Tuổi hai mươi
Nếu không là cái tuổi hai mươi quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất bán lưng cho giời, tất bật đến mụ mị với phân tro, giống má trên những thửa đất cằn, thì cũng là cái tuổi hai mươi triền miên mỏi mệt khi mỗi ngày mười mấy tiếng đồng hồ phải giam mình trong các khu công nghiệp để đổi lấy đồng lương may lắm thì vừa đủ sống.
Hoặc, là cái tuổi hai mươi cứ bồng bềnh trượt đi trôi đi trong ảo giác của các chất ma túy (và cả cái món được gọi là facebook), là cái tuổi hai mươi mà người ta sẵn sàng làm đủ mọi trò ngu xuẩn chỉ để được sở hữu vài ba món đồ có gắn nhãn của mấy thương hiệu thời trang tên tuổi.
Dĩ nhiên, cũng sẽ không ít người phản đối Paul Nizan. Vì quả thực là người ta đã chứng kiến không ít tuổi hai mươi huy hoàng: Hai mươi mốt tuổi, Nguyễn Đình Thi đã là Tổng thư ký của Hội Văn hóa cứu quốc. Hai mươi hai tuổi, Xuân Diệu công bố Thơ thơ, tập thơ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử của phong trào Thơ Mới lãng mạn. Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử và rất nhiều người khác nữa, cũng đều giống như những con trai, đã nhả những viên ngọc sáng nhất đẹp nhất, chính ở cái tuổi hai mươi.
Toàn là những tác giả văn chương. Nhưng đây chính là những dẫn chứng để từ đó tôi có thể nói ý nghĩ của mình: Nếu không muốn rồi đây sẽ phải phát khùng lên - như Paul Nizan - khi nghe ai đó ca tụng tuổi hai mươi, tốt nhất, chúng ta hãy cấp ý nghĩa tích cực cho tuổi hai mươi của mình, mà một trong những phương cách ấy là viết văn.
|
Minh họa: Lê Phương. |
Đi...
Chưa hẳn đã suy nghĩ theo một cách “trầm trọng hóa” đến như vậy, nhưng dù sao, với việc viết và cho công bố hai tập sách đang gây nhiều tranh cãi Xách ba lô lên và đi, cô gái hai mươi ba tuổi Nguyễn Thị Khánh Huyền đã bắt đầu “công cuộc” cấp ý nghĩa cho tuổi hai mươi của mình. Thật ra viết sách cũng chẳng phải là sự bắt đầu. Sự bắt đầu đã được bắt đầu từ chính việc cô xách balô lên và đi kia.
Tôi đã từng có một bài viết về cái sự đi trong đời sống và trong văn hóa của người Việt. Như một hằng số trong tâm lý dân tộc, người Việt chúng ta rất sợ đi, mà thực chất là sợ sự mạo hiểm, sợ dịch chuyển, sợ thay đổi, sợ phải đối mặt với cái mới lạ, sợ phải làm quen với cái dị kỷ. Tâm lý ấy đến tận bây giờ vẫn sâu gốc bền rễ.
Hãy lấy việc đi ra nước ngoài làm ví dụ.
Nếu không phải cán bộ đi công tác, thương gia đi bàn thảo chuyện kinh doanh, và nhiều hơn thế nữa là những người đi vì mưu sinh - nghĩa là phải đi vì không thể không đi - thì cực hiếm người như Khánh Huyền, đi với mục đích thử thách bản thân và khám phá thế giới, đi để có trải nghiệm sống động về những miền đất - con người - văn hóa xa lạ, khác mình.
(Tôi phải mở ngoặc đơn ở đây để không xếp chung cái sự đi của Khánh Huyền với cái sự đi du lịch nước ngoài của lắm ông bà “túi nhiều tiền, phiền một nỗi không bao giờ đọc sách”: Họ dường như chẳng định khám phá hay trải nghiệm cái gì cả, chỉ đơn giản là họ thay đổi địa điểm ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi và mua sắm, bằng tiền).
Nhiều người có thể, và thực tế là đã, đặt câu hỏi về tính xác thực của những con số mà tác giả Xách ba lô lên và đi đưa ra: 700 USD ban đầu và 25 quốc gia? Tôi không phủ nhận câu hỏi này, nhưng lại muốn đặt một câu hỏi khác: Thật ra thì điều ấy có quan trọng lắm không nhỉ? Hãy xem đây như một bài toán: Thay vì 700 USD ban đầu, bạn có 70.000 USD; thay vì đi 25 nước, bạn chỉ phải đi 12 hoặc 13 nước thôi, nghĩa là đã gấp lên 200 lần thuận lợi, bạn có dám xách ba lô lên và đi như Khánh Huyền không? Trong khi chờ đáp án chính xác của một điều tra xã hội học, tôi đoan quyết rằng, với 70.000 USD trong tay, vô số người trong chúng ta sẽ chẳng đi một nước nào hết. Ta cần một căn hộ chung cư, cần một chiếc xe hơi, cần một tài khoản trong ngân hàng, cần một số vốn để kinh doanh v.v…
Những cái đó thiết thực và an toàn hơn nhiều so với việc bỏ tiền ra chi trả cho những chuyến đi (có vẻ) vô tăm tích như Khánh Huyền đã đi. Nói như vậy để thấy, dù thế nào đi nữa thì tinh thần ưa khám phá, tinh thần “hiếu tri” mà Khánh Huyền thể hiện bằng hành động “xách ba lô lên và đi” cũng vẫn đáng để nhận được một sự tôn trọng.
