Chân dung nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Tài hoa nhưng yểu mệnh
Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20/10/1912, quê ở làng Hảo, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nhưng ông sinh ra, lớn lên và mất tại Hà Nội. Cha ông là Vũ Văn Lân làm thợ điện ở Gara Charles Boillot, mất sớm khi ông mới được 7 tháng tuổi, Vũ Trọng Phụng được mẹ là bà Phạm Thị Khách ở vậy tần tảo nuôi con ăn học. Sau khi học hết tiểu học tại trường Hàng Vôi, Vũ Trọng Phụng phải thôi học để đi làm kiếm sống vào khoảng năm 14 tuổi.
Ông có may mắn được hưởng thụ chế độ giáo dục mới do Toàn quyền Pháp đề xướng, miễn phí hoàn toàn trong sáu năm tiểu học và là một trong những lứa thanh niên Việt Nam đầu tiên được giáo dục bằng tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. Đó là nguyên nhân khiến ông luôn thần tượng nền văn hóa Pháp và là lớp nhà văn tích cực truyền bá văn học chữ Quốc ngữ. Sau hai năm làm ở các sở tư như nhà hàng Gôđa, nhà in IDEO (Viễn Đông), ông chuyển hẳn sang làm báo , viết văn chuyên nghiệp.
Năm 1930, Vũ Trọng Phụng đã có truyện ngắn đầu tay "Chống nạng lên đường" đăng trên tờ Ngọ báo. Bắt đầu ông viết một số truyện ngắn, nhưng không được chú ý. Năm 1931, ông viết vở kịch "Không một tiếng vang" thì bắt đầu gây được sự quan tâm của bạn đọc. Năm 1934, Vũ Trọng Phụng mới cho ra mắt cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tay "Dứt tình", đăng trên tờ Hải Phòng tuần báo.
Năm 1936, ngòi bút tiểu thuyết của ông nở rộ, chỉ trong vòng một năm, bốn cuốn tiểu thuyết lần lượt xuất hiện trên các báo, thu hút sự chú ý của công chúng. Cả bốn tiểu thuyết "Giông tố", "Số đỏ", "Vỡ đê" và "Làm đĩ" đều hiện thực, đi sâu vào các vấn đề xã hội. Trong đó, "Số đỏ" xuất sắc hơn cả, được xem như tác phẩm lớn nhất của Vũ Trọng Phụng, một vài nhân vật, câu nói trong "Số đỏ" đã đi vào ngôn ngữ đời sống hằng ngày.
Là một nhà báo, Vũ Trọng Phụng đã viết nhiều phóng sự nổi tiếng. Với phóng sự đầu tay "Cạm bẫy người" (1933) đăng báo Nhật Tân dưới bút danh Thiên Hư, Vũ Trọng Phụng đã gây được sự chú ý của dư luận đương thời. Năm 1934, báo Nhật Tân cho đăng "Kỹ nghệ lấy Tây". Với hai phóng sự đó, Vũ Đình Chí và Vũ Bằng đã cho ông là một trong hàng vài ba "nhà văn mở đầu cho nghề phóng sự của nước ta". Những phóng sự tiếp theo như "Cơm thầy cơm cô", "Lục sì" đã góp phần tạo nên danh hiệu "ông vua phóng sự của đất Bắc" cho Vũ Trọng Phụng.
Những tiểu thuyết và phóng sự của ông cũng nhận được nhiều ý kiến phản bác. Từ năm 1936 đến khi Vũ Trọng Phụng qua đời năm 1939, đã nổ ra cuộc tranh luận xung quanh vấn đề "Dâm hay không dâm" trong các tiểu thuyết, phóng sự của ông.
Cả đời Vũ Trọng Phụng sống trong nghèo khổ. Vì còn bà nội và mẹ già nên dù lao động cật lực, ngòi bút của ông vẫn không đủ nuôi gia đình. Tuy viết về nhiều tệ nạn, thói ăn chơi nhưng Vũ Trọng Phụng là một người đạo đức và sống rất kham khổ. Vì vậy, ông mắc bệnh lao phổi. Những ngày cuối đời, trên giường bệnh, ông từng phải thốt lên với Vũ Bằng: "Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này". Vợ ông, bà Vũ Mỹ Lương, tên thường gọi là bà Gái, là con người vợ thứ tư của cụ Cửu Tích, một nhà tư sản có cửa hàng thuốc ở phố Hàng Bạc. Sau khi làm đám cưới vào ngày 23/1/1938, hai vợ chồng đã cùng thuê nhà ở phố Hàng Bạc. Ông mất ngày 13/10/1939, khi mới 27 tuổi, để lại gia đình còn bà nội, mẹ đẻ, vợ và người con gái chưa đầy một tuổi tên là Vũ Mỹ Hằng.
Nhà văn bị "truy tố" vì viết hay
Người nhắc đến sự việc này hồi năm 1957. Trong "Tập san phê bình", một ấn phẩm tư nhân, tác giả đồng thời là người xuất bản ấn phẩm này, dành riêng một số đặc biệt cho đề tài: Vũ Trọng Phụng, đời sống và con người. Toàn bộ 24 trang ruột của số này chỉ đăng bài viết của chính Thiều Quang: Chút ít tài liệu về Vũ Trọng Phụng. Một trong những chi tiết tư liệu ấy là việc Vũ Trọng Phụng từng bị gọi ra hầu tòa. Thiều Quang kể rằng, khoảng năm 1930, khi bước chân vào đời bằng việc xin vào làm ở nhà in IDEO (Viễn Đông ấn quán, Hà Nội), ông gặp Vũ Trọng Phụng đang làm việc ở đấy, hai người cùng tuổi nên dần dần thân nhau. Quang thấy Phụng không chỉ yên vị với nghề "cạo giấy" mà còn chăm chỉ tự học bằng cách đọc và dịch văn học Pháp, từ các tác gia cổ điển đến cận hiện đại.
