Hoang vu Nguyễn Hàng Tình

11:15:00 04/11/2013

Cuối tháng trước, nghe tin cuốn “Giã biệt hoang vu” của Nguyễn Hàng Tình đạt giải “Sách hay 2013” ở mục “Phát hiện mới”, tôi khá bất ngờ nhưng không hề ngạc nhiên. Quen nhau lâu rồi, đọc nhau mòn mặt nhưng tôi cũng hơi bất ngờ khi tên gã lặng lẽ “hot” trên mạng, báo đàn, văn đàn với thể loại bút ký. Chất văn bay bổng đến hoang vu nhưng trên hết là sát sàn sạt cuộc đời này, với những hiện thực ngỡ ngàng của thân phận người đương cuộc, trực diện những vấn đề khuất lấp của thế sự…

1. Tên cúng cơm của gã là Nguyễn Hoàng Tình. Thế nhưng chẳng biết lý do gì mà từ khi đi làm báo, chữ “o” đã mất đứt, thành người Hàng Tình. Hình như bớt được chữ “o”, đời gã biết bao là thăng hoa nhưng cứ thế mà hun hút… Tôi cũng ngờ là gã thất tình một em Đà Lạt nào đó thuở hàn vi; ức quá, cắt vứt cái “o” ra khỏi đời mình…

Tôi biết gã từ thuở sinh viên, đâu bên Đắk Lắk sang Đà Lạt học văn khoa. Mộng mị giảng đường xứ mù sương và nghề chụp ảnh bên bờ hồ Xuân Hương, gã bén duyên với nghề báo lúc nào chả rõ. Hồi đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước ở Đại học Đà Lạt, sinh viên mà kè kè cái máy ảnh “câu cơm” là oách lắm. Học xong, ngoảnh lại, thấy gã chẳng những lấy xứ này làm quê ở mà còn được mệnh danh là “Người tình Đà Lạt”.

Trong làng báo “cắm” ở đất Tây Nguyên, Nguyễn Hàng Tình là cây bút nổi trội. 20 năm ăn lương từ báo Lâm Đồng, rồi báo Tuổi Trẻ nhưng gã viết khỏe quá, bài vở cứ tràn ra nhiều tờ báo khác. Ấn tượng lớn nhất trong lòng bạn đọc về những trang viết của gã chính là một “người tình Đà Lạt”, “kẻ bảo vệ cao nguyên”…

Những ký sự Đà Lạt đang tự “băm vằm” mình?”, Nước mắt lâm tặc, Khi Đà Lạt đốt hoa,… đã làm không ít kẻ khó chịu, bởi gã viết thật, không ngại va chạm. Một mẩu tin tưởng chừng “không phải là tin” của gã vẫn được chạy trang nhất, để lại ấn tượng cho người ta nhớ. Ví như kiểu làm tin Đà Lạt: Thêm một cây thông bị khai tử… đã làm không ít người bất ngờ thú vị, giật mình và khó quên.

Một đồng nghiệp đã viết về Nguyễn Hàng Tình: “Không ai có một tình yêu với thông khủng khiếp và cháy bỏng như gã. Một cành thông rơi gãy cũng có thể khiến gã mất ăn mất ngủ. Một cây thông bị đốn hạ cũng làm đau đớn gã như chính phần thân thể của mình bị cắt bỏ. Có lẽ vì thế mà suốt ngày gã vẫn đi rình rập những kẻ sát hại thông để lên tiếng trên báo, để hậm hực và để nuối tiếc. Vậy thôi!... Rõ ràng, thông đã thuộc về Đà Lạt một cách hiển nhiên cũng như Nguyễn Hàng Tình, MPK… luôn thuộc về vùng đất này, không thể dứt đi đâu được cả”.

Biết bao yêu thương, day dứt khi gã viết Tiếng ghita bên rừng thông, Những ngày sương nhạt, Đưa Đà Lạt đi xa, Di sản nỗi buồn, Hành trình cà phê Việt, Đak Nông còn nhớ không?, Bờ biển mênh mang,… Mới đây, trong bút ký Bóng nón xanh xao, Nguyễn Hàng Tình sâu xoáy: “Ở đây, xứ trà B’lao ngày nay, trên những đồng trà có vẻ tốt tươi và thịnh vượng, có giá trị cao nhất kia, là những nông trang trà với người Đài Loan làm chủ sở hữu. Ô long, Kim Tuyên, Tứ Quí..., toàn những giống trà vàng ngọc, xa xỉ, khác trà Shan, trà sẻ lâu đời mà nông dân mình làm.

