Năm nay 37 tuổi, Mirzakhani là người Mỹ gốc Iran và đã hoàn thành chương trình nghiên cứu Tiến sĩ tại Đại học Harvard vào năm 2004. Cô quan tâm nghiên cứu nhiều vấn đề, gồm lý thuyết Teichmüller, hình học hyperbolic, lý thuyết ergod và hình học ngẫu đối. Cô hiện giữ vị trí giáo sư toán ở Đại học Stanford và lĩnh vực nghiên cứu chính là tính toán cấu trúc hình học của các bề mặt và sự biến dạng. Nhân sự kiện Mirzakhani giành giải Field, tờ Guardian đã đăng tải một cuộc phỏng vấn cô từng thực hiện với Viện toán học Clay và Đại học Oxford, do cô từ chối trả lời báo chí.
* Những ký ức xa xôi nhất của cô về toán học là gì?
- Khi còn là một đứa trẻ, tôi mơ thành một nhà văn. Lúc rảnh rỗi, tôi thích đọc tiểu thuyết. Thành thực thì tôi đọc mọi thứ mình có thể tìm thấy. Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ theo đuổi toán học cho tới năm cuối trung học.
Anh trai là người đầu tiên khiến tôi quan tâm tới khoa học tự nhiên. Anh thường kể cho tôi biết đã học gì ở trường. Ký ức đầu tiên của tôi về toán học có lẽ là khi anh nói về bài toán đố yêu cầu cộng lần lượt từ 1 tới 100. Tôi nhớ rằng anh trai đã đọc ở một tạp chí khoa học thường thức về việc Gauss đã giải bài toán này ra sao. Lời giải đã khiến tôi rất hứng thú. Đó là lần đầu tiên tôi rất thích trước một lời giải toán thú vị, dù tôi không tìm ra nó.
Giáo sư Mirzakhani (phải) nhận giải Field từ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye do Đại hội toán học quốc tế đang diễn ra ở nước này
* Trải nghiệm nào và những con người nào đã ảnh hưởng mạnh với việc học toán của cô?
- Tôi là người may mắn trên nhiều phương diện. Chiến tranh Iran - Iraq kết thúc khi tôi kết thúc giáo dục tiểu học. Tôi sẽ không có nhiều cơ hội nếu sinh sớm hơn 10 năm. Tôi được theo học một trường trung học cơ sở tuyệt vời ở Tehran là Farzanegan và được các giáo viên giỏi dạy dỗ. Tôi gặp bạn Roya Beheshti trong tuần đầu ở trường. Thật tuyệt khi có một người bạn chung sở thích với mình và giúp mình nuôi dưỡng động cơ tiến lên.
Trường tôi nằm gần một con phố đầy các hiệu sách. Tôi vẫn nhớ rằng mình rất hay tới hiệu sách và đó là trải nghiệm rất hứng thú. Chúng tôi không thể xem lướt các cuốn sách nên kết quả là mua rất nhiều cuốn khác nhau.
Ngoài ra, hiệu trưởng trường tôi là một người mạnh mẽ, sẵn sàng hỗ trợ, mang tới cho chúng tôi nhiều cơ hội không thua các bạn trai.
Cuối cùng tôi tham gia các cuộc thi toán Olympic, khiến tôi bắt đầu nghĩ nhiều tới các vấn đề khó hơn trong toán học. Khi còn ở tuổi teen, tôi thích thách thức. Nhưng quan trọng hơn là sau này tôi gặp nhiều người bạn khác tràn đầy khát vọng ở Đại học Sharif. Tôi nhận thấy càng dành thời gian nghiên cứu toán, tôi càng trở nên hứng thú với môn này.
* Điều gì khiến cô quan tâm tới các vấn đề cô đã nghiên cứu?
- Khi theo học Harvard, nền tảng của tôi chủ yếu là toán học tổ hợp và đại số. Tôi đã luôn yêu thích các phân tích phức hợp, nhưng không hiểu rõ lắm về vấn đề này. Ngoài ra tôi cũng phải học rất nhiều chủ đề mà phần lớn sinh viên ở các trường đại học danh tiếng tại Mỹ đều đã hiểu rõ.
Tôi bắt đầu theo học các buổi hội thảo do thầy Curt McMullen tổ chức. Phần lớn thời gian, tôi chẳng hiểu các diễn giả đang nói gì. Nhưng tôi rất thích các bài phát biểu của Curt. Tôi rất thích thú trước việc ông có thể biến mọi thứ trở nên đơn giản và đẹp đẽ. Vì thế tôi thường hỏi ông nhiều câu hỏi và nghĩ về các vấn đề hình thành sau những cuộc trò chuyện mang tính khai sáng đó.
Sự khuyến khích của ông là vô giá. Làm việc với Curt đã ảnh hưởng lớn tới tôi. Vào thời gian tốt nghiệp, tôi đã có một danh sách dài vô số ý tưởng tươi mới mà bản thân muốn khám phá.
* Cô có thể mô tả nghiên cứu của mình trên phương diện có thể tiếp cận được? Liệu chúng có ứng dụng gì trong các khu vực khác không?
- Phần lớn vấn đề tôi nghiên cứu có liên quan tới các cấu trúc hình học trên các bề mặt và sự biến dạng. Đặc biệt là tôi rất quan tâm tìm hiểu các bề mặt hyperbolic. Các vấn đề tôi nghiên cứu có quan hệ với vật lý lý thuyết, toán học tổ hợp và địa hình học.
* Thứ gì mang tới cho cô cảm giác thỏa mãn nhất khi nghiên cứu toán?
- Tất nhiên đó chính khoảnh khắc "a ha", sự phấn khích hình thành từ việc phát hiện và thấu hiểu điều gì đó mới mẻ - cảm giác của việc đứng trên một ngọn đồi và có tầm nhìn rõ ràng ra xa. Nhưng trong phần lớn thời gian, tôi thấy nghiên cứu toán học cũng giống như việc đi trên một con đường dài không có lối mòn và không có điểm kết thúc trước mặt.
* Cô có lời khuyên gì dành cho những người muốn tìm hiểu nhiều hơn về toán?
Đây là một câu hỏi khó. Tôi không cho rằng tất cả mọi người nên trở thành các nhà toán học, nhưng tôi tin nhiều học sinh đã không dành cho toán học một cơ hội thực sự. Tôi học toán khá tồi trong vài năm ở trường trung học cơ sở. Tôi không hứng thú với việc suy nghĩ về toán. Tôi có thể thấy rằng nếu không hứng thú thì toán học trông rất khô khan và vô nghĩa. Nhưng toán học chỉ bộc lộ vẻ đẹp cho những người kiên nhẫn theo đuổi nó.
Tường Linh (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa