻ em Việt gây nên những dòng ý kiến phê phán, những cái nhìn thiên lệch về truyện tranh hiện nay.

* Sáng 4-8, tại TPHCM đã ra mắt Viện Truyện tranh và phim hoạt hình trực thuộc Hiệp hội Thiết kế mẫu và sáng tạo mỹ thuật Việt Nam. Một trong những hoạt động chính của hiệp hội là công tác đào tạo. Viện sẽ kết nối với các đơn vị, các chuyên gia quốc tế về truyện tranh để các tác giả trong nước nhanh chóng được tiếp cận với các trào lưu sáng tác truyện tranh tiên tiến.

Tuy chiếm chưa đầy 1% nhưng không thể cho rằng truyện tranh Việt Nam thua sút so với truyện tranh ngoại. Thực tế, trong những tác phẩm truyện tranh được yêu thích nhất, truyện tranh Việt cũng có một chỗ đứng đáng kể như bộ Thần đồng Đất Việt với hơn 10 năm tồn tại vẫn đang đều đặn ra những tập mới và được cả bạn đọc lẫn phụ huynh đánh giá cao.

Hay như gần đây, những bộ truyện tranh như Bubu cho thiếu nhi mẫu giáo, tiểu học; Học sinh chân kinh, Việt Nam danh tác cho lứa tuổi trung học; Thần đồng Đất Việt - Hoàng Sa Trường Sa giáo dục về tinh thần yêu nước… được bạn đọc chú ý và đón nhận. Tất cả đều cho thấy truyện tranh Việt dù còn ít về số lượng nhưng luôn có một vị trí không nhỏ trong lòng bạn đọc, đây là một cơ hội để truyện tranh Việt phát triển.

Thế nhưng, theo bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Phan Thị, một trong những đơn vị làm truyện tranh nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay cho biết: “Thị trường luôn khát truyện tranh mang đậm chất Việt, ví như bộ Học sinh chân kinh phản ánh khá sát đời sống trường học trong nước, các em rất mong muốn có nhiều tác phẩm như vậy nhưng chúng tôi lại không thể đáp ứng được”.

Lý do theo bà Mỹ Hạnh, đơn giản là thiếu, thiếu từ họa sĩ đến kịch bản và quan trọng nhất là thiếu sự hiểu biết về làm truyện tranh… Lấy một ví dụ, các tác giả thường không biết phân khúc đối tượng bạn đọc mình cần hướng tới, tác phẩm viết ra cũng chẳng biết sẽ cho ai đọc, thiếu nhi, thiếu niên, người trưởng thành hay thậm chí là nam hay nữ? Một vấn đề nữa là tư tưởng, thông điệp của các tác phẩm không rõ ràng, có đôi khi tư tưởng quá to tát kết quả là tác giả không thể hiện nổi hay lại có người còn không biết nên đưa ra thông điệp gì.

Đòi hỏi đội ngũ chuyên nghiệp

Sáng 4-8, tại Trường TCCN Tôn Đức Thắng đã diễn ra cuộc hội thảo với chủ đề “Ngành học vẽ truyện tranh và làm hoạt hình” giữa các họa sĩ truyện tranh hàng đầu Việt Nam với các sinh viên. Trước câu hỏi “ai muốn làm họa sĩ truyện tranh”, hầu như tất cả những người tham dự đều đứng lên, khẳng định đó là ước mơ lớn nhất của mình. Thế nhưng, với câu hỏi “thế nào để trở thành họa sĩ truyện tranh?”, lại chẳng có ai trả lời được.

Họa sĩ Hoàng Anh Tuấn, thuộc nhóm B.R.O, nhóm thực hiện các bộ truyện tranh nổi tiếng hiện nay như Học sinh chân kinh, Việt Nam danh tác… cho biết: “Không phải cứ vẽ đẹp là có thể trở thành họa sĩ truyện tranh. Bạn còn phải biết cách xây dựng hình tượng nhân vật, thể hiện ý tưởng lên các khung tranh hay xây dựng kịch bản…”. Đặc biệt khâu kịch bản hiện là một trong những khâu yếu nhất của truyện tranh Việt hiện nay khi có rất nhiều bạn trẻ vẽ tốt nhưng lại không biết làm sao để tạo nên một câu truyện hấp dẫn.

Ở Việt Nam hiện nay hầu như không có nơi nào đào tạo họa sĩ, tác giả kịch bản truyện tranh. Nói như đại diện của Trường Cao đẳng Nippon Designer, một trong những lò đào tạo họa sĩ truyện tranh nổi tiếng nhất của Nhật Bản thì không thể có một thị trường truyện tranh phát triển nếu không có nguồn nhân lực chuyên nghiệp.

TƯỜNG VY


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1