Văn hóa đọc ở Việt Nam, có thực sự cần “báo động” ?

17:27:00 11/10/2013

VOV.VN - Một số bộ phận giới trẻ không nhỏ hiện nay, đã biết đến thế nào là “văn hóa đọc” và biết giữ gìn văn hóa đọc ấy.

Nói đến văn hóa đọc nói chung và văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay, một nhà phê bình văn học từng ca thán: “Sự thực là những người đọc trẻ hiện nay chẳng mấy thiết tha với văn hóa đọc, nhất là đọc những tác phẩm văn chương…”.

Nhưng ý kiến của nhà phê bình ấy, có lẽ chỉ đúng được phần nào. Bằng chứng là tại Hội sách mùa thu 2013, diễn ra từ ngày 10/10- 14/10, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, đông đảo các bạn trẻ hiện đang sống, làm việc, học tập tại Thủ đô đã đến tham gia ngày hội sách một cách nhiệt tình.

Trước sự hưởng ứng đông đảo của một số lượng độc giả yêu thích sách đến như vậy, có lẽ chúng ta có quyền hy vọng hơn đến việc nâng tầm văn hóa đọc ở Việt Nam.

Phóng viên VOV online đã có những cuộc trao đổi ngắn với các độc giả về văn hóa đọc và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Hầu hết mọi người đều cho rằng sách giấy, trước sự phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, vẫn không mất đi giá trị của nó trong lòng bạn đọc. Đặc biệt, một số bộ phận giới trẻ không nhỏ hiện nay, đã biết đến thế nào là “văn hóa đọc” và biết giữ gìn văn hóa đọc ấy cho bản thân như một thói quen thường nhật.

Lê Quang Anh (giảng viên đại học, ở Hoàng Mai, Hà Nội)

Lê Quang Anh (giảng viên đại học, Hoàng Mai, Hà Nội): Cảm giác lật từng trang sách, được ngửi mùi của sách mới rất đặc biệt

Hôm nay tôi mua được nhiều sách. Thể loại sách tôi đọc khá đa dạng. Tôi thích nhất là đọc các sách trinh thám, hoặc phóng sự chiến tranh. Mỗi lần đi dạy sinh viên, tôi đều dặn dò mua sách là điều cần thiết để học được tốt. Tuy nhiên, với thu nhập của người Việt Nam hiện nay, để bỏ tiền ra đầu tư cho quỹ sách thì còn cần cân nhắc nhiều. Ngày hội sách như thế này là cơ hội cho người đọc được tiếp cận nhiều cuốn sách với giá cả “dễ chịu”.

Tôi ủng hộ việc đọc sách giấy, hơn là dùng Internet. Cảm giác lật từng trang sách, được ngửi mùi của sách mới rất đặc biệt. Hơn thế nữa, việc đọc sách trên máy tính không thực sự tiện lợi như người ta vẫn nghĩ. Máy tính có thể không sử dụng được khi hết pin, mất điện nhưng sách thì vẫn luôn còn đấy.

Nói vậy không có nghĩa là phải đọc sách thế này hay thế kia mới là đúng cách, người ta có thể chọn cách đọc sách nào bản thân thấy phù hợp nhất.

Ngô Xuân Khôi (họa sĩ, Đống Đa, Hà Nội)

Ngô Xuân Khôi (họa sĩ, Đống Đa, Hà Nội): Khi trưởng thành, người ta thường tìm đến sách

Tôi hay tìm những sách về Văn học, bên cạnh những quyển sách về nghệ thuật.

Có một bộ phận giới trẻ bây giờ lười đọc sách, vì có nhiều kênh thông tin khác như là Internet, tivi. Những bạn trẻ sống nhanh, sống vội thường sẽ chỉ thích những mẩu tin ngắn và nhanh. Nhưng cái gì nhanh đọc cũng nhanh quên. Còn với sách, giá trị bền vững của nó được chứng minh qua năm tháng. Bởi thế, khi trưởng thành, người ta thường tìm đến sách.

Thậm chí, truyện tranh cũng có thế mạnh riêng nó. Phủ định hoàn toàn truyện tranh cũng không nên. Truyện tranh giúp nâng cao nhận thức thẩm mĩ cho con người. Tại sao trẻ em thích truyện tranh đến thế. Là bởi vì trong truyện có tranh, có hình ảnh giúp đứa trẻ có thể dễ dàng hình dung, nhận thức về thế giới.