Thị dân ở giữa phố Bảo Lộc ngoài kia còn rõ làn sóng người Đài Loan đổ sang xứ B’lao trồng trà suốt mười lăm năm qua huống gì dân cày bám chặt trên những dải đồi trà kia. Hà cớ gì không sang cao nguyên B’lao, Cầu Đất mà trồng trà, khi đất đai ở đây lý tưởng nhất cho cây trà, còn chính sách đầu tư vào nông nghiệp thì rẻ gần như cho không, ưu đãi quá trời, ví như thuế kinh doanh cũng phải qua mười năm mới đóng.

Đừng nhìn sự diễm lệ tốt tươi của đồng trà kia mà bảo mồ hôi của người Đài Loan, của dân ta không đấy. Họ chỉ bỏ tiền đầu tư, tổ chức sản xuất, còn lại chính người phụ nữ nước mình ngày này qua ngày kia tạo ra sự dồi dào, sung túc cho họ. Nay, đã có đến vài ngàn hécta như thế, trải dọc từ thị xã Bảo Lộc nối qua huyện Bảo Lâm, vắt lên cao nguyên Di Linh, thò lên Cầu Đất…, với không dưới hai chục công ty từ đảo quốc xa xôi kia đến đây định vị, “làm mưa làm gió”. Bề dày lịch sử trồng trà 90 năm ở Việt Nam bỗng chốc nhường ngôi số “1” lại cho người xứ biển Đài Loan ngay trên đất mình.…”.

Tựu trung, bút ký Nguyễn Hàng Tình không bao giờ “lông nhông hoa bướm” mà lăn xả tham dự vào những vấn đề gai góc nhất của thời cuộc. Gã không làm văn, chất nhà văn cứ trào ra ngoài trang viết. Hôm nhậu ở Đà Lạt, có đứa bạn đưa bản thảo mấy bài thơ gã. Là kẻ chuyên khinh thơ người khác, nhưng tôi đọc thấy lành lạnh cả người.

Lại một bất ngờ Nguyễn Hàng Tình…

2. Tình ít nói, nhất là nói về mình, về chuyên môn công việc. Thế nhưng khi nhắc đến bút ký, gã bỗng “lồng lên”. Hỏi vì sao ông “chết” với bút ký? Gã bảo: “Tôi làm thể loại này vì thấy nó sống nhất, được tham dự trực tiếp vào nhịp đời. Đó cũng là mảnh đất tôi thấy mình sáng tạo nhất, thăng hoa và hoang vu nhất. Làm báo thì phải đi ghi chép những chuyện hằng ngày, lịch sử trong ngày. Bút ký thì đi xuyên qua những cái đó, nó có hơi thở không gian của đời sống báo chí, của thời cuộc, của sáng tạo. Người làm bút ký luôn có sự khát khao bay bổng, nhưng không bao giờ muốn xa rời mà bám chặt cuộc sống hằng ngày.

Nói về những cây bút ấn tượng trong cùng thể loại bút ký, Nguyễn Hàng Tình không hề giấu diếm quan điểm của bản thân. Gã “phang” thẳng những yêu ghét rạch ròi: “Kiểu Nguyễn Tuân thì làm dáng, đẹp về chữ nghĩa nhưng mỏng hơi thở cuộc sống; nặng chơi chữ, dùng nhiều kỹ năng của sự tài hoa, tỉnh táo quá. Còn ông Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường) là một dạng tài hoa, yêu cái đẹp và lồng vào nhiều tri thức. Có những bút ký của ông này làm mình cảm giác như đang viết một khúc sử bằng văn chương; có tính học thuật, nhiều dữ liệu, chất văn hóa của quá khứ. Tuy nhiên Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhiều lúc không đọc cũng… chả sao. Tôi thích “kiểu” Võ Đắc Danh hơn: có sự tham dự, đánh động, thời điểm xã hội; nếu không là một hẫng hụt… Bút ký của ông này mang trách nhiệm ghi lại thời cuộc đang diễn ra, phải viết ngay chứ không thì sẽ trôi qua, không thể “lúc nào viết cũng được”… Nghĩa là tôi thích bút ký trường phái “động” hơn là trường phái “tĩnh”…

Vậy nói thế nào về “Bút ký Nguyễn Hàng Tình”?