Quang thấy dường như Phụng "tìm được sự đồng điệu, đồng cảm, đồng tình" trong thứ mà Thiều Quang gọi là "văn chương chửi đời", tức là văn chương tả chân Pháp thời cực thịnh, của Flaubert và Maupassant. "Mấy chuyện dịch liền: "Kẻ vô nghề nghiệp", "Người lang thang"… xuất hiện lần đầu trên tờ Ngọ báo với tên ký giả: Vũ Trọng Phụng".
Rồi Vũ Trọng Phụng không đăng văn dịch nữa, chuẩn bị sáng tác. Ít lâu sau, trên tờ Ngọ báo xuất hiện truyện ngắn "Thủ đoạn" của Vũ Trọng Phụng đăng liền ba số "trong đó, anh tả một ông sếp ta chịu "dâm sự" với một ông sếp tây, để củng cố địa vị, để được chóng tăng lương, để được hống hách với mọi người và cũng để được tạo cơ hội làm tiền"…
Sau đó, "bỗng một hôm, Vũ Trọng Phụng nhận được trát tòa đòi, truy tố về tội "chửi phong hóa" (outrage aux bonnes moeurs)". Phụng đưa Thiều Quang xem tờ trát và còn cho xem cả bài cãi dự định sẽ đọc trước tòa. Phụng đem bài cãi ấy đến sở đánh máy làm nhiều bản, người sếp của Phụng được dịp liền đi báo sếp tây và thế là Phụng bị đuổi việc. Nhưng rốt cuộc, bài cãi ấy không cần cho hồ sơ vụ án. Quan tòa chỉ hỏi những điều cần biết vẻn vẹn có 5 phút để chuyển sang vụ khác...
Truyện ngắn "Thủ đoạn" đăng ba kỳ trên Ngọ báo đầu năm 1931 là tác phẩm mà Thiều Quang từng nhắc đến. "Tìm đọc kỹ hơn những tin tức thời sự ở một số tờ báo đương thời, tôi thấy sự kiện Vũ Trọng Phụng bị gọi ra tòa là có thực. Đầu tháng 3/1932, một người tên là Nguyễn Văn Thìn bị gọi ra tòa trừng trị, Vũ Trọng Phụng cũng bị gọi ra tòa trong vụ này với tư cách tòng phạm. Không thấy báo đăng tin phiên sơ thẩm vụ ấy ở tòa Trừng trị, nhưng cuối tháng 3/1932 thì có tin báo đăng việc xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Văn Thìn ở tòa Thượng thẩm", Thiều Quang kể lại.
Xin trích đăng bản tin của Ngọ báo: "Tiếng chuông tại tòa Thượng thẩm":
Sáng hôm nay, tòa Thượng thẩm họp do quan Morché làm Chánh án, các ông Verron, Rozé làm Tham thẩm, ông Joyeux ngồi ghế biện lý, ngoài những vụ trộm cướp, tòa đã đem phúc thẩm lại vụ án "Tiếng chuông" mà tòa Trừng trị đã kết án Nguyễn Văn Thìn 6 ngày tù, 50f phạt; M. Vũ Trọng Phụng 50f . Sau khi hỏi xong các bị cáo nhân, tòa tuyên án cho M. Phụng được hưởng án treo, còn y án Nguyễn Văn Thìn. Thế là, vụ án "Tiếng chuông" kết liễu ở trong 6 ngày tù, 50f phạt tại tòa Thượng thẩm sáng hôm nay".
Ở Sài Gòn, nhật báo Trung lập đưa tin này muộn hơn một tuần: "Một cái gương sáng cho những ông văn sĩ hay viết càn. Vì tập văn "Tiếng chuông", Nguyễn Văn Thìn phải bị án tù và tiền phạt. Còn tại Hà Nội, tòa Thượng thẩm nhóm sáng hôm 22 Mars, do quan Chánh án Morché chủ tọa. Ngoài những việc trộm cướp ra, tòa có phiên lại một cái án "văn chương".
Nguyễn Văn Thìn, là người đứng xuất bản tập "Tiếng chuông", bị truy tố là vì đã cho đăng trong tập ấy một bài của Vũ Trọng Phụng, làm thơ ký cho một nhà buôn, công kích một ông Nghị mà xét ra bài ấy có tính cách làm bại hoại phong hóa và vì đã xuất bản tập "Tiếng chuông" như thể tạp chí mà không xin phép trước. Vũ Trọng Phụng là tác giả bài ấy, cũng bị truy tố. Trước đây, tòa án Trừng trị đã kết án: Nguyễn Văn Thìn sáu ngày tù và năm mươi quan tiền phạt; Vũ Trọng Phụng năm mươi quan tiền phạt. Nay tòa Thượng thẩm y án Nguyễn Văn Thìn; còn cho Vũ Trọng Phụng được hưởng án treo.
Nguyễn Hoàng Linh