GS Phong Lê, chuyên gia hàng đầu lịch sử văn học Việt Nam hiện đại

19:51:00 07/08/2014

QĐND - Chặng đường nghiên cứu khoa học của GS Phong Lê có thể chia thành hai thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất, từ năm 1960 đến đầu những năm 1980 của thế kỷ XX, ông tự nhận là những năm tháng học tập, tìm tòi, thể nghiệm. Thời kỳ thứ hai, từ sau năm 1980, là sự mở rộng và đi sâu dần vào đối tượng nghiên cứu; đặc biệt, thời điểm sau Đổi mới được Phong Lê xem là mốc quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp.

Nhìn chung, các công trình của Phong Lê tập trung theo hai hướng: Thứ nhất, khảo sát các hoạt động, các vấn đề, các dòng chảy văn học để tìm hiểu sự vận động, tìm kiếm quy luật phát triển của văn học. Tiêu biểu cho khuynh hướng này có các tác phẩm: “Mấy vấn đề Việt Nam 1945-1970” (1972), “Văn xuôi Việt Nam trên con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa” (1980), “Văn học và công cuộc đổi mới” (1994), “Văn học trên hành trình của thế kỷ XX” (1997)... Thứ hai, nhìn nhận lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX gắn với các gương mặt tác gia tiêu biểu cho mỗi khu vực, mỗi thời kỳ, thể hiện qua các công trình: “Văn và người” (1976); “Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn học Việt Nam hiện đại” (1986); “Nam Cao-Phác thảo sự nghiệp và chân dung” (1997); “Một số gương mặt văn chương học thuật Việt Nam hiện đại” (2001); “Văn học Việt Nam hiện đại-những chân dung tiêu biểu” (2001)... Lựa chọn những nhân vật có vị trí quan trọng trên văn đàn nước nhà, GS Phong Lê đã qua họ để làm sống dậy bức tranh đa sắc của văn học Việt Nam thế kỷ XX.

Ngay từ những chuyên luận đầu tiên, GS Phong Lê đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề xây dựng lịch sử văn học với tư cách một bộ môn khoa học. Điều này được khẳng định rõ hơn trong “Văn học Việt Nam hiện đại-lịch sử và lý luận”. Công trình này tập hợp từ 7 cuốn sách của Phong Lê xuất bản trong thời gian từ năm 1980 đến năm 1997. Cuốn sách nhìn từ góc độ lý luận, tác giả đã trình bày một số vấn đề đặt ra trong phương hướng xây dựng một nền văn xuôi Việt Nam hiện thực xã hội chủ nghĩa vốn đã là một hiện thực rộng lớn, phong phú trong sự phát triển chung của văn học cách mạng. Xuyên suốt công trình, sự phát triển của văn học Việt Nam luôn được nhìn nhận trong mối quan hệ tác động của lịch sử, sự phát triển đời sống xã hội, cũng như những ảnh hưởng từ các mối giao lưu văn học phương Đông và phương Tây, để lý giải cho những chuyển động lớn, mang tính quyết định của văn hóa-văn học đất nước.

Có thể nói, đây là công trình bao quát được diện mạo của văn học Việt Nam thế kỷ XX trên cả hai bình diện lý luận và thực tiễn, đồng thời cũng phản ánh được những bước chuyển giữa hai chặng đường nghiên cứu của Phong Lê, trong đó có một số vấn đề được tác giả nhìn nhận lại hoặc làm sâu sắc thêm như: Vị trí của chủ nghĩa hiện thực và vấn đề chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa...

Bên cạnh những công trình mang tính đánh giá, tổng kết về các vấn đề của lịch sử văn học, Phong Lê dành nhiều tâm sức cho việc nghiên cứu, giới thiệu các gương mặt có đóng góp cho quá trình hiện đại hóa văn học. Công trình đầu tiên khai mở cho hướng đi này là: “Văn và người” (1976). Đến năm 2001, cuốn “Văn học Việt Nam hiện đại-những chân dung tiêu biểu” được xuất bản. Trong công trình này, hai tác giả là Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà văn, liệt sĩ Nam Cao lần lượt được chọn đưa vào phần mở đầu và phần kết thúc, tiêu biểu cho hai thành tựu lớn của văn học Việt Nam thế kỷ XX: Cách mạng hóa và hiện đại hóa.

Tiếp tục dòng chảy nêu trên, năm 2006, Phong Lê cho ra mắt một trong những tập chân dung và tiểu luận tiêu biểu nhất của ông: “Người trong văn”. Tập tiểu luận này giới thiệu hơn 30 gương mặt văn nghệ sĩ và trí thức Việt Nam hiện đại như: Nam Cao, Ngô Tất Tố, Thạch Lam, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Vũ Đức Phúc, Cao Huy Đỉnh... Tác giả tỏ ra rất linh hoạt trong việc sử dụng ngòi bút khắc họa chân dung văn học. Với mỗi nhân vật, ông lựa chọn một cách khai thác riêng, có khi chỉ vài nét phác họa, có khi là những cảm nhận, suy ngẫm cá nhân… song đều nhằm đi đến cùng phong cách nhà văn để thấy con người của đời và con người của văn trong văn chương của họ; thấy dấu ấn nhân quần, bản tính dân tộc và cá tính con người trong người cầm bút.

Một trong những gương mặt nhà phê bình văn học mà Phong Lê dành nhiều tâm huyết nhất và phục dựng lại hình ảnh một cách ấn tượng nhất là nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Từ chân dung của Hoài Thanh dưới cái nhìn của Phong Lê, người đọc có thể hình dung được cả một thời đại văn chương. Ông nhìn thấy ở Hoài Thanh phông văn hóa rộng lớn, tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, khả năng tổng quát, nắm bắt đời sống tinh nhạy. Điều đáng nói ở đây, Phong Lê viết về Hoài Thanh không chỉ bằng cảm quan khoa học mà còn bằng sự thấu hiểu của một hậu sinh dành cho bậc tiền bối.

Theo đuổi sự nghiệp văn học, Phong Lê luôn có trách nhiệm đối với vấn đề mình đặt ra, nghĩa là không ngừng bổ sung, hoàn thiện các vấn đề đó. Sự kết hợp giữa tư duy khoa học và mẫn cảm thẩm mỹ, đã tạo nên nét đặc sắc riêng không thể trộn lẫn trong văn phong phê bình của ông. Ngoài tuổi 70, GS Phong Lê vẫn miệt mài với công việc khoa học, với mong muốn để lại cho các thế hệ sau những tư liệu có giá trị của cả một thời kỳ văn học.

GS Phong Lê tên thật là Lê Phong Sừ, sinh ngày 10-11-1938 ở Sơn Trà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1959, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông về công tác tại Viện Văn học. Ông từng giữ chức Viện trưởng Viện Văn học (1988-1995) kiêm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học và tham gia các hội đồng khoa học uy tín. GS Phong Lê đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2005.

SƠN KHÊ


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1