...và viết
Trở lại với chuyện viết và cuốn sách Xách ba lô lên và đi của Nguyễn Thị Khánh Huyền. Chắc chắn, khi khởi thảo cuốn sách, khi gõ những chữ đầu tiên, những dòng đầu tiên trên máy tính, tác giả không hề biết rằng mình đang bắt đầu viết ra sóng gió của chính mình. Nếu biết, liệu cô có viết không? Tôi không phải Khánh Huyền để có thể trả lời câu hỏi này, chỉ xin lưu ý: Từ kinh nghiệm của nhiều nhà văn trong và ngoài nước thì việc viết giống như một thứ ma lực vậy.
Người ta buộc phải viết, vì đơn giản, người ta có điều không thể không nói ra. Đó là nhu cầu được cộng thông, được chia sẻ, có ở bất kỳ người viết chân chính nào. (Không có nhu cầu nội tại này, xét cho cùng, cũng sẽ chẳng có nhà văn, chẳng có văn chương).
Hãy nhìn vào dòng tác phẩm du ký Việt Nam ở buổi đầu của nền văn học mới bằng chữ quốc ngữ, ta sẽ thấy: Ông chủ bút “Nam Phong tạp chí” chỉ sau một chuyến công cán Ba Lê hoặc một cuộc đi chơi qua xứ Ai Lao, là đã viết thành một tác phẩm, kể và tả tường tận những gì mắt thấy tai nghe trên đất người, và không hề tiếc chữ để trình bày những suy nghĩ, những nhận định của mình.
Với nhiều tác giả khác, thậm chí chỉ một lần từ Hà Nội đi vãn cảnh chùa Hương hoặc đền Gióng, là đã có thể viết được rồi. Họ có điều không thể không nói ra, và họ viết. Vậy thì Khánh Huyền, một mình một ba lô “vượt” ra ngoài dải đất hình chữ S, đến vài nước châu Á, rồi đặt chân đến tận cả châu Mỹ, châu Phi, chẳng phải là đã có quá nhiều trải nghiệm đáng giá để nói ra đó sao?
Nhưng, nói như ý của J. P. Sartre, viết chính là hành động bóc lộ đối tượng ra trước thế giới, cho tất cả mọi người cùng nhìn vào, và không ai, kể cả tác giả, còn thấy mình vô can trong đó nữa. Cái viết của Khánh Huyền, theo tôi, bất ngờ bóc lộ ra nhiều chuyện, mà đáng kể nhất là chuyện này: Đọc. Không khó để nhận thấy từ “phe phản đối” cuốn sách của Khánh Huyền hai luận điểm.
Thứ nhất, có người, hẳn là các bậc phụ huynh mặt mũi rất nghiêm nghị, cho rằng Xách ba lô lên và đi là một cuốn sách có tác động không tốt đến bạn đọc trẻ. Họ e ngại con cái họ nếu đọc cuốn sách này sẽ bắt chước tác giả bỏ học để… đi chơi, sẽ vượt biên trái phép, sẽ làm giấy tờ giả, sẽ lao động chui ở nước người v.v và v.v…
Thứ hai, có người, đầy tinh thần thực chứng, đã dùng kính hiển vi để “soi” vào cuốn sách, chỉ ra những điều không đúng sự thật, hay nói cách khác là điểm mặt những chi tiết mà người viết sách đã cố tình bịa đặt để câu khách, để moi tiền người đọc một cách không đàng hoàng.
Về luận điểm thứ nhất, nó khiến tôi nhớ đến số phận các tiểu thuyết Những nỗi đau của chàng Vecte của Goethe, Bà Bovary của Flaubert và tập thơ Những bông hoa ác của Baudelaire (đều là những danh tác). Tác phẩm đầu bị dư luận phản đối vì “cái tội” khiến cho nhiều thanh niên Đức khi đọc xong đã chán sống tìm đến cái chết. Hai tác phẩm sau còn bị ra tòa vì “cái tội” tuyên truyền cho lối sống mèo mả gà đồng, ăn chơi trụy lạc, trái với thuần phong mỹ tục của nước Pháp đương thời.
Dĩ nhiên sự phản đối có cái lý của nó. Và càng có lý hơn khi những người phản đối vốn không biết đến một quy luật: Những cuốn sách sẽ chẳng tạo ra được dư chấn xã hội nào đáng kể nếu trong xã hội không chuẩn bị sẵn tâm lý để đón nhận nó. Thanh niên Đức thời của Goethe sẽ chẳng hồ hởi rủ nhau tìm đến cái chết sau khi đọc Những nỗi đau của chàng Vecte nếu đời sống tinh thần của họ, trong đó có đời sống ái tình, không quẫn bách ngột ngạt đến thế.