“Tôi không nhận thuộc trường phái nào. Tôi thích cuộc lang thang ngút ngàn của mình. Nói như Hermann Hesse, dù có đau đớn quằn quại thì ta vẫn cứ yêu thương trần gian điên dại này… Tôi là mê đắm sự hoang vu, tôi đi vào cuộc sống nhưng tôi không thuộc về cuộc sống đó. Trong lúc đi chơi qua cuộc đời, tôi ghi lại điều đã thấy, không có ý thức của sự chủ đích: rằng phải có một tác phẩm ký, thuộc trường phái thể loại nào. Chỉ vui vì được ghi lại cảm xúc, được chơi như thế này”…

3.Dứt áo Tuổi Trẻ, tờ báo mà khá nhiều người trong nghề muốn ghé chân, từ nay, tên gã chỉ còn là… Nguyễn Hàng Tình. Gã là người không dễ chơi, kén bạn, kén bồ. Riêng cái khoản bồ bịch thì gã vô cùng kín tiếng. Biết nhau từ thuở hàn vi, tôi chưa hề nghe gã nói về một cô bồ cụ thể, dẫu vẫn nghe gã không đến nỗi lười yêu đương.

Trái với vẻ người rừng bụi bặm, tôi bất ngờ khi căn hộ gã thuê trọ ở khu Chi Lăng (Đà Lạt), hết sức ngăn nắp từ phòng khách, phòng làm việc, phòng ngủ, phòng ăn, toilet,… Nhiều nhất trong nhà gã là sách. Sau một ngày lang thang quán, khuya về uống thứ trà hảo hạng trong nhà gã, tôi chợt hiểu vì sao đến lúc này gã vẫn “hàng tình”. Gã cô đơn nhưng không cô độc, bởi ngoài niềm đam mê đi và viết, gã vẫn còn đó niềm tin với sách, với nhạc và… Đà Lạt. Và nhiều người biết: không phải ai cũng dễ dàng được gã mời về nhà, dẫu là nhà trọ của gã độc thân…

Tôi biết, gã không bao giờ làm dáng, từ thuở sinh viên gã đã sống như thế và mỗi ngày càng… hơn thế. Tôi cảm nhận ở gã cái khí chất của người Quảng Nam lang bạt, tài hoa pha lẫn một lối đi, một cốt cách kiên trì tự thân, dẫu có bị dòng đời xô đẩy về đâu. Ví như, khi làm “quân” thường trú, trong nhiều dịp lễ lạt, gã đã từng trả lại quà cáp (đôi khi cả phong bì “bự”), chỉ nhận thiệp chúc mừng của các cơ quan đầu tỉnh. Kể cả bạn bè, ai mà tỏ ra quan cách một chút là gã “không rỗi” để gặp gỡ…

Vừa rồi, ngồi với gã trong một quán cóc bên đường Hùng Vương, Đà Lạt thì Trần Nhã Thụy từ Sài Gòn điện đòi bản thảo tập Bút ký Nguyễn Hàng Tình. Việc này, anh em định đã lâu nhưng gã có vẻ ít mặn mà. Gã đang sờ sờ, chả lẽ anh em lại lên mạng “gom” bản thảo giúp, e khi sách in ra mà gã không bằng lòng… đem vứt thì bỏ mẹ. Bởi gã đã từng từ chối báo chủ quản khi được đề nghị in tập bút ký sự riêng, nhân một sự kiện lễ lạt nào đó. Tôi và Thụy nhứt thống: sách của gã sẽ do một đơn vị xuất bản lo trọn gói, bởi họ thấy được “thương hiệu” Nguyễn Hàng Tình, gã chỉ mỗi việc “meo” bản thảo. Bị chúng tôi truy buộc quá, gã hứa qua loa “sẽ xem lại”.

Giờ này, gã vẫn còn hoang vu đâu đó. Không ai thấy khi nào gã ngồi viết. Gã không thích gọi nhà nhà văn, kể cả nhà báo…


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1