Vượt lên từ gian khó
Ngồi trong căn biệt thự khang trang cùng người mẹ thân yêu đã ngoài tám mươi và người vợ hiền, ông Tuyến rưng rưng kể cho chúng tôi nghe về một thời lam lũ. Bố ông không may mất sớm khi ông chỉ là cậu bé chưa đầy mười tuổi. Hoàn cảnh gia đình vốn nghèo lại thêm lắm nỗi gieo neo. Người dân ở Trực Hùng đến nay vẫn nhớ và khâm phục nghị lực vượt khó của hai mẹ con ông khi lầm lũi ngày đêm trầm mình dưới dòng sông Đáy lạnh ngắt để kiếm cái tôm cái tép qua ngày.
Đến khi Hợp tác xã Trực Hùng thành lập với phong trào khai hoang phục hóa, cậu thanh niên Lâm Văn Tuyến ghi tên vào đội cày hợp tác. Cứ thế ngày trên ruộng, đêm lại dưới sông. "Hồi đó cỏ lau cỏ lác mọc khắp nơi, chen nhau vượt mặt người nên mới có tên Lác Môn, Lác Lý, Lác Phường. Sau này đời sống khấm khá người dân mới đổi tên làng thành Tân Lý, Tân Phường đấy chứ". Đang rủ rỉ chuyện làng xưa, ông Tuyến chuyển qua chuyện đi cày cho Hợp tác xã với những nỗi ám ảnh khó quên: Anh không thể tưởng tượng được đâu, mỗi sá cày của tôi vấp phải nhiều mộ vô chủ lắm, có khi bật cả nắp tiểu, nắp ván lên ấy chứ. Rồi ông giải thích thêm: Chẳng là, thời đó ai qua đời là dân làng cứ tiện đâu chôn đó, chẳng có quy hoạch gì cả. Rồi sau lại phải buổi loạn lạc, túng bấn người ta kéo đi khỏi làng, thế là những ngôi mộ dần trở thành mồ côi, mất nấm. Mỗi lần vấp phải mộ vô chủ như thế, tôi lại đưa vào khu nghĩa địa của thôn đắp điếm. Mới đầu cũng đắp điếm cẩn thận, sau tìm được nhiều quá, một mình làm không xuể chỉ chôn qua loa được thôi. Nhưng cũng vì thế mà trong lòng cứ canh cánh đến giờ.
Sau này hợp tác xã giải tán, không làm thợ cày nữa, phải đi làm rất nhiều việc để mưu sinh, nhưng ông Tuyến vẫn không thể quên những hài cốt đáng thương mà ông từng gặp. Trong ông luôn tự dằn vặt, canh cánh với câu hỏi: Họ là ai, con cháu nơi đâu mà để hương lạnh khói tàn như vậy.
Sau khi chàng thợ cày Lâm Văn Tuyến lấy vợ rồi lần lượt ba người con ra đời, gia cảnh bần hàn càng thử thách ý chí người đàn ông vùng lau lác này. Tuyến bươn trải khắp nơi, gom nhặt bao tải rách, bao tải cũ về sơ chế rồi bán lại kiếm lời. Vợ ông là bà Dịu vốn người làng biển miền trung nhận thấy người đi biển rất cần những sợi thừng chão chắc khỏe nên ông bà mày mò học hỏi cách bện thừng làm chão từ sợi ni-lông được gỡ ra từ vỏ bao tải cũ. Vốn ham học hỏi, vợ chồng ông mua sắm máy móc rồi về nhà thành lập công ty chuyên sản xuất các loại dây chịu tải từ sợi ni-lông, chẳng mấy chốc thứ hàng độc đáo khi ấy đã đem lại nhiều thu nhập cho gia đình.
Đang lúc làm ăn khấm khá, thì ông bàn với vợ "thôi mình nghỉ đi, chúng ta sẽ làm từ thiện, đó mới là mục đích sống của tôi và cũng là để phúc để đức cho con cháu".
"Nghĩa trang mồ côi"
Ba người con của vợ chồng ông cũng kiên trì làm ăn, nay đều đã phương trưởng, khá giả. Nhà đã có bát ăn bát để, ông liền nghĩ đến chuyện cần phải làm một điều gì đó tốt đẹp để trả ơn đời. Vậy là nỗi trăn trở từ thuở ấu thơ về những nấm mồ "mồ côi" lại thôi thúc ông phải làm gì đó cho những linh hồn bất hạnh. Ông chia sẻ tâm nguyện với người thân, thật may mắn, không một lời phàn nàn, vợ con đều ủng hộ ông.
Đầu tiên, ông chỉ muốn quy tập những nấm mồ vô chủ ở làng, dần dà nhiều người khi phát hiện hài cốt vô thừa nhận ở đâu đó đã đến báo cho ông. Tuy được người thân ủng hộ là một may mắn lớn với ông, song còn miệng thế, nhiều người không hiểu ngọn ngành, ác khẩu cho rằng ông bị điên, hoặc có người cho là ông đi tìm của.
Thế rồi, sau khi nghe trình bày nguyện vọng và cách làm nghiêm túc, bài bản về một "nghĩa trang mồ côi" mang ý nghĩa thiện nguyện, UBND xã Trực Hùng sẵn sàng cấp đất trong diện quy hoạch nghĩa trang và giao cho ông Tuyến chịu trách nhiệm xây dựng và quy tập mộ. Khu nghĩa trang đầu tiên được xây dựng năm 2008, chỉ hơn một năm sau đã đầy chật gần một nghìn ngôi mộ. Ông Tuyến lại xin tiếp một khu đất bên cạnh mở rộng thêm một khu nghĩa trang thứ hai. Đến nay cả hai khu đã quy tập được gần hai nghìn mộ.
Những ngày tháng bảy, chúng tôi đến thăm khu "nghĩa trang mồ côi" của gia đình ông Lâm Văn Tuyến, tận mắt chứng kiến quy mô bề thế, có đài tưởng niệm chung, có bờ tường rào kiên cố chung quanh, những dãy mộ thẳng hàng thẳng lối, đều tăm tắp, có đường bê-tông sạch sẽ dẫn đến từng ngôi mộ mà thấy lòng ấm lại. Tận mắt chứng kiến những gì ông và gia đình đã làm gần chục năm qua vì những thân phận bất hạnh, bất hạnh cả khi đã không còn trên cõi đời này nữa - chúng tôi càng thấm thía nghĩa cử cao đẹp ấy.
Từ hồi khu nghĩa trang đặc biệt này hình thành, đã có không ít người trước kia đi làm ăn xa, thất lạc mồ mả ông bà tổ tiên tìm gặp ông Tuyến và tìm thấy hài cốt của những người thân thích, đi lại khói nhang và coi ông Tuyến như người ruột thịt, như ân nhân.
Không dừng lại ở việc xây dựng "nghĩa trang mồ côi", vợ chồng ông như mối duyên nợ với công việc thiện nguyện đã không thể đành lòng quay lưng trước những thân phận của người đời. Trong khi hai vợ chồng lặn lội đi tìm mộ lại gặp phải những hoàn cảnh éo le của người đang sống. Ông bà lập danh sách những hoàn cảnh khó khăn nhất, rồi tìm đến tận nơi tặng tiền, tặng gạo.
Việc làm của ông Tuyến và gia đình không chỉ sưởi ấm những linh hồn mồ côi nay được mồ yên mả đẹp, mà còn nhen lên ngọn lửa hướng thiện trong lòng mỗi người. Cùng với đó, "nghĩa trang mồ côi" đã góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, là mô hình đáng được học tập, nhân rộng ở nhiều vùng quê.