Và nếu Flaubert không viết Bà Bovary, nếu Baudelaire không viết Những bông hoa ác, thì cũng thế thôi, nhiều quý bà tỉnh lẻ của nước Pháp vẫn hăm hở ngoại tình, nhiều quý ông vẫn ngập ngụa trong men rượu, khói thuốc phiện và nỗi sầu đời ngút ngàn. Tương tự, nếu cuốn Xách ba lô lên và đi khiến bạn đọc trẻ đọc xong cũng muốn làm như tác giả, thì chẳng qua là vì họ đã thấy tù túng với cảnh quẩn quanh giữa những không gian cũ mòn chật hẹp lắm rồi.
Họ sẽ đi, có cuốn sách ấy hay không không phải là vấn đề. (Về lý thuyết là như vậy, nhưng trong điều kiện Việt Nam thì khá xa vời. Các bậc phụ huynh mặt mũi nghiêm nghị có thể yên tâm, tinh thần mạo hiểm vốn không phải phẩm chất trội của dân ta, xưa đã thế và nay cũng không khác thế là mấy. Bạn đọc trẻ của ta có thể dễ dàng xách ba lô lên, nhưng đi như Khánh Huyền thì là một câu chuyện hoàn toàn khác).
Về luận điểm thứ hai, tôi phải nói rằng nó khá điển hình cho cách đọc của những độc giả ngây thơ, những độc giả vẫn sái cổ tin rằng nghệ thuật không phải, không thể là ánh trăng lừa dối. Người ta thích thú trước một cuốn sách vì nó nói với họ những điều mới lạ, hay vì nó nói những điều mà họ đã quá đỗi quen nhàm?
Và cái cách áp thực tế vào để đo độ chính xác của tác phẩm, liệu có nên xem là cách cưỡng bức văn chương hiệu quả nhất? Xét cho cùng, với một cuốn sách không phải thuộc loại văn kiện chính thống của nhà nước, không thuộc loại sách nghiên cứu, biên khảo hay công trình khoa học gì cả, thì đòi hỏi ở nó một trăm phần trăm sự thật “như nó đã thật sự diễn ra”, là điều không tưởng.
Ở rất nhiều cuốn nhật ký, hồi ký, du ký nổi tiếng, những cuốn sách mà về mặt nguyên tắc là “non - fiction” (phi hư cấu), người ta vẫn nhận thấy không ít yếu tố fiction (hư cấu, tưởng tượng). Chẳng có gì khó hiểu. Thứ nhất, trí nhớ của con người là thứ rất dễ bị suy tàn, rất dễ bị ngụy tạo.
Thứ hai, viết là hành vi có sự tham gia rất mạnh của vô thức. Tâm niệm chỉ viết ra những điều thật sự xảy đến với mình, nhưng biết đâu đấy, cái cơ chế hoạt động đầy phức tạp của vô thức đã khiến người viết thể ký rơi vào trạng thái tự mình mỹ hóa tình cảm và suy nghĩ của mình. Sự hư cấu từ đấy mà ra.
Nhưng cũng không hiếm trường hợp, sự hư cấu của người viết là có chủ đích, hư cấu là để “làm văn”. Như mọi thỏa ước, cái thỏa ước “phải nói thật” mà các thể ký đặt ra một cách mặc định cho cộng đồng văn chương, cả người viết và người đọc, là đặt ra để bị… vi phạm. Vấn đề đáng nói là hiệu quả nghệ thuật của sự vi phạm, kết quả cuối cùng của việc tác giả sử dụng “quyền được bịa”.
Về phương diện này, không cần khắt khe cũng thấy rằng cuốn Xách ba lô lên và đi không ghi được nhiều lắm những điểm cộng. Trải nghiệm hành trình phong phú và năng lực văn chương của tác giả có lẽ chưa đủ để cô làm nên một cuốn sách hay. Nhưng chẳng nên vì thế mà, như có ai đó đề nghị, bắt cuốn sách phải chịu số phận bị đình chỉ phát hành, bắt đơn vị xuất bản phải giải trình, bắt tác giả phải nhận lỗi và chịu trách nhiệm hoàn tiền cho những người đã mua sách. Sử dụng những biện pháp “chính quyền hóa” trong trường hợp này, người đọc không chỉ ngây thơ, mà thực chất là kiểu người đọc vị thành niên.
Đọc một cuốn sách không hay, người ta được một điều rất có ích, ấy là nếm trải cái vị đặc biệt của sách không hay. Nhưng thực tế là có rất nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật vốn chẳng hay ho gì nhưng vẫn được chúng ta tiếp nhận một cách đầy hân hoan, như thể chúng đáng giá lắm lắm. Đó mới thực sự là điều đáng ngại.