Chông gai dịch sách
Trong buổi ra mắt cuốn sách tại Trung tâm văn hóa Pháp tối 19-11, cả bốn chuyên gia văn học Pháp Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Dương Tường và Đặng Anh Đào đều hào hứng chia sẻ những điều thú vị chung quanh bộ sách.
Một trong những điểm chung lớn nhất mà cả bốn dịch giả đều thừa nhận ở cuốn sách, là việc dịch văn của Marcel Proust vô cùng chông gai. “Tác giả viết rất hay, nhưng rất khó đọc, đặc biệt là đối với độc giả Việt Nam, vì thế vô cùng khó dịch” , dịch giả Dương Tường nói. “Đây là một nhà văn rất “nặng”, nhận xét của dịch giả Đặng Thị Hạnh. “Đọc mệt, dịch mệt, nhưng không bao giờ chán”, dịch giả Lê Hồng Sâm cho biết. Còn dịch giả Đặng Anh Đào, em gái của dịch giả Đặng Thị Hạnh thú nhận: “Dịch xong tôi thấy mệt và sợ”. Đây là những lời nhận xét từ bốn người chuyển ngữ văn học lâu năm và có tiếng, đủ thấy các tác phẩm của Marcel Proust “chông gai” như thế nào, dù mới chỉ là cuốn đầu tiên.
Dịch giả Đặng Thị Hạnh cho biết: “Ngay từ câu đầu tiên của cuốn sách, đã phá vỡ tính đơn tuyến truyền thống của tiểu thuyết hiện đại, vốn bao giờ cũng đưa ra những định vị về thời gian và không gian. Proust phá vỡ cấu trúc kịch thông thường để đi theo cấu trúc lệch biểu”. Bà ĐặngThị Hạnh phân tích: “Đặc trưng của văn Proust là thường xuyên có những câu dài, dạng câu dây leo, tìm chủ thể vô cùng khó, khiến văn ông rất nặng nề nhưng lại đem lại cảm giác u hoài, lâng lâng, rất khó diễn đạt sang tiếng Việt”.
Còn dịch giả Dương Tường mô tả: “Chúng tôi vật lộn với những câu văn mê hồn trận, mất ăn mất ngủ. Đây là tác phẩm cấm sự dễ dãi, và độc giả cũng đến với Proust một cách không lười biếng”.
Văn của Proust là văn không có nhiều độc giả. Bởi vì, dịch giả Lê Hồng Sâm phân tích: “Văn của ông không chỉ có những câu văn dài rối rắm, bắt chúng tôi đi tìm chủ thể bở hơi tai, mà còn đan cài rất nhiều luận thuyết, quy chiếu, truyền thuyết, âm nhạc, hội họa…, phải chú thích rất nhiều. Đã thế ông còn sử dụng rất nhiều phép so sánh, đẳng lập, phụ thuộc, đối chiếu, song song…, tìm ra được từ chốt là rất mệt mỏi”. Bà Hồng Sâm nói: “Tôi đọc sách thường không thích những cuốn có nhiều chú giải bởi nó tạo ra sự ngắt quãng và gây mệt mỏi cho người đọc”.
Dịch giả Đặng Anh Đào, em ruột của dịch giả Đặng Thị Hạnh đã mô tả nỗi gian truân của mình trong quá trình dịch một cách hóm hỉnh: “Tác giả đặt tên bộ tiểu thuyết là “Đi tìm thời gian đã mất”, còn tôi thì đi tìm chủ thể đã mất trong một mê hồn trận mà không có sợi chỉ của Theseus để thoát khỏi những câu văn của Proust”.
Tuy nhiên, một điều chung mà cả bốn dịch giả đều công nhận là, dịch văn của Marcel Proust vô cùng mệt, nhưng không bao giờ chán.
Người làm thay đổi xu hướng văn học
Vốn có không nhiều tác phẩm trong suốt sự nghiệp sáng tác, Marcel Proust nổi danh nhất với bộ tiểu thuyết bảy cuốn mang tên “Đi tìm thời gian đã mất”. Bộ tiểu thuyết vạch trần tính phô trương, phù phiếm và hão huyền của tầng lớp thượng lưu trong xã hội, một định vị ngầm cho những ứng xử của con người ở nhiều thời đại khác, kể cả ngày nay.
Bộ sách này từng được tạp chí Times bầu là một trong tám bộ tiểu thuyết vĩ đại nhất mọi thời đại. Nhà văn Anh Graham Greene đánh giá “Proust là nhà văn vĩ đại nhất thể kỷ 20, cũng như Tolstoy với thế kỷ 19” và “những nhà văn sinh ra cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 hầu như không ai tránh được hai nguồn ảnh hưởng lớn là Proust và Freud”.
Bốn dịch giả cao niên trong vòng vây độc giả.
Năm nay, cũng là năm mà Pháp kỷ niệm 100 năm lần đầu tiên cuốn sách của Marcel Proust được xuất bản.
Dịch giả Đặng Thị Hạnh cũng trích dẫn lời nhiều nhà văn nổi tiếng cho biết, trong thời gian đầu thế kỷ 20, vào giữa hai cuộc chiến tranh, có một thế hệ nhà văn tìm cách thể hiện thực tại một cách đa dạng và khái quát. Ông là người phá vỡ hoàn toàn nghệ thuật sắp xếp sự cố trong tiểu thuyết để tạo ra một loại tiểu thuyết về thiên hướng, chứ không phải về sự kiện, câu chuyện… Sách của ông đã làm thay đổi cách đọc của độc giả, thay vì đi theo các sự cố, độc giả phải tự lấp lại các lỗ hổng, các đường dẫn, như câu “Mỗi người đọc trước tiên phải là người đọc của chính mình”.
Tiểu thuyết của Marcel Proust được ví như tranh của chủ nghĩa ấn tượng, với cảnh rất đẹp nhưng tĩnh, trái với xu hướng chung là thích có hành động, tiến trình. Giống như một cái phanh, tiểu thuyết của ông đã hãm lại khuynh hướng kịch tính, có cao trào, thắt nút của tiểu thuyết thế kỷ 19. Dịch giả Lê Hồng Sâm đã trích dẫn lời nhận xét cho rằng, hiếm có một tiểu thuyết nào đầu thế kỷ 20 lại kết thúc có hậu, với thiên hướng đi theo nhân vật từ khi mới lớn, và định hình ở tập cuối cùng. Cuối cùng, nhân vật người kể chuyện quyết định làm một nhà văn, để thắng được “thời gian đã mất”, đạt đến một khoảnh khắc vĩnh cửu. Đó cũng là định hình của một xu hướng tiểu thuyết mới: “Văn của Proust đoạn tuyệt với cả một nền tiểu thuyết lãng mạn, sau ông, người ta không còn viết như tiểu thuyết như trước nữa”.