Dịch giả Đặng Thị Hạnh: Đi tìm độc giả tưởng đã mất

08:23:00 28/11/2013

SGTT.VN - Mất không ít thời gian chúng tôi mới thuyết phục được dịch giả Đặng Thị Hạnh đồng ý trao đổi về Bên phía nhà Swann, tập đầu trong bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, vừa ra mắt bản Việt ngữ. Tác phẩm, ngay từ khi bắt tay dịch, bà đã xác định: chỉ dành cho một nhóm độc giả thiểu số.

Nhóm dịch giả, bà Hạnh ngồi thứ hai từ phải.

Lý do gì khiến bà không muốn chia sẻ về quá trình dịch Bên phía nhà Swann?

Tôi hiếm khi trả lời phỏng vấn, chỉ trừ một vài lần sau khi xuất bản cuốn hồi ức Cô bé nhìn mưa. Đó là vì cô biên tập nói, sách của tôi kén người đọc (theo ngôn ngữ nhà xuất bản có nghĩa là khó bán), nên tôi trả lời phỏng vấn vì sợ nhà xuất bản bị lỗ. Còn lần này, tôi thay đổi ý kiến vì nhận ra, sự đón nhận của độc giả hiện nay không giống như mình nghĩ. Tôi từng nói với dịch giả Lê Hồng Sâm: “Mình ra bộ tiểu thuyết này quá chậm, những độc giả có thể thưởng thức Proust khéo chết cả rồi!” Tôi không ngờ qua buổi tọa đàm về Đi tìm thời gian đã mất ở trung tâm Văn hóa Pháp và buổi ký sách ở công ty Nhã Nam, tôi lại thấy độc giả là những người trẻ khá nồng nhiệt.

Đúng là có một thế hệ độc giả đã lỡ mất cơ hội thưởng thức tuyệt tác của M. Proust. Vì sao đến nay Đi tìm thời gian đã mất mới tới tay người đọc Việt Nam, dù không ít dịch giả mơ ước dịch tác phẩm này từ lâu?

Từ khoảng năm 1995, tôi đã dịch một số trích đoạn trong Đi tìm thời gian đã mất để in vào quyển Một số gương mặt của văn xuôi Pháp thế kỷ 20. Tôi rất thích Proust, và chỉ dịch cái gì mình thích. Thời đó nếu xuất bản Proust thì thuận lợi hơn nhiều, bởi các nguồn tài trợ sách văn học khá dồi dào. Nhưng các dịch giả do mỗi người mỗi việc chưa tập hợp được, mà để dịch Proust phải có một nhóm dịch giả cùng hợp sức. Điều này, gần đây, chúng tôi mới thực hiện được, nhân kỷ niệm 100 năm ngày ra mắt Bên phía nhà Swann. Một phần do công ty Nhã Nam cũng khá can đảm. Tài trợ cho sách phải xin trước một năm mà cũng không được nhiều. Trước khi bạn đặt tiếp câu hỏi, thì tôi rất muốn biết những cảm nhận đầu tiên của bạn về Proust sau khi đọc gần 100 trang của Bên phía nhà Swann?

Bên phía nhà Swann, chỉ mới 100 trang đầu, đã có thể khiến độc giả Việt Nam đuối sức với những câu dây leo dài dằng dặc (có câu gần hết một trang sách), với lối miêu tả từng con người, từng sự vật, từng khoảng thời gian đã mất vừa xa xăm vừa chi tiết, với giọng văn vừa châm biếm vừa u hoài, với dày đặc quy chiếu vào văn hóa – nghệ thuật Đông, Tây, kim cổ. Khi bắt tay dịch Bên phía nhà Swann, bà nghĩ gì về phương châm vừa tôn trọng cái dị biệt của bản gốc, vừa tìm cách bản địa hóa? Bà có cho rằng, ngoài việc có một cách viết khác sau Proust như giới nghiên cứu đã khẳng định thì cũng cần phải có một cách dịch khác sau Proust?

