Nhà văn - dịch giả Hiệu Constant Dồn nỗi nhớ quê vào trang viết Về Việt Nam ra mắt cuốn sách "Đời du học” (NXB Dân Trí) lần này, Hiệu Constant tâm sự rằng sống ở xa quê, nỗi nhớ quê càng da diết, cô đọng lại. Chị chỉ biết dồn nỗi nhớ nhung vào trang viết, nếu không viết ra, chắc sẽ chìm đắm trong nỗi nhớ mà không cất mình lên được. Những cuốn tiểu thuyết trước của chị như "Côn trùng”, "Đường vắng” đều thấy thấp thoáng tâm trạng đó. Và trong buổi ra mắt "Đời du học” vào một chiều Hà Nội se sắt lạnh, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thật tinh tế khi cho rằng: "Dù viết về một nhân vật ở đâu đó, còn rất trẻ, nhưng đó chính là những trải nghiệm của tác giả”. Chính vì thế, mỗi năm Hiệu Constant kiểu gì cũng phải "tìm cớ” để về Việt Nam một vài lần cho thỏa nỗi nhớ ấy. Cuốn tiểu thuyết thứ ba "Đời du học” có lối viết nhẹ nhàng với nhiều cung bậc cảm xúc trong mạch dòng chảy cảm xúc xa quê đầy lắng đọng. Cuốn sách vừa được Hiệu Constant hoàn thành vào tháng 2 năm nay, với nhân vật chính là một chàng sinh viên trẻ, thế hệ 8X, có tên Nguyễn Quang Minh Tiến rời Hà Nội sang Pháp du học. Cuộc sống nơi đất khách quê người bắt đầu với hàng loạt niềm vui, nỗi buồn, những biến cố lẫn niềm cay đắng. "Đời du học” được Hiệu Constant viết như rút từ ruột gan của mình, từ những trải nghiệm lẫn suy nghiệm trong suốt thời gian sống ở Pháp, tìm hiểu đời sống của du học sinh người Việt. "Không phải cứ bố mẹ giàu là đi du học. Không phải cứ đi du học là thành công mà còn phụ thuộc nhiều ở ý chí của mình”, Hiệu Constant nói về cuốn tiểu thuyết mới của mình như vậy. Gần 300 trang sách được chia thành nhiều phần dễ đọc, dễ theo dõi. Mỗi phần được đặt tên theo một chủ đề: Cặp bến nơi đất khách – Paris, Oran – Algérie, Master 1, Trải nghiệm đầu đời, Compìegne – Pháp, Anh Công bảo vệ luận án Tiến sĩ; Huế – Việt Nam, Tâm tư đàn bà, Tel-Aviv-Israel, Thực tập bên Dubai, Đảo corse – Pháp, Năm cuối-bảo vệ luận án tiến sĩ, Abidjan-bờ Biển Ngà… Đọc các tiêu đề cùng với nhân xưng nhân vật "tôi” dễ khiến người ta liên tưởng đây là một cuốn hồi ký, tự truyện. Song, "Đời du học” vẫn được tác giả gọi là một cuốn tiểu thuyết. Với cách viết này, độc giả sẽ có những trải nghiệm như được lạc vào thế giới mà tác giả vẽ ra với những cung bậc cảm xúc của nhân vật. Bìa cuốn tiểu thuyết "Đời du học” Cầu nối văn hóa Việt - Pháp Sinh năm 1971, tại Hà Tây (cũ), Hiệu Constant tên thật là Lê Thị Hiệu, chị học Đại học Tổng hợp khoa tiếng Pháp, sang Pháp định cư từ 1998. Lý do chị ở lại Pháp, chính bởi "một nửa” của chị là người Pháp, đó cũng là nguồn gốc bút danh "Hiệu Constant”. Nhưng để có thể dịch được sách, Hiệu Constant đã không ngại học tiếp, học ở trường, học từ môi trường sống xung quanh. "Tôi thích sự trong trẻo ngân nga khi phát âm của tiếng Pháp, thích sự biến đổi kỳ ảo ý nghĩa của câu qua mỗi thì thức khi chia động từ…”, chị tâm sự. Với người cầm bút, khi đã nhận thêm một vùng đất thành quê hương kiểu gì cũng tìm cách để "trả nợ”. Có lẽ vì thế mà suốt nhiều năm qua, Hiệu Constant vừa là một nhà văn viết tác phẩm bằng tiếng Việt, song chị cũng là một dịch giả mang các tác phẩm văn học của Pháp đến với độc giả Việt Nam, trở thành chiếc cầu nối văn hóa Việt-Pháp. Gần 50 cuốn sách dịch của chị - một con số đáng ngạc nhiên về sức làm việc miệt mài, làm việc bất cứ nơi đâu, bất kể thời gian nào. Trong số đó, có thể kể đến: Nỗi niềm – tiểu thuyết của Paule Constant, Giải Goncourt năm 1998 (2005); Rừng thẳm – tiểu thuyết của Julien Gracq (2006); Tổng thống Francois Mitterrand là như thế của Jacques Attali (2007); Cửa hàng dành cho những kẻ ngán sống – Tiểu thuyết của Jean Teulé (2009); Barack Obama hay giấc mơ mới của người Mỹ của Guillaume Serina (2009)… Hiệu Constant chia sẻ rằng, ngay từ những ngày đầu tiếp xúc, chị đã có cảm giác mình duyên nợ với ngôn ngữ này. Khi đi làm dâu xứ người chị phải học văn hóa, cách cư xử theo văn hóa của họ. Khi sinh con, ngoài việc dạy con ứng xử theo văn hóa Việt chị cũng phải dạy con như một người Pháp. Chính quá trình đó đã khiến chị thấm nhuần văn hóa ấy, biết được sự phong phú, cái hay, cái đẹp của đất nước Pháp và muốn chia sẻ với bạn bè. Chị cho rằng, không cách gì hay hơn là chia sẻ văn hóa qua các tác phẩm văn học. Tuy vậy, gần 20 năm xa quê, nói và dịch thứ ngôn ngữ nước ngoài chị vẫn không hề sợ vốn tiếng Việt của mình phôi phai bởi chị vẫn đi về giữa hai nước. Hơn nữa, internet đã rút ngắn khoảng cách địa lý rất nhiều. Hàng ngày chị vẫn lướt web, đọc báo và đọc cả những tác phẩm của nhà văn trong nước để cập nhật thêm những ngôn ngữ của giới trẻ, làm giàu thêm vốn tiếng Việt của mình. Đó vừa là cách gần với quê nhà, cũng là cách trau dồi kiến thức phục vụ công việc viết lách và dịch thuật. Thư Hoàng |