Vấn đề là nội dung của câu chuyện ấy, có phù hợp với văn hóa với người Việt hay không, có phù hợp với lứa tuổi không. Một số nhà sách tư nhân làm truyện tranh lịch sử cho trẻ con, nhưng lại phóng tác quá tay để câu chuyện thêm phần li kì hấp dẫn. Nếu trẻ em nhận thức lịch sử theo cách như vậy sẽ dễ bị lệch lạc.

Để chọn đúng sách hay quả thực khó. Phải tham khảo ý kiến của bạn bè hoặc các kênh thông tin khác. Người có kinh nghiệm đọc sách, hoặc có khả năng cảm thụ thì chỉ cần đọc một vài trang sách đầu có thể người ta đã biết có nên chọn quyển sách này hay không. Chọn sách còn tùy theo nhận thức, học vấn, phông văn hóa của từng người.

Trần Diệu Thúy (giáo viên tiếng Anh, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Trần Diệu Thúy (giáo viên tiếng Anh, Hai Bà Trưng, Hà Nội): Quyển sách nào có nhận xét tốt của các chuyên gia thì mình nên mua

Đọc sách là thói quen từ rất lâu của tôi. Cứ có ngày hội sách thế này thì tôi đều tham gia.

Một bô phận giới trẻ vẫn còn đam mê đọc sách, tuy nhiên bên cạnh đó họ còn nhiều lựa chọn khác để giải trí, tìm kiếm thông tin như là tivi, internet. Những loại hình thông tin như vậy có thể tiếp nhận nhanh hơn đọc sách.

Tôi đọc nhiều thể loại sách, kể cả truyện tranh. Truyện tranh cũng có giá trị riêng của nó. Nhưng nếu không kiểm soát được bản thân, nhất là trẻ em rất dễ nghiện. Người lớn cũng nên kiểm soát nội dung cuốn truyện tranh trước khi cho con em đọc.

Mỗi người có “gu” đọc sách riêng. Theo kinh nghiệm của tôi, quyển sách nào có nhận xét tốt của các chuyên gia thì mình nên mua. Trước khi mua sách, tôi đều tham khảo ý kiến một cách kĩ càng như vậy.

Tôi nghĩ các bạn trẻ đôi khi có lối sống hơi vội, trong khi đó để đọc hết quyển sách đòi hỏi sự kiên nhẫn của bản thân, để vừa đọc vừa ngẫm nghĩ hết một quyển sách dày. Bởi thế, muốn rèn luyện thói quen đọc sách, các bạn hãy bắt đầu từ những quyển sách ngắn, mỏng trước khi đọc những quyển dày hơn. Rồi dần dần, các bạn sẽ có thói quen đọc sách tốt.

Phan Thanh Phương (sinh viên, Hà Đông, Hà Nội): Nguồn thông tin càng phong phú thì càng phải biết chắt lọc

Nếu như nói rằng giới trẻ bây giờ lười đọc sách, hay đang làm mất dần đi “văn hóa đọc” là vơ đũa cả nắm. Ở lớp tôi có rất nhiều bạn là mọt sách. Mỗi ngày các bạn ấy dành ra ít nhất là một đến hai tiếng để đọc. Những sách mà sinh viên hay đọc nhất là các giáo trình, sau nữa là sách về văn hóa, lịch sử, tiểu thuyết.

Chúng tôi có nhiều lựa chọn để bổ sung kiến thức như là tìm hiểu qua internet, tivi, nghe đài, sách báo, hỏi chuyện… Nguồn thông tin càng phong phú thì càng phải biết chắt lọc được cái nào mới thật sự giá trị, cái nào là “tin rác”. Bởi thế, về vấn đề nội dung, tôi thực sự tin tưởng sách giấy. Sách trước khi xuất bản, thường đã được kiểm duyệt, chắt lọc, thẩm định để có tác phẩm hay đến tay bạn đọc. Đọc sách giấy cũng đỡ mỏi mắt hơn đọc trên máy tính, hay điện thoại. Cầm từng quyển sách giấy trên tay mới thấm thía hết được giá trị riêng của mỗi quyển sách. Tôi tin rằng giá trị của sách giấy sẽ mãi mãi không bao giờ bị mất đi kể cả công nghệ có phát triển đến như thế nào đi nữa./.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1