Trong buổi tọa đàm tại trung tâm Văn hóa Pháp, dịch giả Lê Hồng Sâm cũng đã nói, nhóm dịch giả Bên phía nhà Swann cùng thế hệ, nên có định hướng dịch tương đồng. Trong trường hợp nếu có mâu thuẫn giữa hai vế bạn nêu ra: tôn trọng cái dị biệt của bản gốc hay tìm cách bản địa hóa, chúng tôi vẫn nghiêng về vế đầu, bởi đó là cách dịch làm giàu cho văn hóa và ngôn ngữ của độc giả Việt Nam, cũng là để độc giả quen với cách đọc khó, tự mình lắp ráp các trường đoạn của truyện kể. Với tôi, dịch giả cần đặt chính xác bước đi của mình lên lối chân của tác giả. Đấy là về sự chính xác của việc dịch. Còn về giọng điệu của Proust lại là chuyện khác. Với những dây leo dài dằng dặc, với ảnh hưởng của phép tu từ có vẻ nặng nề, tác phẩm vẫn giữ được một giọng điệu lâng lâng, buồn và u hoài khó tả. Điều này không phải lúc nào tôi cũng dịch được. Tôi muốn hỏi tiếp, bạn thích trích mảnh nào trong 100 trang đã đọc?

Có lẽ, tôi ấn tượng nhất với những đoạn miêu tả nhà thờ Combray, hay đoạn gia đình người kể chuyện tiếp ông Swann với các loại rượu và lời bình của các bà cô. Giữa cái vẻ u hoài dằng dặc thì tới đây, giọng điệu của Proust thật hài hước khi miêu tả tính đẳng cấp chi li và thói quen phân biệt các tầng lớp xã hội của người Pháp thời đó. Còn bà thì sao?

Bạn có cách đọc phù hợp với cách đọc mà các nhà nghiên cứu Pháp coi như cách đọc hiện nay đấy. Đầu thế kỷ 21, độc giả Pháp ít quan tâm đến cuộc kiếm tìm hồi ức được tóm lược trong chiếc bánh madeleine, mà quan tâm hơn đến cống hiến phi thường trên bình diện Proust là người viết hồi ký lịch sử “bức tranh tàn ác của xã hội Pháp trong thời hoa lệ đầu thế kỷ 21”. Còn độc giả thế hệ trước ai cũng thưởng thức trích đoạn “mẩu bánh madeleine nhúng trong chén trà nóng một ngày đông lạnh”. Bản thân tôi cũng bắt đầu dịch tác phẩm từ khi đọc thời thơ ấu của người kể chuyện ở Combray.

Nói vậy, nếu như có một cách viết sau Proust, có một cách dịch sau Proust, thì cũng phải có một cách đọc sau Proust nữa. Bà có gợi ý gì về cách đọc Proust cho độc giả hiện nay?

Tôi không có gợi ý gì. “Mỗi người đọc trước tiên là người đọc của chính mình”, chính Proust đã nói vậy sau khi viết Đi tìm thời gian đã mất, chắc là từ đó cũng đã bắt đầu hình thành lý thuyết về sự tiếp nhận. Dù sao tôi cũng nghĩ như J. Gracq, một văn sĩ Pháp đương đại, “có thể đọc Proust bằng trích mảnh” khi ta sống vội vàng như thời nay.

Hương Lan

Bên phía nhà Swann là tập đầu tiên trong bộ tiểu thuyết đồ sộ bảy cuốn Đi tìm thời gian đã mất của văn hào Pháp Marcel Proust (1871 – 1922), bản Việt ngữ vừa ra mắt của nhóm dịch giả Lê Hồng Sâm, Dương Tường, Đặng Thị Hạnh và Đặng Anh Đào; NXB Văn Học và Nhã Nam ấn hành.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1